Theo báo cáo của KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2021, số lượng các thương vụ M&A đã tăng gấp đôi và tổng giá trị giao dịch của các thương vụ này đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Tổng giá trị được ghi nhận ở mức 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng 17,9% so với cả năm 2020. Trong đó ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, tài chính và bất động sản đóng góp khoảng 60% tổng giá trị.
M&A chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ
Bất chấp khó khăn của đại dịch, thị trường M&A vẫn có sự tăng trưởng mạnh. Nếu như trước đây bất động sản chiếm chủ yếu trong hoạt động M&A, thì hiện nay công nghệ, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính đã nổi lên dẫn dắt thị trường này.
Đặc biệt, do đại dịch, hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên thế giới có sự tăng tốc kéo theo các hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ số cũng gia tăng, nổi bật ở các doanh nghiệp sở hữu công nghệ cao, có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn, các startup có nền tảng công nghệ mới tiềm năng…
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ở Việt Nam giai đoạn trước năm 2015, hoạt động M&A chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2018 đã xuất hiện một số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ số có giá trị chuyển nhượng lớn.
Đặc biệt giai đoạn 2019-2021 đã xuất hiện hàng loạt các thương vụ lớn như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ Softbank Vision Fund và Quỹ GIC hoặc FPT mua lại nền tảng quản trị doanh nghiệp Base…
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, cho biết thêm hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự quan tâm rất lớn đến lĩnh vực công nghệ Việt Nam.
Gần đây, chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm đến kinh tế internet Việt Nam, công nghệ tài chính Fintech, giáo dục…
Chia sẻ về một số xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Công Ái, cho biết mặc dù tài chính ngân hàng, hàng tiêu dùng và bất động sản vẫn là ba ngành chính đóng góp nhiều nhất cho các thương vụ M&A tại Việt Nam thời gian qua, song số liệu của KPMG lại cho thấy ngành công nghệ đã trở thành một trong những những ngành quan trọng.
Các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ càng ngày càng nhiều hơn với giá trị lớn hơn. Từ những thương vụ 10-20 triệu USD đã lên xuất hiện nhiều hơn các thương vụ lên đến hàng trăm triệu USD đầu tư vào các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ.
Theo đó, lĩnh vực công nghệ ngày càng nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư với với số thương vụ tăng gần gấp đôi, từ con số 22 năm 2020 lên 42 vụ vào năm 2021 và tổng giá trị giao dịch tăng gấp hơn 3 lần lên gần 1 tỷ USD. Các giao dịch đáng chú ý như Tiki (vòng gọi vốn 258 triệu USD), Sky Mavis (vòng gọi vốn 152 triệu USD)…
Lý giải về sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, đại diện KPMG Việt Nam cho rằng do chính sách của Việt Nam đưa ra trong việc hỗ trợ startup, tạo dựng phong trào startup đã có tác dụng lan tỏa tới cộng đồng đầu tư quốc tế.
Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ tại Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.
M&A lĩnh vực công nghệ số là mảng đầu tư đầy hứa hẹn
Các chuyên gia nhấn mạnh, thời gian tới M&A lĩnh vực công nghệ số là mảng đầu tư rất hứa hẹn. Hoạt động M&A mang cơ hội và nguồn lực cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Dự báo Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch làn sóng M&A ở hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất hàng hóa đến công nghệ trên nền tảng Internet.
Tiềm năng M&A nói chung và của lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam là rất lớn. Ông Ái dự báo trong năm 2022, thị trường M&A nói chung có thể tăng ở mức 100%, gấp đôi so với năm 2021.
Riêng trong lĩnh vực công nghệ, dự báo có thể sẽ cao hơn nữa, khoảng 150%. Đây là một xu hướng và Việt Nam có cơ sở để trở thành một Startup Hub trong tương lai.
Các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực hỗ trợ trong điều hành thường không sẵn lòng theo đuổi các ý tưởng sản phẩm chưa có hình hài rõ nét, trừ khi sản phẩm thực sự nổi bật, khác biệt. Do đó, mặc dù hoạt động M&A có khởi sắc nhưng sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh hơn.
Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế thì rất cần sự năng động của các doanh nghiệp, startup. Điều quan trọng là các doanh nghiệp công nghệ, startup phải đưa ra được các giải pháp đột phá.
Các nhà tư vấn, đầu tư cũng quan tâm tới chất lượng của những người thành lập doanh nghiệp. Khi đáp ứng các yếu tố này, một doanh nghiệp mới thành lập cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Các sáng lập không chỉ quan tâm tới các vấn đề kỹ thuật, giải pháp công nghệ mà cả các khía cạnh tài chính, đặc biệt là cơ cấu của doanh nghiệp, cũng như cơ cấu thương vụ đầu tư, để bảo vệ được giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Mặc dù công nghệ số Việt Nam là lĩnh vực có tiềm năng lớn, có khả năng bùng nổ các hoạt động M&A so với các lĩnh vực khác trong tương lai gần nhưng các công ty công nghệ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hình thành, phần lớn còn ở hình thức các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Tuyên phân tích, nhiều công ty có ý tưởng công nghệ tốt nhưng chưa thể phát triển thành các doanh nghiệp hoạt động quy mô bài bản, còn hạn chế về năng lực quản trị điều hành, tư duy hoạch định chiến lược, mô hình kinh doanh cũng như năng lực tài chính chưa đủ mạnh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam còn những hạn chế và sản phẩm công nghệ số phần lớn đang tập trung phục vụ thị trường trong nước, chưa có nhiều sản phẩm có tính khu vực và toàn cầu nên hoạt động M&A chưa thực sự bùng nổ.
Các nhà đầu tư không chỉ tìm kiếm một ý tưởng sản phẩm đơn thuần mà hướng đến thành phẩm hoàn thiện để có thể tích hợp vào hoạt động kinh doanh.
Các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực hỗ trợ trong điều hành thường không sẵn lòng theo đuổi các ý tưởng sản phẩm chưa có hình hài rõ nét, trừ khi sản phẩm thực sự nổi bật, khác biệt.
Do đó, mặc dù hoạt động M&A có khởi sắc nhưng sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh hơn nữa.
Theo VnEconomy