HSBC và KPMG vừa công bố báo cáo "Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á – Thái Bình Dương 2022".
Báo cáo này phân tích 6.472 công ty được định giá 500 triệu USD trở xuống.
Từ đó đưa ra danh sách 10 gã khổng lồ mới nổi ở 12 thị trường, trong đó có Việt Nam.
HSBC và KPMG không nêu rõ định nghĩa của những người khổng lồ mới nổi.
Nhưng các công ty này đều sở hữu một trong những đặc tính dưới đây:
- Sở hữu công nghệ vượt trội/có hiểu biết về công nghệ.
- Am hiểu thị trường và hành vi khách hàng trong nước cho phép doanh nghiệp có tính địa phương hóa cao.
- Nắm vững các kênh Logistics và hoạt động chuỗi cung ứng.
- Xây dựng mô hình kinh doanh thành công nhờ xác định đúng thị trường chưa được khai thác.
- Văn hóa doanh nghiệp phù hợp thu hút và giữ chân nhân tài.
Dựa trên dữ liệu Pitchbook, họ đã chọn ra 10 Startup ấn tượng của Việt Nam.
10 gã khổng lồ mới nổi Việt Nam theo báo cáo gồm:
1. Propzy - Kết nối mọi nhu cầu về bất động sản
Propzy là Startup trong lĩnh vực Proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) thành lập vào năm 2015.
Startup này tự định vị mình là một nền tảng end-to-end (đầu cuối), cung cấp một môi trường an toàn để mua, bán và cho thuê bất động sản.
Sau 5 năm phát triển, Propzy đã mở rộng được hơn 20 trung tâm giao dịch trên toàn thành phố.
Doanh nghiệp nhận 2 giải thưởng là “Ernst & Young Entrepreneur” và “Orange County /San Diego Technology Fast 50”.
Năm 2020, Propzy được xướng tên tại Lễ vinh danh bất động sản tiêu biểu uy tín do tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức.
Năm 2021, doanh thu của Startup này tăng trưởng 4.4 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng giá trị giao dịch của doanh nghiệp đạt 2 tỷ USD trong vòng 2 tháng đầu năm này.
Startup này đặt mục tiêu thâm nhập sang các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia và Philippines…
Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2021, doanh nghiệp này đã sa thải 50% nhân viên trong bối cảnh tái cơ cấu mô hình kinh doanh.
Ngày 25/5 vừa qua, Propzy cũng đã chính thức gửi thông báo về việc giải thể Công ty TNHH dịch vụ Propzy.
2. Sipher - Game Avatar NFT hấp dẫn
Sipher được thành lập vào tháng 3/2021 bởi Nguyễn Trung Tín.
Anh từng được Forbes vinh danh là 1 trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi (30-under-30).
Sipher là dự án Game trên nền tảng Blockchain, nơi mà người chơi sẽ dùng các avatar của mình để tham gia chiến đấu.
Startup đang xây dựng một hệ sinh thái mà mọi người đều có thể thỏa mãn niềm vui, đồng thời nhận những món quà giá trị khi chơi.
Với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, Sipher mang đến một nền kinh tế tự do cho các Game thủ, đồng thời, trao cho cộng đồng quyền sở hữu tài sản trong Game.
Từ đó, thúc đẩy sự phát triển và thành công của ngành Game.
Mặc dù mới thành lập nhưng Startup Game Blockchain Việt Nam đã gọi vốn thành công 6.8 triệu USD.
Hiện nay, cộng đồng của Sipher trên Discord đã có hơn 60.000 thành viên.
Bao gồm người hâm mộ, người sáng tạo, nhạc sĩ, nghệ sĩ hình ảnh, nhà sản xuất trò chơi và lượng lớn Game thủ.
3. Sendo - Chợ của người Việt với hơn 3 triệu lượt truy cập mỗi tháng
Sendo xuất thân là một dự án thương mại điện tử (TMĐT) do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT online) phát triển năm 2012.
Năm 2014, Công ty CP Công nghệ Sendo được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đơn vị chủ quản ứng dụng Sendo.
Theo dữ liệu của Tech in Asia, tính đến thời điểm hiện tại, Sendo đã gọi vốn thành công tổng cộng 130 triệu USD.
Lần gần nhất sàn TMĐT này gọi vốn thành công có quy mô tới 61 triệu USD trong vòng Series C thực hiện vào tháng 11/2019.
Báo cáo của iPrice chỉ ra trong quý I/2022, sàn thương mại điện tử này có lưu lượng truy cập đứng thứ 11 với 3,24 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
4. Jio Health - Phòng khám đa khoa tại nhà
Jio Health thành lập năm 2014 với vai trò sử dụng công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu với chi phí phải chăng.
Qua ứng dụng trên smartphone, nền tảng này giúp hỗ trợ các y bác sĩ thăm khám và chăm sóc bệnh nhân mọi lúc mọi nơi một cách thuận tiện hơn.
Công ty hiện có 150 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc đa khoa trên nền tảng của mình.
Đầu tháng 3, Jio Health hoàn tất vòng gọi vốn series B trị giá 20 triệu USD do quỹ đầu tư Heritas Capital có trụ sở tại Singapore dẫn đầu.
5. Clevai - Giúp hàng triệu học sinh tư duy tốt hơn
Clevai và nền tảng học Toán trực tuyến Cleavai Math ra mắt từ tháng 3/2020 bởi ông Trần Mạnh Thắng.
Startup này ứng dụng AI giúp học sinh làm các bài tập bổ sung và thực hành.
Hệ thống có khả năng phân tích lịch sử học tập của từng học sinh, từ đó cung cấp trải nghiệm học tập, tài nguyên học, lộ trình tùy chỉnh theo cá nhân.
Nền tảng cung cấp các lớp dạy toán trực tuyến cho học sinh vừa công bố nhận đầu tư 2,1 triệu USD tại vòng Pre A từ Altara Ventures.
Trong 5 năm tới, công ty dự kiến mở rộng ra Đông Nam Á và trở thành Top 5 hệ sinh thái đào tạo trực tuyến tại khu vực với sứ mệnh giúp 22 triệu học sinh tư duy tốt hơn.
6. Coolmate - Thương hiệu thời trang tiện lợi cho nam giới
Coolmate là thương hiệu thời trang nam áp dụng công nghệ thời đại 4.0 vào mua sắm được thành lập năm 2019.
Startup này được nhiều người biết tới sau chương trình Shark Tank mùa 4 với thương vụ đầu tư 500.000 USD của Shark Bình.
Dù khởi nghiệp đúng ngay thời điểm bùng nổ COVID-19, Coolmate vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng 15-20%/tháng.
Tính đến 2021, tỷ lệ khách hàng quay lại của Coolmate gần 45%, một con số khá cao so với mức chung của các trang thương mại điện tử.
Startup này cũng công bố doanh thu năm 2020 là 39 tỉ đồng, 2021 là 140 tỉ đồng và kỳ vọng năm 2022 đạt 440 tỉ đồng.
Đầu năm 2022, doanh nghiệp nhận 1,1 triệu USD tiền đầu tư từ hai quỹ STIC Ventures và VIC Partners.
Doanh nghiệp này có kế hoạch sẽ phát hành công khai lần đầu (IPO) vào năm 2025.
7. EveHR - Nền tảng công nghệ quản lý nhân sự
EveHR hoạt động trong lĩnh vực công nghệ quản lý nhân sự.
Đây là nền tảng trực tuyến về phúc lợi, khen thưởng nhằm tăng cường gắn kết nhân viên và giữ chân nhân tài.
EveHR hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng một hệ thống khen thưởng và nhận quà ngay lập tức.
Nhân viên sử dụng tài khoản EveHR cá nhân để gửi khen thưởng cho đồng nghiệp và quy đổi e-voucher phúc lợi, phần thưởng yêu thích.
Họ có thể sử dụng e-voucher ngay lập tức tại cửa hàng hoặc online từ hơn 400 thương hiệu hàng đầu.
Ngoài ra EveHR còn có tính năng khác như truy cập tin tức và tài liệu công ty, bảng tin nội bộ, quy đổi ngày phép, khảo sát nhanh...
8. Lozi - Ứng dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu ngành hàng tiêu dùng
Được thành lập vào năm 2013, Lozi ban đầu là một ứng dụng giúp người dùng tìm thấy thực phẩm, đồ uống và các cửa hàng cà phê.
Năm 2015, công ty gọi vốn thành công 1 triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate và Tập đoàn DesignOne.
Sau đó, Lozi đã chuyển đổi sang mô hình thương mại điện tử kết nối khách hàng với khách hàng và mở rộng sang mảng giao hàng liên thành phố với Loship vào năm 2017.
Hiện tại, mảng kinh doanh chính của Lozi là giao đồ ăn, đồ tươi sống, thuốc, hàng hoá, hoa tươi và giao hàng phục vụ kinh doanh B2B
Bên cạnh đó, Lozi cũng triển khai dịch vụ gọi xe và giặt là.
Startup này khẳng định đang có đội ngũ gồm hơn 70.000 tài xế và 200.000 đối tác bán hàng.
Lozi đang phục vụ khoảng gần 2 triệu người dùng ở các thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
9. VUI - Công nghệ tài chính cho người đi làm
VUI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính.
Phần mềm này được thiết kế nhằm mang đến giải pháp tiết kiệm tài chính cho nhân viên.
Vui App giúp người lao động nhận lương hàng ngày thay vì hàng tháng sau vài bước cơ bản.
Điều này không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động mà còn giúp doanh nghiệp tăng sức hút trên thị trường tuyển dụng cạnh tranh.
Founder của VUI là Đặng Việt Dũng - cựu CEO Uber.
Năm 2020, anh đồng sáng lập Công ty TNHH Dịch vụ công nghệ Nano Việt Nam (Nano Technologies) và hiện là CEO Startup này.
Nano Technologies cung cấp giải pháp ứng lương, thống kê thu nhập và giáo dục về quản lý tài chính cho người lao động thông qua nền tảng công nghệ VUI App.
VUI App (Nano Technologies) cũng là Startup fintech đầu tiên của Việt Nam được chọn vào chương trình Demo Day của accelerator Y Combinator.
10. Homebase - Giải pháp giúp sở hữu nhà dễ dàng hơn cho người thu nhập thấp
Homebase là công ty công nghệ bất động sản (Proptech) được thành lập năm 2019.
Doanh nghiệp này hướng đến người thu nhập không ổn định hay dưới chuẩn ngân hàng.
Homebase sẽ cùng hùn vốn với khách hàng để đầu tư vào mọi loại hình bất động sản gồm đất, tài sản gắn liền với đất hay căn hộ chung cư.
Người mua có thể sở hữu ngay bất động sản chỉ với 20% vốn góp và có quyền duy trì số vốn này, hoặc góp thêm để đạt 100% quyền sở hữu.
Startup này được công nhận là một trong “Top 50 công ty Proptech trên thế giới” bởi Silicon Valley VC Plug & Play.
Tháng 11/2021, Homebase gọi vốn thành công 30 triệu USD từ một số quỹ lớn như Partech Partners, Goodwater Capital, Ace and Company, Emles Advisors - Emles.
Đó là danh sách 10 Startup sáng tạo, tăng trưởng nhanh, có tầm ảnh hưởng và tham vọng thành "kỳ lân" ở thị trường Việt Nam.
Với điều kiện dân số trẻ năng động, độ phủ internet cao cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.