Những năm gần đây, ngành thực phẩm - đồ uống (F&B) ở Việt Nam được đánh giá là ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển nhất. Tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, không những ngành F&B mà cả các nhóm ngành kinh doanh khác cũng có dấu hiệu chững lại.

Đứng trước thách thức chưa từng có buộc các doanh nghiệp F&B phải đưa định hướng chiến lược riêng để tồn tại. Off-premise xuất hiện như một giải pháp cứu sống ngành F&B giữa đại dịch.

Trong lòng khủng hoảng

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cùng với các đợt giãn cách xã hội do đại dịch khiến hành vi tiêu dùng, xu hướng mua hàng, lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng thay đổi đáng kể.

Hệ thống Golden Gate - chuỗi kinh doanh F&B lâu đời sở hữu hơn 21 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng ở Việt Nam phải tạm thời đóng cửa vào cuối tháng 3/2020 dưới tác động của Covid-19.

Đối với các thương hiệu thuộc Golden Gate, trong thời điểm bùng dịch cao nhất, ghi nhận việc đóng cửa ở một số điểm kinh doanh.

null Chuỗi Gogi House thuộc Golden Gate đã phải tạm dừng hoạt động tại một số cửa hàng tại Hà Nội.


Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc vận hành Golden Gate cho biết nguồn nguyên liệu của công ty có bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều, vì Golden Gate đã đa dạng thị trường nhập khẩu từ trước. Tuy nhiên, COVID-19 đang tác động trực tiếp đến tất cả các ngành, đặc biệt là ngành dịch vụ ăn uống.

“Doanh thu của các chuỗi nhà hàng có nhiều cửa hàng như GoGi House và Kichi-Kichi giảm mạnh”, ông Khánh chia sẻ.

Tương tự câu chuyện của Golden Gate, Covid-19 đợt đầu tiên đã giáng một đòn mạnh lên thương hiệu The Coffee House, khi 120/150 cửa hàng phải tạm đóng cửa.

Trước ngọn sóng lớn mang tên Covid 19, thương hiệu này đã phải đau đầu với bài toán về chi phí mặt bằng, chi phí nhân công, nguyên liệu trong khi doanh thu giảm mạnh.

Tuy nhiên khác với câu chuyện của hệ thống Golden Gate hay chuỗi The Coffee House, ngoài Covid 19 doanh nghiệp Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco đã phải đón thêm cơn bão lớn: “Nghị định 100”. Trong đó, nghị định này quy định về việc xử lý hành chính đối với người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia.

Chính khủng hoảng kép này đã làm lung lay tận gốc rễ của ngành bia nói chung và Sabeco nói riêng. Bằng chứng là, nửa đầu năm 2020 là giai đoạn đầy thách thức với doanh nghiệp này. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của Sabeco giảm hơn 44,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Đồng thời Sabeco cũng phải đối mặt với những tin tức giả mạo dưới ảnh hưởng của “cơn bão kép”. Do đó, Sabeco đã phải tạm thời đóng cửa một số nhà máy bia và đóng cửa một phần một số nhà máy khác trong giai đoạn nhu cầu sụt giảm.

Theo Vietnam Export:

“Có thể nói đại dịch như một cú tát đau đớn phơi bày những điểm yếu của ngành F&B, điển hình là các vấn đề liên quan đến logistics, phân phối, quản trị nhân sự”.

Do đó, một mô hình kinh doanh mới là kịch bản cần thiết của các doanh nghiệp khi đứng trước sự biến đổi bất thường của đại dịch.

Mô hình Off-premise- đón đầu cơn bão

Theo định nghĩa của Tomorrow Marketer: “Off-premise là kênh phân phối mua về nhà. Đó là những kênh bán hàng mà hàng hóa thường được người mua mang về nhà để sử dụng” . Mô hình này nổi bật với một số những hình thức khác nhau:

Drive-thru:

Đây là công nghệ mua hàng trực tiếp trên xe. Hình thức này không thường được áp dụng ở Việt Nam nhưng lại khá phổ biến trên hệ thống Fastfood ở các nước phương Tây.

Takeout:

Là hình thức các đơn đặt hàng được đặt trước hoặc giao ngay lập tức. Các đơn hàng lấy từ cửa hàng và mang đi nơi khác sử dụng.

null Takeout không phải một hình thức mới trong kinh doanh F&B.


Online Delivery:

Là dịch vụ giao nhận thức ăn qua các ứng dụng, trang thương mại điện tử,....

Dưới ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội khá nghiêm ngặt cùng với xu hướng “Work from home”, việc ăn uống, sử dụng dịch vụ tại chỗ giảm mạnh. Người tiêu dùng lựa chọn việc mua sắm online, hay đến các cửa hàng mua về sử dụng nhà như một giải pháp an toàn giữa mùa dịch.

Mô hình Off-premise không phải là xu hướng mới nhưng lại là chiến lược của phần lớn các doanh nghiệp F&B lựa chọn lúc này để thích nghi với “cơn bão” và thúc đẩy doanh số.

Trong lĩnh vực F&B , một số chuỗi thương hiệu lớn tại Việt Nam đã áp dụng mô hình này đạt được một số thành công nhất định.

Trong khi nhiều doanh nghiệp F&B lựa chọn con đường kết hợp với các nền tảng đặt món ăn trực tuyến như Grabfood, Baemin, Now,... thì The Coffee House rút cho mình những bài học từ đợt bùng dịch lần thứ nhất, đã đề ra những hướng đi mới.

Đó là việc quyết định tự xây dựng ứng dụng riêng với mục tiêu phục vụ khách hàng ngay cả khi họ không có mặt ở cửa hàng. The Coffee House chủ yếu hợp tác với các ứng dụng theo hướng sử dụng tài xế của nền tảng thứ ba (Ahamove, GrabExpress) để giao hàng.

Thực tế cho thấy đây là một quyết định đúng đắn, nhờ sự linh hoạt thích nghi, số lượng đơn hàng của The Coffee House ngày một gia tăng.

null The Coffee House chủ yếu sử dụng tài xế của nền tảng thứ ba để giao hàng.


Ngoài The Coffee House, không thể không kể đến chuỗi nhà hàng Morico. Thương hiệu này đã lợi dụng Covid-19 như đòn bẩy để tăng trưởng, với concept: “MORICO AT HOME” . Đây được coi là giải pháp trải nghiệm ẩm thực tại nhà: nhanh gọn, dinh dưỡng và kinh tế.

Không những áp dụng hiệu quả mô hình Off-premise, Morico còn nâng mô hình này lên một tầm cao mới.

Đó là việc mang đến những trải nghiệm nấu ăn tại nhà cho khách hàng trong mùa dịch bằng những bữa ăn sơ chế hoàn hảo “Ready to heat” và “Ready to eat”

Morico cho biết, ý tưởng về mô hình này nhen nhóm từ 2018, nhưng chỉ đến đợt giãn cách xã hội từ 27/03 – 23/04, thì mô hình này mới từ trang giấy thành hình. Đây là thời điểm “thiên thời địa lợi nhân hòa” để “MORICO AT HOME” thực sự gây ấn tượng với người tiêu dùng.

null Một sản phẩm của Morico At Home.


"Chúng tôi nhận thức rằng hành vi của người tiêu dùng – xu hướng nấu ăn tại nhà nhiều hơn - không chỉ là sự thay đổi tạm thời để thích ứng với dịch bệnh mà đây sẽ là thói quen dù dịch bệnh có qua đi", Morico nhận định.

Như Ngọc