Ngành công nghiệp làm đẹp ngày càng trở nên phát triển hơn bởi nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và nguồn cung từ nhà cung cấp vô cùng phong phú.
Tuy nhiên, những mỹ phẩm mà người tiêu dùng đang sử dụng không phải lúc nào cũng an toàn như lời giới thiệu “đường mật” từ các thương hiệu.
Đằng sau những mùi thơm được tỏa ra từ cơ thể, một gương mặt được bao phủ bởi lớp trang điểm chỉnh chu là những điều mà ít ai ngờ tới.
Bạn có biết, với mỹ phẩm được dán nhãn “Organic” khi tất cả các thành phần trong đó đều được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Nhưng với nhãn dán “Có chứa thành phần Organic”, sản phẩm chỉ cần có tối thiểu 70% thành phần hữu cơ, 30% còn lại có thể là những hóa chất độc hại nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng cần lưu ý những hợp chất hóa học sau để tránh “rước họa vào thân”.
1. Paraben - Tăng nguy cơ ung thư vú
Paraben là một trong những hợp chất hóa học được sử dụng rất phổ biến trong mỹ phẩm.
Vì vậy, phụ nữ khi mua mỹ phẩm sẽ thường bắt gặp chất này ghi trên bao bì của sản phẩm.
Parabens là một nhóm hóa chất được sử dụng làm chất bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng của các sản phẩm và giúp cản trở sự phát triển của nấm mốc và vi sinh vật như vi khuẩn trong sản phẩm.
Chất này thường có trong các loại mỹ phẩm chăm sóc da như kem dưỡng ẩm và kem nền, làm sạch, tắm gội, đặc biệt là dầu xả.
Parabens là chất bảo quản từng được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong ngành mỹ phẩm nhưng hiện đã bị cấm ở châu Âu.
Theo các chuyên gia trong ngành, nếu người dùng tiếp xúc thường xuyên với chất Paraben sẽ tăng nguy cơ ung thư vú.
Đây là một chất khá nguy hiểm vì khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ gây ra rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản và sự phát triển của thai nhi, ung thư vú, mãn kinh sớm, loãng xương, tăng tốc độ lão hóa da và cơ thể.
Tuy nhiên, tác hại đến đâu còn tùy thuộc vào tình trạng da của mỗi người cũng như liều lượng và loại paraben chứa trong hóa mỹ phẩm.
2. Petrolatum và paraffinum liquidum - Gây vô sinh và ung thư
Petrolatum hay Paraffinum Liquidum có vai trò khóa ẩm trên da và tóc.
Đây là hai loại dầu khoáng được lấy từ dầu mỏ nên rất độc hại cho da.
Nếu chúng ta sử dụng sản phẩm có chứa Petrolatum hay Paraffinum Liquidum lâu dài thì có thể bị dị ứng da, vô sinh, ung thư,…
Hai loại hóa chất độc hại này thường có trong các sản phẩm chăm sóc da rẻ tiền như kem dưỡng ẩm cho da, son dưỡng môi,…
3. Triethanolamine - Ảnh hưởng đường hô hấp
Triethanolamine là loại hóa chất không màu hay màu vàng nhạt và thường mang mùi amoniac nhẹ.
Triethanolamine được tạo nên từ ethylene oxide và ammonia.
Hợp chất này cho tác dụng tăng độ pH của các loại mỹ phẩm như kem dưỡng ẩm cho da, phấn nền, phấn mắt,…
Theo các bác sĩ chăm sóc da nếu chúng ta sử dụng sản phẩm có chứa Triethanolamine trong thời gian lâu dài thì có thể sẽ gây hại cho da và đường hô hấp.
Vì vậy, nếu bạn đang dùng loại mỹ phẩm có thành phần Triethanolamine thì hãy chú ý rửa sạch da hàng ngày nhằm hạn chế tối đa tác dụng phụ.
Để đảm bảo an toàn, cơ quan FDA của Mỹ khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng bất kỳ loại hóa mỹ phẩm nào có chứa Triethanolamine nhiều hơn 5%.
4. Fragrance - Gây hại cho hệ thống thần kinh
Với người dùng thường xuyên tìm hiểu về các sản phẩm chăm sóc da thì có lẽ đã rất quen thuộc với thành phần Fragrance.
Fragrance là chất tạo mùi hương tổng hợp có trong các sản phẩm làm đẹp như sữa rửa mặt, son hay phấn hoặc toner và serum,…
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo nếu khách hàng sử dụng quá nhiều trong thời gian dài thì Fragrance còn gây hại cho hệ thống thần kinh, làm rối loạn nội tiết và thậm chí là tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
Paul Bigliardi, giáo sư da liễu tại Đại học Y Minnesota, cho biết:
"Tất cả các loại chất tạo hương thơm ở nồng độ cao đều có thể gây kích ứng da, ngay cả những loại hữu cơ".
5. Butylene Glycol - Nghiêm trọng hơn là dẫn đến trầm cảm
Butylene Glycol trong mỹ phẩm được sử dụng như là một hóa chất có vai trò giữ ẩm và bảo quản.
Phái đẹp có thể dễ dàng bắt gặp hóa chất này trong các sản phẩm kem che khuyết điểm hay kem chống nắng.
Tuy nhiên, nếu sử dụng liên tục và trong thời gian dài thì chất cấm trong mỹ phẩm này lại mang đến cho người dùng những tác dụng phụ khá nguy hại như viêm da, nổi mề đay và buồn ngủ hay nghiêm trọng hơn là trầm cảm.
Do đó, người tiêu dùng cần lưu ý đến hóa chất này khi chọn mua hóa mỹ phẩm để dùng hàng ngày.
6. Chất cồn - Gây viêm da người sử dụng
Cồn là một loại hóa chất được sử dụng rất phổ biến trong mỹ phẩm trị mụn hay sữa rửa mặt.
Trên thị trường hiện nay một số loại được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da như methanol hay benzyl.
Trong đó etanol, isopropanol và propanol là những loại cồn biến tính và dễ gây kích ứng da nhất.
Mặc dù có tác dụng làm sạch, diệt khuẩn nhưng các hóa chất này cũng có thể gây khô da, kích ứng hoặc tệ hơn là viêm da.
Ngoài ra, chất cồn có thể được sử dụng như một chất bảo quản hoặc để giúp các sản phẩm khô nhanh hơn trên da của người dùng.
Trong các sản phẩm như toner và sữa rửa mặt, cồn được sử dụng để giúp làm căng da và giảm sự xuất hiện của lỗ chân lông.
Nếu sử dụng thường xuyên, những loại cồn này có thể làm hỏng “hàng rào” bảo vệ da, khiến da khó giữ ẩm hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các loại cồn béo như stearyl, cetearyl và cetyl an toàn cho da, ít gây kích ứng và có thể có lợi cho da.
7. Hạt vi nhựa - Tăng nguy cơ bị ung thư
Ngày nay các sản phẩm như tẩy tế bào chết, sữa rửa mặt, sữa tắm và kem đánh răng thường có chứa các hạt nhựa li ti nhằm làm tăng khả năng làm sạch, tẩy tế bào chết, đánh bay mảng bám trên răng,…
Thực tế hoàn toàn ngược lại, những hạt nhựa ấy không hề có tác dụng làm sạch và dưỡng da như những hạt hữu cơ (muối, đường,…).
Mà thay vào đó, những hạt nhựa chỉ làm trầy xước da, gây kích ứng, nghẽn lỗ chân lông, hư men răng,...
Tệ hơn là nếu người dùng nuốt phải những hóa chất độc hại này, chúng không thể tan đi hay bị tiêu hóa mà tích tụ trong cơ thể và gây ra nhiều chứng bệnh, tăng nguy cơ bị ung thư.
8. Kim loại nặng (chì, thủy ngân, kẽm, asen, niken,...) - Ảnh hưởng chức năng sinh sản
Thường xuất hiện trong mỹ phẩm dưỡng da và trang điểm với công dụng ngăn tiết mồ hôi, khử mùi, làm sáng da, tẩy trắng, giữ màu lâu phai.
Nếu sử dụng mỹ phẩm chứa hàm lượng kim loại vượt quá mức quy định trong thời gian dài, kim loại sẽ tích tụ trong cơ thể gây ra ung thư, ảnh hưởng chức năng sinh sản.
Cùng với đó là gây hại cho hệ thần kinh, mất trí nhớ, rối loạn cảm xúc, rối loạn chức năng cơ thể, suy giảm hệ miễn dịch, tổn thương gan, thận, tim, phổi, kích ứng da, lão hóa da, rụng tóc, rối loạn nội tiết tố…
Là người tiêu dùng thông minh, người tiêu dùng cần lựa chọn những sản phẩm xuất xứ rõ ràng, ghi cụ thể thành phần có trong sản phẩm bởi những sản phẩm “dởm” rất dễ chứa lượng lớn kim loại nặng.
9. Formaldehyde - Dễ kích ứng da và có thể gây ung thư
Trong các sản phẩm dưỡng da, chất Formaldehyde được sử dụng như chất bảo quản hóa học để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Theo cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế, Formaldehyde được coi là chất gây ung thư ở người.
Formaldehyde không nên có trong các sản phẩm vì nó rất dễ gây kích ứng da và có thể gây ung thư.
“Dù không gây hại với nồng độ thấp hợp chất này cũng không đáng được hoan nghênh", Paul Bigliardi - giáo sư da liễu tại Đại học Y Minnesota cho biết.
10. Propylene Glycol (PG hoặc PEGS) - Nhanh chóng dẫn đến lão hóa da
Propylene Glycol là hợp chất dùng để duy trì độ ẩm, mịn của sản phẩm dạng kem, dạng lỏng như kem dưỡng, kem nền, kem đánh răng, sữa dưỡng thể…
Sử dụng các sản phẩm có chứa hóa chất độc hại PEGs lâu dài khiến da bị kích ứng, trở nên khô và lão hóa.
Khi hấp thu vào cơ thể, PEGs sẽ gây hại cho não, gan, thận và tăng nguy cơ dẫn đến các cơn đau tim.
Khi các thương hiệu lớn bị “điểm danh” do sản phẩm của họ chứa chất độc hại đến người tiêu dùng
1. Unilever - Chứa benzen trong dầu gội khô dạng xịt
Gần đây, Unilever đã phát thông báo đến người tiêu dùng nhằm thu hồi những sản phẩm dầu gội khô dạng xịt được bán ở Hoa Kỳ và sản xuất trước tháng 10 năm 2021.
Các sản phẩm bị thu hồi đến từ những thương hiệu khác nhau thuộc sở hữu của Unilever: Dove, TRESemmé, Nexxus, Suave, TIGI.
Được biết, trong các sản phẩm dầu gội khô này có chứa nồng độ benzen cao.
Theo thông báo thu hồi từ Unilever, việc tiếp xúc với benzen có thể xảy ra khi hít phải, tiếp xúc bằng miệng và qua da có thể dẫn đến các bệnh ung thư bao gồm bệnh bạch cầu và ung thư máu.
Nghiêm trọng hơn sẽ gây ra các rối loạn về máu đe dọa tính mạng người sử dụng.
Tuy nhiên, đại diện của Unilever cũng trấn an người tiêu dùng rằng việc tiếp xúc hàng ngày với hợp chất benzen có trong các sản phẩm bị thu hồi ở mức không gây ra hậu quả bất lợi cho sức khỏe người dùng.
Tập đoàn đa quốc gia này cũng khuyến cáo bất kỳ ai đã mua sản phẩm dầu gội khô dạng xịt được thu hồi nên truy cập UnileverRecall.com để yêu cầu hoàn trả.
Theo CBS News, đây không phải là vụ thu hồi liên quan đến benzen duy nhất của Unilever trong những tháng gần đây.
Hai mặt hàng khử mùi và ngăn mồ hôi nhãn hiệu Suave đã bị thu hồi vào tháng 3 sau khi phát hiện thấy benzen trong các mẫu trong một cuộc kiểm tra nội bộ.
2. L'Oréal - Bị cáo buộc vì sản phẩm ép tóc khiến phụ nữ tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung
Ít nhất 3 phụ nữ đâm đơn kiện L'Oréal và tập đoàn chuyên về làm đẹp này vì các sản phẩm duỗi tóc của họ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của người tiêu dùng.
Luật sư Ben Crump, luật sư Diandra “Fu” Debrosse Zimmermann và những người khác đã đệ đơn kiện cho tòa án Illinois, thay mặt cho thân chủ Jenny Mitchell, 32 tuổi, cư dân Missouri.
Họ cho rằng căn bệnh ung thư tử cung của Mitchell là do cô thường xuyên tiếp xúc với hóa chất phthalates, loại hóa chất gây rối loạn nội tiết có trong những sản phẩm chăm sóc tóc của L'Oréal.
Theo CNN, luật sư Debrosse Zimmermann cho biết vụ kiện này đánh dấu "dấu mốc đầu tiên" với phụ nữ da màu sử dụng các sản phẩm hóa chất ép tóc.
Mitchell được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung vào ngày 10/8/2018, theo đơn kiện, cô chia sẻ đã dùng thuốc duỗi, ép tóc vào khoảng năm 8 tuổi.
Bệnh nhân đã phải phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ tại Trung tâm Bệnh viện Boone ở Missouri vào ngày 24/9/2018.
Trong đơn kiện, người phụ nữ này khẳng định gia đình không có tiền sử mắc bệnh ung thư hoặc ung thư tử cung.
Cô đề xuất mức bồi thường trên 75.000 USD từ L'Oréal.
Luật sư Debrosse Zimmermann cho biết hai nạn nhân khác cũng nộp đơn kiện với nội dung tương tự ở California và New York.
Các cô gái cáo buộc các công ty mỹ phẩm, bao gồm L'Oreal, cho rằng sản phẩm duỗi tóc từ những công ty này có liên quan chẩn đoán ung thư của họ.
Không lâu sau khi đơn kiện được công bố, tạp chí Journal of the National Cancer Institute chỉ ra rằng phụ nữ thường xuyên sử dụng các sản phẩm hóa chất làm thẳng tóc có nguy cơ phát triển ung thư tử cung ở tuổi 70 là khoảng 4%.
Ở những phụ nữ không sử dụng các sản phẩm hóa chất làm thẳng tóc nguy cơ phát triển ung thư tử cung ở tuổi 70 là 1,6%.
Các nhà nghiên cứu lưu ý phụ nữ da màu có xu hướng sử dụng các sản phẩm làm thẳng tóc bằng hóa chất này thường xuyên hơn phụ nữ da trắng.
Do đó, mối liên quan giữa sản phẩm duỗi tóc và các trường hợp ung thư tử cung rõ ràng nhất ở phụ nữ da màu.
3. Sữa rửa mặt nha đam E100 - Bị thu hồi do không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật
Theo công văn từ Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh Bắc Kạn.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thử của sản phẩm Sữa rửa mặt nha đam E100 vượt ngưỡng quy định về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Bà Đỗ Anh Thư, Giám đốc Đào tạo, Trung tâm Nghiên cứu mỹ phẩm Grandpa’s Garden, cho biết “lỗi” không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm có thể do bất cứ khâu nào trong quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm.
Theo yêu cầu về ngưỡng vi sinh vật an toàn trong sản phẩm/mỹ phẩm, thì những sản phẩm dùng cho các vùng niêm mạc và mắt có yêu cầu tương tự sản phẩm mỹ phẩm dành cho trẻ dưới 3 tuổi.
Nghĩa là tổng số lượng vi sinh vật tối đa là 500 đơn vị khuẩn lạc CFU/g.
Đối với các sản phẩm dùng cho vùng da thường thì con số này là 1.000 CFU/g.
Việc tồn tại vi sinh vật, vi khuẩn quá giới hạn cho phép trong các sản phẩm mỹ phẩm vô cùng nguy hại.
Bản thân sản phẩm như sữa rửa mặt, kem bôi da có môi trường ẩm là điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Chưa kể khi mở sản phẩm tiếp xúc với không khí, và trong quá trình sử dụng sản phẩm, vi sinh vật, vi khuẩn luôn có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng nhanh chóng.
Các sản phẩm này đều tiếp xúc trực tiếp với da mặt nên có thể khiến da nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi tiếp xúc với các vùng niêm mạc, vết xước, vết thương hở trên da.
Nhiễm khuẩn là nguyên nhân sinh mụn, ngứa, sưng đỏ, kích thích dị ứng,… làm tổn hại da.
Các trường hợp nhiễm khuẩn nặng thậm chí có thể ngấm qua da, vào máu ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng người tiêu dùng.
Kết luận
Hiện nay, không chỉ có mối nguy hại từ các chất hóa học có trong sản phẩm dùng ngoài da mà kể cả những sản phẩm ăn được cũng thường xuyên bị thu hồi bởi các chất gây ung thư người tiêu dùng.