Nhiếp ảnh đường phố – khoảnh khắc của bố cục và ánh sáng
Có nhiều thông tin cho rằng nhiếp ảnh đường phố bắt đầu từ những chiếc Leica Rangefinder sử dụng phim 35mm và hệ ống kính gọn nhẹ chất lượng siêu việt.
Những cuộc đi dạo của các nhiếp ảnh gia đi xung quanh thành phố trở thành cơ hội sử dụng máy ảnh để bắt lại những khoảnh khắc mà chúng ta dễ dàng bỏ qua.
Những khoảnh khắc đời thường kết hợp cùng cách sử dụng ánh sáng đặc biệt tạo ra một trường phái nhiếp ảnh có phần tương đồng với nhiếp ảnh tài liệu.
Người chụp ảnh ít tác động tới chủ thể hoặc khung cảnh xung quanh, tất cả những gì hiện lên trên bức ảnh sau khi tráng phim hoàn toàn đến từ sự tình cờ trong buổi đi dạo.
Một số nhiếp ảnh gia ở thể loại này phải kể đến bao gồm Henri Cartier-Bresson, Eugène Atget, William Eggleston, Robert Frank, Joel Meyerowitz, Vivian Maier, André Kertész…
Trong đó, Henri Cartier-Bresson chắc hẳn là cái tên quen thuộc với nhiều người nhất. Nhiều tác phẩm của Henri Cartier-Bresson ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách chúng ta nhìn nhận như thế nào là “street”.
Một bức ảnh đường phố phải có yếu tố bất chợt, lợi dụng những tia sáng, vùng sáng tạo điểm nhấn trên bức ảnh và sử dụng thành thục các kỹ năng bố cục ảnh như Fibonacci, khung lồng khung, đối xứng…
Những bức ảnh đường phố đẹp gây nên ấn tượng thị giác nhờ bố cục và ánh sáng, giống như khi nấu ăn chỉ dùng muối và tiêu, không gia vị khác.
Vì vậy, để đạt được trình độ nhiếp ảnh đường phố có giá trị, người chụp ảnh phải học và hiểu rất kỹ lịch sử nhiếp ảnh qua những bộ ảnh của Henri Cartier-Bresson, Joel Meyerowitz, Vivian Maier…
Yếu tố nghệ thuật của nhiếp ảnh đường phố
Nhiếp ảnh đường phố không phải chụp ảnh đường phố.
Thể loại nhiếp ảnh này không cố lôi kéo ánh mắt của người xem qua những hình thù quái dị hay những cảnh tượng dị hợm hoặc quá lạm dụng yếu tố xã hội như chụp ảnh khu phố kém phát triển, người vô gia cư, buổi biểu tình…
Đây là những yếu tố thu hút ánh mắt người xem ở dạng thông tin.
Còn đối với nhiếp ảnh đường phố, sự thu hút nằm ở bố cục và ánh sáng.
Vì tính chất “khó tính” mà nhiếp ảnh đường phố được xem như một hình thức nghệ thuật, không chỉ là công cụ truyền tải hình ảnh đơn thuần như nhiếp ảnh tài liệu.
Bắt kịp mọi khoảnh khắc
Chỉ có cách cầm máy ảnh và hòa vào dòng người thì chúng ta mới có thể bắt gặp được nhiều khoảnh khắc quyết định, hay khoảnh khắc then chốt (decisive moment) – cụm từ được tạo ra bởi Henri Cartier-Bresson.
Những thành phố mà nhiếp ảnh gia vừa mới đặt chân đến lần đầu là nguồn sáng tạo vô tận.
Khi cầm trên tay máy ảnh, bước đi trên những con đường lạ, con mắt nhiếp ảnh của chúng ta sẽ nhạy cảm hơn, dễ dàng tạo được nhiều bức ảnh có giá trị.
Nhưng cũng đừng bỏ qua thành phố nơi chúng ta sống hằng ngày, vì chính nơi chúng ta quen thuộc nhất lại ẩn chứa nhiều sự ngẫu hứng mà chỉnh cần tinh mắt sẽ khám phá ra.
Thông số máy ảnh khi chụp ảnh đường phố
Thiết lập thông số máy ảnh khi chụp ảnh đường phố là một việc đơn giản nhưng đòi hỏi thời gian để làm quen với cách chụp.
Khác với studio, người chụp phải tận dụng triệt để nguồn sáng môi trường, ánh nắng, đèn neon, đèn điện, ánh sáng phản chiếu.
Khẩu độ nên để ở F8, lấy nét vùng (zone focus) khi ra đường chụp vào ban ngày. Ban đêm sẽ thử thách hơn để lấy nét và lấy sáng. Vì vậy, người viết khuyên dùng các ống kính MF có khẩu lớn (F2 trở lên).
Để ảnh không bị bết màu, chúng ta có thể chụp ảnh đen trắng. Những bức ảnh đơn sắc dưới đây được chụp bằng máy X-Pro 2, lens 27mmF2.8, ISO 12000, giả lập phim Acros.
Nhiếp ảnh đường phố là bài tập nên có cho những người bắt đầu cầm máy ảnh.
Điều này giúp chúng ta rèn luyện cách bố trí khung hình, cách sử dụng nhiều chức năng đo sáng khác nhau để tạo ra điểm nhấn trên ảnh, hoặc rèn luyện cách sử dụng máy ảnh linh hoạt và sự tự nhiên trên đường phố khi đối mặt với người lạ.
Theo Menback