Mặt trái của thời trang nhanh
"Thời trang nhanh" (fast fashion) mang đến cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn những nguồn lợi khổng lồ.
Những bộ đồ theo xu hướng mới nhất với chi phí rẻ khiến ngành này thu hút người sử dụng.
Trái lại với những lợi ích bên trên, rác thải thời trang đang chất đống mỗi ngày. Đây trở thành vấn đề đau đầu cần xử lý của xã hội.
Giá thấp đi kèm chất lượng tương xứng, những bộ đồ của ngành "thời trang nhanh" sẽ bị thải bỏ rất nhanh. Sau đó chúng được tập kết ở các "bãi rác quần áo" chẳng hạn như sa mạc Atacama (Chile).
Hàng năm, khoảng 39.000 tấn quần áo bị thải bỏ được tập kết ở sa mạc này.
Theo Cơ quan Báo chí Pháp, mỗi năm Chile tiếp nhận khoảng 59.000 tấn rác thải quần áo.
Chúng chủ yếu bắt nguồn từ các nước mạnh về dệt may như Trung Quốc và Bangladesh.
Phần lớn những quần áo tới được Chile là đồ cũ hoặc hàng ế. Một phần sẽ được làm sạch, tái phân phối và bán lại ở Chile.
Tuy nhiên hầu hết được tập kết tại "bãi rác" và ở lại đó vĩnh viễn vì không có chính phủ nào chấp nhận trả tiền thuế để mang chúng về nước mình cả.
Điều đó khiến nhiều người có ý thức tiết kiệm hơn và sử dụng lại quần áo cũ để bảo vệ môi trường.
Xu hướng sử dụng quần áo cũ
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, mua quần áo cũ đang dần trở nên phổ biến trong số đông.
Tại châu Âu, người dân đề cao tính bền vững, hợp thời
Quần áo cũ không còn xa lạ và chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường thời trang tại châu Âu.
Người dân châu Âu không còn thấy chúng bụi bặm và nhàm chán nữa. Thay vào đó họ thấy tính bền vững, hợp thời và rẻ ở quần áo cũ.
Các chuỗi bán lẻ quần áo cũng bắt đầu ngày càng tập trung vào thị trường đồ cũ bền vững hơn.
Trên trang eBay, hoạt động mua bán quần áo cũ ở Anh đã tăng vọt lên so với trước.
Trong năm 2020, công ty đã bán hơn 60 triệu món đồ cũ.
Giáo sư Annick Schramme, giảng viên về quản lý thời trang tại đại học Antwerp cho biết: “Thị trường đồ cũ hiện đang phát triển nhanh gấp ba lần so với tổng ngành thời trang. Đến năm 2030, kinh doanh quần áo cũ thậm chí còn được dự đoán sẽ lớn gấp đôi thời trang cao cấp”.
Giải thích về sự phổ biến của thị trường quần áo cũ hiện nay, bà cho rằng giới trẻ châu Âu không câu nệ quần áo cũ, ngoài ra một bộ phận người tiêu dùng hoài niệm về quá khứ.
Quan trọng nhất là hoạt động tiêu dùng này giúp bảo vệ môi trường và tránh lãng phí. Giá cả phải chăng cùng với kiểu dáng thời trang khác biệt cũng là lý do khiến ngày càng nhiều người chọn mua quần áo cũ.
Thói quen mua quần áo cũ tại Mỹ thay đổi nhờ đại dịch
Dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng.
Bên cạnh việc giảm chi tiêu vào các mặt hàng không cần thiết, người tiêu dùng cũng giảm sức mua các mặt hàng may mặc chất lượng cao.
Thay vào đó, họ cũng đang chuyển dần sang các trang phục rẻ tiền.
Phụ nữ trẻ ở Mỹ thường xuyên sử dụng các nền tảng giao dịch quần áo cũ như Poshmark hoăc Trasedy.
Quần áo cũ là một cách để họ mua hàng hóa rẻ và những thứ mà họ thường không thể mua được.
Họ không coi đó là một mô hình tiêu dùng thay thế hoặc một cách để giảm sự phụ thuộc vào sản xuất quần áo mới.
Ngành thời trang nhanh dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng 20% trong 10 năm tới. Trong khi đó thời trang second-hand (đã qua sử dụng) sẵn sàng tăng trưởng 185%.
Trung Quốc dần thay đổi định kiến về quần áo cũ
Tại Trung Quốc, quần áo cũ từng bị xem là vận rủi. Đặc biệt nếu những món đồ này từng thuộc về người đã khuất.
Tuy nhiên, người tiêu dùng trẻ tuổi ở Trung Quốc không còn e ngại đồ cũ nữa.
Họ đón nhận các tư tưởng tiêu dùng có trách nhiệm và ủng hộ các nhãn hàng thời trang thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, quần áo cũ có mức giá dễ chịu hơn với nhiều người.
Theo Bloomberg, trong nửa đầu năm 2021 đã có khoảng 202 triệu người giao dịch những món đồ cũ trên các nền tảng trực tuyến ở nước này. Con số đã tăng lên 110% so với năm 2020.
Người dùng ở Việt Nam yêu thích quần áo cũ bởi sự độc đáo, giá thành rẻ
Theo thống kê của Carousell, ngành hàng thời trang luôn nằm trong top 3 danh mục hàng hóa được mua bán nhiều nhất trên trang rao vặt hàng second-hand Chợ Tốt.
Ngoài giá thành rẻ, lý do khiến quần áo đã qua sử dụng thu hút người dùng bởi tính độc đáo của nó.
Mặt hàng này không phải là sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Hơn nữa, mỗi sản phẩm thường chỉ có duy nhất một chiếc. Người dùng không lo bị “đụng hàng” với bất kỳ ai.
Thời gian gần đây, từ 15h đến tối là chợ hàng thùng Đông Tác (quận Đống Đa, Hà Nội) lại trở nên nhộn nhịp.
Nhiều cửa hàng thời trang phong cách cổ điển mọc lên thu hút người yêu phong cách thời trang cổ điển độc lạ.
Điều đó cho thấy thị hiếu ưa chuộng quần áo đã qua sử dụng ở Việt Nam.
Mức giá rẻ cùng những giá trị tốt đẹp đối với môi trường, thời trang second-hand chắc chắn sẽ là xu hướng của thị trường thời trang.
Nhất là trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như hiện nay.