Liệu có phải tất cả những gì chúng ta nhìn thấy đều là sự thật hay chỉ là chiêu trò phô trương của các doanh nhân mỹ phẩm biến tướng?
Theo ông Lê Minh Tâm, cựu CMO Vinalink Media, hiện là CEO thương hiệu kính mắt Bích Ngọc, có 3 đặc điểm dễ thấy để nhận biết một mô hình kinh doanh mỹ phẩm biến tướng.
Thứ nhất, những "doanh nhân mỹ phẩm" này không phải người bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng mà qua hệ thống cộng tác viên, gọi là kinh doanh dựa trên phát triển hệ thống.
Mô hình này thường nhắm đến các đối tượng đang có nhu cầu làm thêm kiếm thu nhập như mẹ bỉm sữa, sinh viên hay nhân viên văn phòng, với điều kiện tham gia vô cùng dễ dàng.
Ban đầu, các cộng tác viên chưa phải nhập hàng mà chỉ cần đăng thông tin về các sản phẩm mà công ty đang phân phối, khi nào có người mua thì nhập, giao hàng và hưởng hoa hồng.
"Bạn đăng bất kỳ bài nào lên cũng sẽ có rất nhiều người vào hỏi, mua hàng nhưng thực ra đa số đều là người của chính hệ thống đó.
Họ tạo cho các bạn cảm giác rằng đây là một sản phẩm rất "hot", rất dễ bán, chưa cần làm gì đã bán được hàng", ông Minh Tâm cho hay.
Sau khi đạt được thành tích thông qua doanh số, bạn sẽ được mời đến các sự kiện do công ty tổ chức, được nghe câu chuyện thành công của những đại lý cấp cao hơn, của những người đứng đầu thương hiệu.
Mục đích nhằm "chốt sale" bạn ngay trong sự kiện.
Từ đó, công ty mỹ phẩm sẽ đưa ra các gói nhập hàng hấp dẫn cho cộng tác viên. "Nếu bạn chỉ đăng tin mà không nhập hàng thì giá sẽ tương đối cao.
Nếu bạn lấy trước thì giá bán buôn đã rẻ hơn rồi, nhưng nếu chốt đơn hàng ngay lúc ấy thì giá đơn hàng sẽ còn rẻ hơn nữa."
Với lượng người tham gia đông đảo, trong một buổi chốt sale, hệ thống có thể thu về nhiều tỷ đồng tiền hàng từ việc bán cho đại lý.
Thứ hai, mô hình kinh doanh mỹ phẩm biến tướng không đẩy mạnh truyền thông thương hiệu và sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng mà chỉ đẩy hàng cho đại lý mà không quan tâm họ có bán được cho người tiêu dùng hay không.
Đại lý sẽ phải tự lo, tự bù lỗ, nếu không làm được thì phải rời bỏ hệ thống.
Thứ ba, nhanh chóng thay đổi sản phẩm. Sau khi ra mắt sản phẩm mới và bán được số lượng đáng kể cho các đại lý thì công ty sẽ ngừng sản xuất và tạo ra những mặt hàng khác, tiếp tục vòng tuần hoàn tổ chức sự kiện mới, thu hút đại lý mới.
Nếu không hiểu được bản chất của mô hình thì hẳn không ít người sẽ thắc mắc vì sao lại xuất hiện nhiều doanh nhân trẻ thành công sớm đến vậy.
Nhưng đó là nhiệm vụ của họ, nhiệm vụ phải tạo ra thương hiệu cá nhân cực kỳ tốt, khiến cho các đại lý cấp dưới ngưỡng mộ và bị thuyết phục mà gia nhập mô hình.
Một điều khó hiểu nữa là thị trường mỹ phẩm vốn cạnh tranh vô cùng khốc liệt, ngay cả thương hiệu lớn còn gặp khó.
Các doanh nhân trẻ này hầu hết đều không sở hữu thương hiệu nào nổi tiếng hay trường tồn mà chỉ ra mắt sản phẩm một thời gian rồi khai tử và liên tục vòng tuần hoàn đó.
Dù sản phẩm kém chất lượng nhưng về mặt hệ thống lại có sự phân chia rất rõ ràng.
Người chủ cao nhất sẽ tập trung vào tạo dựng thương hiệu cá nhân, đăng ký giấy phép và đặt hàng sản xuất một số mặt hàng mỹ phẩm, miễn là chúng không gây ra nhũng hậu quả nghiêm trọng như chết người, biến chứng,…
Cấp dưới là các cấp đại lý, có nhiệm vụ tìm kiếm những cộng tác viên với, tổ chức sự kiện.
"Bản chất của các doanh nhân mỹ phẩm biến tướng ở chỗ không phải họ bán mỹ phẩm mà họ đang bán giấc mơ đổi đởi cho các đại lý cấp thấp hơn.
Sản phẩm thường không có sự nổi bật về công nghệ sản xuất, không được đầu tư bài bản về truyền thông thương hiệu, sức cạnh tranh kém. Họ chỉ cố gắng tạo ra các sự kiện để đẩy các gói hàng này cho đại lý mới, đại lý có bán được hay không thì mặc kệ.
Điều buồn nhất ở đây là những bạn muốn tìm thêm thu nhập, tham gia vào hệ thống này thì mới nhận ra rằng không có đủ năng lực để bán hàng đến người tiêu dùng cuối cùng.
Còn nếu bạn tập trung vào tuyển dụng đại lý mới thì lại đang tiếp tay cho việc phát triển hệ thống đó", ông Tâm nhận định.
Đáng buồn hơn, nhiều người tham gia không thành công, ôm lỗ nhưng vẫn không hiểu bản chất mà tự trách mình, đem về tự ti cho bản thân.