“La Bàn’’ hướng về Châu Á - Thái Bình Dương
Xu hướng thị trường đồ chơi thế giới là đồ chơi thông minh (như robot, game tương tác, robot giáo dục…), tích hợp trí tuệ nhân tạo và bao gồm bộ vi xử lý, bộ nhớ, thiết bị nhập xuất.
Thị trường đồ chơi thông minh thế giới đang hướng đến các loại đồ chơi tương tác và sáng tạo, bao gồm cả phân khúc đồ chơi trong nhà và ngoài trời. Bất cập là chi phí của các loại đồ chơi này khá cao.
Thị trường chủ yếu của đồ chơi thông minh bao gồm Bắc Mỹ, châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và phần còn lại của châu Âu), châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản), khu vực Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến vượt Bắc Mỹ trong tương lai. Điều này lý giải vì sao các tên tuổi đều có chiến lược xoay trục về khu vực này.
LEGO là minh chứng. Hãng này từng đứng bên bờ vực phá sản vào đầu những năm 2000 và năm 2017 cũng không dám tin tưởng 100% có thể lấy lại đà tăng trưởng trong vòng 2 năm tiếp theo (2018-2019).
Sau nhiều động thái cải tổ, báo cáo tài chính năm 2020 của LEGO cho thấy, khi thế giới thực hiện lệnh phong tỏa do cuộc khủng hoảng Covid-19, doanh số của Tập đoàn đã tăng 13% so với năm trước đó, lên 43,7 triệu Knoner, tương ứng 6,98 tỷ USD.
Theo đó, thị phần của LEGO đặc biệt gia tăng tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Bắc và Nam Mỹ, Tây Âu, và châu Á - Thái Bình Dương.
Riêng tại thị trường Việt Nam, LEGO chưa chia sẻ kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, giới trong ngành cho rằng, việc LEGO đầu tư nhà máy ở Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu ra các khu vực, không liên quan thị trường trong nước.
Các thương hiệu phân phối, bán lẻ và sản xuất đồ chơi trẻ em đang đón đầu làn sóng tiêu dùng khi đẩy mạnh xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng đồ chơi. Thị trường sản phẩm tiêu dùng cho trẻ em tại Việt Nam ước tính đã vượt mốc 5 tỷ USD, theo báo cáo của N Kids cách đây 5 năm. Trong đó, nhóm sản phẩm gồm đồ chơi, quần áo chiếm khoảng một phần ba doanh thu toàn thị trường.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường đồ chơi Việt Nam đang bị chi phối mạnh bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đồ chơi Trung Quốc có giá thành rẻ hơn, nhiều mẫu mã bắt kịp thị hiếu của trẻ em.
Giới chuyên môn cho rằng, dù thị trường đồ chơi Việt Nam được đánh giá tiềm năng, nhưng chỉ thực sự khởi sắc vài năm nay do mức sống trong xã hội nâng cao, nhiều phụ huynh quan tâm vấn đề sức khỏe, cũng như ý thức hơn trong việc chọn đồ chơi cho con, nhất là khi có thông tin đồ chơi Trung Quốc kém chất lượng gây hại cho sức khỏe trẻ em.
Dù có tỉ trọng xuất khẩu cao, đồ chơi Việt Nam vẫn bị thất thế tại sân nhà
Từ nhiều năm qua, xuất khẩu đồ chơi trẻ em của Việt Nam luôn có mức tăng trưởng bình quân 20% và đạt tỉ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, so với xuất khẩu, việc giải bài toán thị trường nội địa lại phức tạp hơn rất nhiều.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đồ chơi, dụng cụ thể thao Việt Nam đạt 1,12 tỉ USD, tăng gần 69% cùng kỳ năm 2019. Hiện trong nước có khoảng 100 đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em chuyên nghiệp.
Thị trường chính của phần lớn các doanh nghiệp này là Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Canada và Hàn Quốc. Nhiều người trong nghề cho biết Mỹ và các thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan vốn là cái nôi của công nghệ nhưng gia công tỉ mỉ không phải là lợi thế của họ.
Đồ chơi Việt Nam xuất khẩu thường có hàm lượng công nghệ cao, cập nhật xu thế, vượt qua các rào cản kỹ thuật khắt khe cộng thêm những chi tiết gia công tinh tế, khéo léo nên rất được ưa chuộng.
Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường FTA, khoảng 50% bà mẹ được hỏi cho biết họ ưu tiên chọn đồ chơi sản xuất trong nước. Thị trường đồ chơi trẻ em ở Việt Nam hiện phục vụ cho nhu cầu của 3-5 triệu trẻ.
Thế nhưng, đáp ứng 90% nhu cầu này là đồ chơi ngoại nhập. Đồ chơi do doanh nghiệp Việt sản xuất đáp ứng chỉ khoảng 10%. Nguyên nhân không nằm ở năng lực sản xuất vì có đến 90% lượng đồ chơi người Việt làm ra được xuất khẩu sang những thị trường khó tính.
Theo nhận xét của nhiều chủ cửa hàng, đồ chơi Việt Nam ở phân khúc giá rẻ không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, ở phân khúc cao cấp không chen nổi với hàng nhập từ những nước phát triển.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi gỗ cho biết, dù đã bỏ tiền tỉ đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất đồ chơi trẻ em với giá bán thấp hơn so với hàng Trung Quốc nhưng vẫn không ăn thua, đành phải nhận gia công xuất khẩu.
Đồ chơi Việt Nam có thể cạnh tranh với đồ Trung Quốc ở chất lượng và giá, nhưng khó cạnh tranh ở số lượng mẫu mã và tốc độ cho ra sản phẩm mới.
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư