Livestream bán hàng thành công ở Trung Quốc

Doanh số bán hàng trực tuyến ở các quốc gia Châu Á đã tăng rất nhanh trong giai đoạn vừa qua. 

Theo Jing Daily, Trung Quốc đã đi qua xu hướng tụt dốc của thị trường xa xỉ toàn cầu với mức tăng trưởng vượt bậc 48% trong năm 2020. 

Tính đến tháng 12 năm 2020, khán giả theo dõi livestream của Trung Quốc đã đạt 617 triệu người, tăng 57 triệu người kể từ tháng 3 năm 2020. Trong đó, có đến 388 triệu người đã mua hàng qua livestream.

Cũng vì vậy mà 2020 trở thành năm để các thương hiệu cao cấp và các nhà bán lẻ chuyển sang hình thức tiếp thị bằng livestream. 

Louis Vuitton tổ chức buổi livestream đầu tiên trên ứng dụng bán lẻ xa xỉ Little Red Book. Net-a-Porter bán những chiếc túi xa xỉ Mr Bags với KOL hạng A trên nền tảng Taobao Live (Alibaba).

null

Bottega Veneta hợp tác với “Vua son môi” Austin Li tạo ra doanh số ​​230 túi Mini Pouch với giá 1.895 USD mỗi túi trong vòng 10 giây,...

Có rất nhiều doanh nhân nổi lên nhờ việc bán hàng livestream, mà điển hình là “nữ hoàng livestream” Vi Á, người vừa lọt top 500 người giàu nhất Trung Quốc năm 2021 do trang New Fortune công bố, với số tài sản ước tính 1,4 tỷ USD và xếp thứ 490 trong danh sách. 

null

Vi Á có thể bán được mọi thứ từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm đến cả nhà, ôtô và tên lửa. Lượng người xem livestream của cô còn vượt cả tập cuối serie truyền hình ăn khách “Game of Thrones”. 

Hồi tháng 4/2021, Vi Á đã bán được một tên lửa với giá 40 triệu NDT (5,6 triệu USD). Tháng trước, cô đạt kỷ lục khi có tới hơn 37 triệu người cùng xem một buổi livestream, cao hơn cả tập cuối serie phim truyền hình ăn khách nhất thập kỷ Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) hay lễ trao giải Oscars. 

Trong ngày hội mua sắm "Singles' Day" năm ngoái (ngày 11/11), Viya đã bán được tới 3 tỷ nhân dân tệ (423 triệu USD). Tất cả điều này cho thấy sức hút khủng khiếp của livestream.

Trên thực tế, khách hàng thường chuyển đổi rất chậm từ nhận biết sản phẩm đến quyết định mua hàng và cuối cùng là trung thành với sản phẩm đó. 

Nhưng “những ngôi sao livestream khiến quá trình đó ngắn lại", Helen Hu, người phát ngôn của P&G Trung Quốc nhận định.

Tại Việt Nam, livestream đang là xu thế được quan tâm 

Mua sắm trực tuyến là kết quả của hàng loạt xu hướng công nghệ hiện đại và cả đại dịch COVID-19. 

Tại Việt Nam, livestream cũng không còn là câu chuyện của những hiệu kinh doanh nhỏ lẻ mà đã trở thành một hình thức được rất nhiều các nghệ sĩ, người nổi tiếng trong nước lựa chọn và sau đó là các thương hiệu, công ty lớn.

Thời gian vừa qua, nếu theo dõi hoạt động của các thương hiệu mỹ phẩm như Sulwhasoo hay Shiseido, sẽ dễ thấy các thương hiệu này bắt đầu hợp tác với một vài nghệ sĩ, KOL để tổ chức livestream. 

Tuy không bán hàng trực tiếp nhưng xu hướng làm các buổi talk giới thiệu về sản phẩm hay các chương trình ưu đãi đi kèm thử thách để kích thích người tiêu dùng mua hàng đang là những dạng nội dung mà các thương hiệu này lựa chọn. 

Các streamer đang trở thành cầu nối giúp các thương hiệu tiếp cận túi tiền người tiêu dùng dễ dàng hơn.

Tuy vậy, kinh doanh thông qua livestream cũng có những vấn đề đáng quan tâm. 

Chẳng hạn như Vi Á, sau thời gian nổi tiếng thì cô bắt đầu bị cáo buộc bán hàng giả, vi phạm luật quảng cáo và lớn nhất là vụ việc Vi Á bị cơ quan thuế Trung Quốc cáo buộc trốn thuế vào ngày 20/12 vừa qua và phải nộp phạt tổng cộng 210 triệu USD.

Các xu hướng livestream của năm 2022

Trong năm 2022, livestream sẽ được đẩy mạnh và trở thành một phương thức bán hàng chính thống. 

Do đó, mọi hình thức livestream sẽ phải đăng ký với các cơ quan quản lý, không tự phát như trước đây.

Kết hợp với KOL và Influencer

Việc livestream phụ thuộc rất nhiều vào “thần thái” của streamer. Ở một mức độ nào đó, chính streamer chứ không phải sản phẩm mới là điều ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. 

Vì vậy, các thương hiệu cao cấp thường lựa chọn một streamer hoặc khách mời có khả năng hùng biện, thuyết phục và xây dựng kết nối với khán giả. 

null

Quan trọng nhất, hình ảnh cá nhân của streamer cần tương thích với phong cách và vị thế của thương hiệu.

Đóng gói nội dung thành nhiều dạng

Nội dung livestream được đóng gói dưới dạng giáo dục là một cách khác để lôi kéo khách hàng và chuyển đổi doanh số. 

null

Tiến sĩ Nigma Talib, một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tự nhiên và là người sáng lập thương hiệu chăm sóc da cùng tên, đã tổ chức một sự kiện Instagram Live về chống lão hóa và hydrat hóa quy đổi về doanh thu cao hơn nhiều so với các video trước. 

Đó là sự kết hợp của “giới thiệu, giáo dục và quảng bá”.

Kết hợp đa nền tảng

Lựa chọn nền tảng hỗ trợ nhiều tính năng cho việc livestream thay vì chỉ phát sóng trực tuyến trên mạng xã hội. 

null

Kết hợp với các nền tảng mua sắm thương mại trực tuyến như Lazada, Shopee,... để tận dụng các công cụ tiện ích, tạo nên vòng tròn kết nối cho người tiêu dùng. 

Video ngắn và siêu ngắn

Những video dạng ngắn ngày càng khởi sắc trên các trang mạng xã hội như Instagram, TikTok, Facebook,… Đặc biệt là TikTok với nội dung siêu ngắn nhưng để lại ấn tượng. 

Thời lượng 1 phút giúp tối ưu hóa chất lượng video, người xem cũng tiếp cận với sản phẩm hiệu quả hơn. 

Nhiều TikToker khéo léo thu hút khách hàng từ TikTok sang các sàn thương mại điện tử chính thức thông qua chuyên mục review hoặc unbox sản phẩm.

null

Tận tâm với khách hàng vẫn là trên hết

Livestream là cách thức trực tiếp để thương hiệu có thể giao tiếp và phản hồi trực tiếp với khách hàng. 

null

Vì vậy, hãy đảm bảo khoảng thời gian đó được dành ra một cách đáng giá. Vi Á từng được chú ý không chỉ vì khả năng giao tiếp của cô mà còn vì cô sẽ luôn ghi lại và giải quyết ngay lập tức bất kỳ phàn nàn nào từ phía khách hàng.

Theo L'Oficiel Vietnam