Gốm sứ là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của nước ta.

Họa tiết trên gốm rất phong phú, màu sắc phối hợp nhã nhặn, tinh tế nhưng cũng không kém phần sang trọng khiến chúng như có mị lực thu hút người thưởng lãm.

Bởi vậy mà có không ít ý tưởng khởi nghiệp với gốm sứ lan tỏa vẻ đẹp của chúng tới đông người hơn.

Đó là: đưa gốm Bát Tràng tới các tỉnh thành phía Nam, kết hợp chuyển đổi số với thủ công mỹ nghệ và lan tỏa vẻ đẹp của chúng tới du khách nước ngoài.

Đưa gốm Bát Tràng tới các tỉnh thành phía Nam

Từ niềm đam mê men gốm Bát Tràng, chị Tống Thị Ngọc Duyên và chị Lê Ngọc Bích ở phường Tân Phú đã hợp tác mở tiệm gốm Nhà Cát.

Nhờ vậy mà sản phẩm gốm sứ Bát Tràng tiếp cận gần hơn với người dân TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Chị Duyên bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình bằng sự yêu thích những món đồ gốm sứ nho nhỏ, xinh xinh.

Sau khi tham quan làng gốm Bát Tràng chị Duyên và chị Bích lên ý tưởng và tự thiết kế cửa tiệm theo kiểu decor trang nhã.

Chị Tống Thị Ngọc Duyên (bên phải) giới thiệu về nét độc đáo của các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. (Ảnh: Bình Phước Online).
Chị Tống Thị Ngọc Duyên (bên phải) giới thiệu về nét độc đáo của các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. (Ảnh: Bình Phước Online).

Tại Nhà Cát hiện bày bán khá phong phú các loại bình hoa, ấm chén, bát đĩa, đồ trang trí… thỏa sức cho các tín đồ gốm sứ Bát Tràng lựa chọn.

Ngoài những sản phẩm phổ thông truyền thống, tiệm cũng thường xuyên cập nhật các mẫu mới như bình hoa 3D, bình hoa vẽ khuôn để kịp thời phục vụ khách hàng.

Những chiếc bình gốm tinh xảo hoa văn sắc nét. (Ảnh: Bình Phước Online).
Những chiếc bình gốm tinh xảo hoa văn sắc nét. (Ảnh: Bình Phước Online).

Điểm đặc biệt tại Nhà Cát là các món bình hoa, ấm trà vuốt tay độc bản, tức là mỗi mẫu chỉ có một sản phẩm duy nhất.

Ngoài ra, tiệm cũng nhận đặt các sản phẩm theo yêu cầu, tuy thời gian chờ đợi lâu hơn nhưng sản phẩm được chính tay nghệ nhân Bát Tràng thực hiện sẽ là những món gốm sứ độc đáo có một không hai.

Bình hoa in 3D độc đáo. (Ảnh: Bình Phước Online).
Bình hoa in 3D độc đáo. (Ảnh: Bình Phước Online).

Dù Nhà Cát mới hoạt động hơn 3 tháng nhưng tiệm gốm duy nhất ở TP.Đồng Xoài đã thu hút được lượng khách quen và mỗi ngày đều có thêm khách hàng mới.

Điều đó đã tiếp thêm động lực cho hai bà chủ trẻ tự tin biến khát khao đưa tinh hoa nghệ thuật của người Việt đến với khách hàng gần xa thành hiện thực.

Chị Bích cho biết:

Với tình hình khả quan hiện tại, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng mô hình kinh doanh này, tuyển thêm các sản phẩm cao cấp của gốm sứ Bát Tràng để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Tạo dựng giá trị xứng tầm cho nghệ thuật mỹ nghệ

Theo các chuyên gia, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa văn hóa của dân tộc, đó chính là tài nguyên vô giá trong việc phát triển kinh tế, quảng bá văn hóa dân tộc.

Làm thế nào để sản phẩm của làng nghề trở thành sản phẩm mang đậm văn hóa của dân tộc, đòi hỏi sự sáng tạo nghiêm túc của các nghệ nhân.

Từ khát vọng tạo ra giá trị cho cộng đồng, anh Nguyễn Trung Thành đã nghiên cứu để cho ra đời một chiến lược mang tính đột phá, tạo dựng giá trị xứng tầm cho nghệ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam.

Anh Nguyễn Trung Thành đã nghiên cứu và tạo dựng giá trị xứng tầm cho nghệ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: phapluatkinhdoanh.vn).
Anh Nguyễn Trung Thành đã nghiên cứu và tạo dựng giá trị xứng tầm cho nghệ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: phapluatkinhdoanh.vn).

Năm 2018, mô hình khởi nghiệp từ kinh doanh gốm sứ gia dụng mang thương hiệu Bát Tràng Family chính thức được anh cho ra mắt.

Đến nay đã có hơn 100 cơ sở trên toàn quốc.

Thời gian đầu triển khai, anh tốn khá nhiều thời gian công sức mới có thể quản lý vận hành, khai thác khách hàng.

Tuy nhiên khi đã vào quỹ đạo, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả đến bất ngờ.

Năm 2020, Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam được anh Nguyễn Trung Thành sáng lập.

Sứ mệnh của họ là đồng hành cùng thanh niên, người nông dân để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và truyền thông tiếp thị cho các sản phẩm.
Anh Nguyễn Trung Thành dành nhiều tâm huyết cho hoạt động chuyển đổi số.
Anh Nguyễn Trung Thành dành nhiều tâm huyết cho hoạt động chuyển đổi số.

Đầu năm 2021, anh Thành tiếp tục thành lập Viện Nghiên cứu và Chuyển đổi số ASEAN .

Mục đích là để xây dựng và đào tạo, chuyển giao công nghệ phát triển kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội nhằm hình thành hệ sinh thái trên môi trường số.

Đây được xem là lời giải cho "bài toán" về nguồn nhân lực có tri thức và trình độ cao tại các làng nghề truyền thống hiện nay đang thiếu.

Thành quả mà anh Thành gặt hái được sau những nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi là sự dịch chuyển rõ nét của lực lượng lao động trẻ trở về với làng nghề truyền thống.

Anh được xem như người “truyền cảm hứng” giúp họ là nắm bắt được cơ hội làm chủ để thành công tại chính quê hương.

Khao khát lan tỏa văn hóa gốm sứ tới du khách nước ngoài

Với khát khao lan tỏa văn hóa gốm sứ Bát Tràng đến với nhiều người, trong đó có du khách nước ngoài, nghệ nhân Hà Thị Vinh đã dày công xây dựng công trình đồ sộ mang tên Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh là thế hệ thứ 15 của một gia đình có nghề gốm gia truyền lâu đời tại Bát Tràng.

Bà Vinh chia sẻ tự hào, trân trọng nghề của cha ông truyền lại, bà có động lực dành cả cuộc đời mình cho sự phát triển của gốm sứ Bát Tràng.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh hiện là Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.
Nghệ nhân Hà Thị Vinh hiện là Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.

Bà đã đi rất nhiều nước trong khu vực để tìm hiểu về công nghệ để phát triển ngành gốm.

Đặc biệt là vấn đề vừa sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng phải đảm bảo việc bảo vệ môi trường.

Sau quãng thời gian tìm hiểu, học hỏi từ nhiều nước bạn, bà Vinh đã đưa ra giải pháp sản xuất bằng công nghệ và thiết bị lò nung, chuyển từ lò than củi sang đốt bằng công nghệ cao.

Có những thời điểm, cả ngành gốm sứ gặp nhiều khó khăn nhưng bà Vinh vẫn không ngừng say mê, tâm huyết với hoạt động xúc tiến thương mại.

Nhờ vậy mà bà đã tìm ra những lối đi riêng để mang sản phẩm gốm sứ quê hương đến với khách hàng trong nước và quốc tế.

Một trong những hướng đi đó chính là xây dựng Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (ở thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội).

Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt với kiến trúc vô cùng độc lạ.
Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt với kiến trúc vô cùng độc lạ.

Dù mới đi vào hoạt động nhưng Trung tâm đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, trong đó có nhiều du khách nước ngoài.

Công trình có kiến trúc độc đáo, mô phỏng một lò gốm khổng lồ, bên trong trưng bày sản phẩm tinh hoa cùng những giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề.

Du khách như đang tham quan một làng Bát Tràng thu nhỏ qua suốt chiều dài lịch sử.
Du khách như đang tham quan một làng Bát Tràng thu nhỏ qua suốt chiều dài lịch sử.

Trung tâm đặc sắc này giống như một bảo tàng của làng gốm.

Đây là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng và là nơi giới thiệu những sản phẩm tinh hoa của nghệ nhân.

Điểm tham quan này mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị về một nét văn hóa truyền thống của Thủ đô và đất nước.

Các sản phẩm được trưng bày tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.
Các sản phẩm được trưng bày tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.

Đồng thời, đây cũng là nơi để những người con của làng gốm sứ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi, trau dồi kinh nghiệm, tìm ra những hướng đi mới cho làng nghề.

Mỗi bước đi của chị Duyên, chị Bích, anh Thành, nghệ nhân Hà Thị Vinh đều thấm đẫm tình yêu với nghệ gốm truyền thống.

Tất cả đều hướng đến lưu giữ và lan tỏa văn hóa gốm sứ đầy niềm tự hào.