Mô hình kinh doanh Canvas là gì?
BMC là một mẫu quản lý chiến lược hoặc cấu trúc của một kế hoạch kinh doanh.
Nó được sử dụng để xây dựng, hoạch định ra một doanh nghiệp (DN) mới; hoặc được sử dụng để phân tích tình hình kinh doanh hiện tại của công ty.
Bên phải của biểu đồ Canvas đại diện cho khách hàng bên ngoài và bên trái đại diện cho doanh nghiệp nội bộ.
Cả hai yếu tố bên ngoài và bên trong này phối hợp với nhau tạo thành đề xuất giá trị.
Giá trị đề xuất là giá trị trao đổi giữa công ty và khách hàng.
Lợi ích của việc sử dụng mô hình Canvas trong kinh doanh
Tư duy trực quan, rõ ràng
Mô hình kinh doanh Canvas mang đến một cái nhìn trực quan và giúp đưa ra quyết định một cách đơn giản hơn.
Khi những vấn đề chính ảnh hưởng đến doanh nghiệp được biểu diễn bằng hình ảnh thì cái nhìn của nhà lãnh đạo sẽ trực quan hơn rất nhiều.
Tính linh hoạt
Mô hình Canvas cho phép chỉnh sửa và thử nghiệm tất cả mọi thứ một cách dễ dàng.
Việc tra cứu các từ khóa chính và theo dõi tác động của chúng tới mô hình bán hàng trong tương lai trở nên đơn giản vì mọi thứ đều nằm trên một trang.
Công cụ giúp thấu hiểu khách hàng và đối thủ
Mô hình kinh doanh Canvas giúp DN hiểu rõ hơn về khách hàng, về các hoạt động chính của DN, về các đối tác cũng như là các nguồn doanh thu và chi phí chính của DN.
Bằng việc phác họa ra mô hình Canvas của đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp cũng sẽ hiểu rõ hơn về những thế mạnh và hạn chế của họ.
BMC cho phép DN có những hành động đón đầu và thiết kế một mô hình kinh doanh cạnh tranh phù hợp hơn.
9 yếu tố cấu thành khung mô hình kinh doanh Canvas
Đối tác chính (Key Partners) - vận hành kinh doanh
Các đối tác chính là mạng lưới bao gồm các nhà cung cấp và đối tác khác mà nhờ đó mô hình kinh doanh của DN có thể vận hành.
Đối tác của công ty thường được chia thành 4 nhóm:
Đối tác chiến lược giữa các công ty không phải là đối thủ của nhau.
Đối tác giữa các công ty là đối thủ của nhau để cùng phát triển thị trường.
Đối tác thứ ba là cùng đầu tư để tạo ra công việc kinh doanh mới.
Đối tác cuối cùng là quan hệ mua bán nhằm đảm bảo các yếu tố đầu vào cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Hoạt động chính (Key Activities) - nơi tạo ra giá trị
Hoạt động chính của một DN là những công việc quan trọng nhất mà công ty phải làm để vận hành mô hình kinh doanh của mình.
Nói cách khác, đó chính là các hoạt động nhằm sử dụng các nguồn lực hiện có để tạo ra các giá trị mục tiêu, tạo ra giá trị cho sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Nguồn lực chính (Key Resources) - thúc đẩy mô hình kinh doanh
Nguồn lực chính là những tài nguyên quan trọng nhất cần phải có để vận hành mô hình kinh doanh và tạo giá trị cho khách hàng.
Nguồn lực bao gồm nguồn lực hữu hình và nguồn lực vô hình, có thể là con người, tài chính, thể chất, trí tuệ.
Mục tiêu giá trị (Value Proposition)
Mục tiêu giá trị là gói sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại giá trị cho mỗi phân khúc khách hàng cụ thể.
Quan hệ khách hàng (Customer Relationships) - duy trì sự kết nối
Quan hệ khách hàng là các hình thức quan hệ mà công ty thiết lập đối với mỗi phân khúc khách hàng cụ thể.
Mỗi nhóm khách hàng thường có những đặc trưng riêng.
Do đó, công ty cần xác định phương thức tương tác, quan hệ với khách hàng phù hợp với các đặc trưng này để thiết lập và duy trì mối quan hệ với khách hàng trong hiện tại và tương lai.
Kênh truyền thông và phân phối (Distribution Channel)- tiếp cận khách hàng mục tiêu
Kênh truyền thông và phân phối của một DN là cách thức một công ty giao thiệp và tiếp cận khách hàng nhằm mang đến cho khách hàng các giá trị mục tiêu mà họ mong muốn.
Một tổ chức có thể tiếp cận khách hàng của mình thông qua các kênh riêng, kênh đối tác, hoặc kết hợp cả hai.
Lựa chọn Phân khúc khách hàng (Customer Segment)
Phân khúc khách hàng là những tập hợp cá nhân hay tổ chức khác nhau mà doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ.
Nhóm khách hàng của DN có thể là thị trường đại chúng, thị trường ngách hoặc thị trường hỗn hợp.
Trên từng phân khúc thị trường khác nhau, công ty sẽ xác định nhu cầu của từng nhóm khách hàng, từ đó, xây dựng các giá trị cung cấp cho từng nhóm khách hàng riêng.
Điều này sẽ giúp cho công ty thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng, tạo tiền đề cho sự phát triển của DN.
Cơ cấu chi phí (Cost Structure)
Cơ cấu chi phí là các chi phí phát sinh để vận hành một mô hình kinh doanh.
Tùy thuộc vào đặc điểm của DN, cấu trúc chi phí có thể chú trọng vào cơ cấu giá, cơ cấu chi phí tạo dựng giá trị cho người mua.
Dòng doanh thu (Revenue Stream)
Dòng doanh thu phản ánh lượng tiền mặt mà một công ty thu được từ mỗi phân khúc khách hàng.
Dòng tiền vào DN có thể đến từ việc cung cấp các sản phẩm/dịch vụ chính của DN.
Ngoài ra có thể đến từ việc cho thuê lại nhà xưởng, thiết bị, hoặc cho thuê quyền sử dụng các tài sản đã đăng ký bản quyền của DN.
Tổng hợp từ nhiều nguồn: Marketing91, Business style, Vietnam Logistics Review