Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 4/2021 đạt 355,773 triệu USD, tăng 26,42% so với nửa tháng 4/2020. Cộng dồn từ 1/1 - 15/4 đạt 2,091 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 10,44%.
Tính hết quý I/2021 thì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,73 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 5% đạt 661 triệu USD, xuất khẩu cá tra tăng 3% đạt 344 triệu USD.
Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực
Top 5 thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản của Việt Nam là: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 335,06 triệu USD, chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng tháng 3/2021 đạt kim ngạch trên 146 triệu USD, tăng 83,9% so với tháng 2/2021 và tăng 36,5% so với tháng 3/2020.
Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt trên 307,12 triệu USD, chiếm 17,7%, giảm 2%; Riêng tháng 3/2021 đạt 125,12 triệu USD, tăng 79,5% so với tháng 2/2021 nhưng giảm 2,7% so với tháng 3/2020.
Xuất khẩu sang EU trong tháng 3/2021 cũng tăng mạnh 94% so với tháng 2/2021 và tăng 15,5% so với tháng 3/2020, đạt 102,74 triệu USD; tính chung cả 3 tháng đầu năm 2021 tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ, đạt 237,82 triệu USD.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 3/2021 tăng mạnh 175% so với tháng 2/2021, đạt 97,68 triệu USD, công chung cả 3 tháng tăng 15%, đạt161,58 triệu USD.
Xuất khẩu tôm sau khi tăng 16% trong tháng 1, nhưng lại giảm 10% trong tháng 2, sang tháng 3 tăng khoảng 10% đạt khoảng 270 triệu USD. Tính chung cả quý 1/2021, ước đạt 646 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trừ một số nước thành viên Hiệp định CPTPP có xu hướng tăng nhập khẩu tôm cũng như các mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU, Trung Quốc và một số thị trường đều giảm so với cùng kỳ.
Tôm là sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của khu vực ĐBSCL. Theo Sở Công Thương các tỉnh ĐBSCL, những tháng đầu năm 2021, tình hình xuất khẩu tôm có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh tại thị trường EU.
Trong đó, Cà Mau là tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm. Sở Công Thương tỉnh này cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) trên địa bàn trong quý 1/2021 đạt 163 triệu USD, bằng 15% kế hoạch, tăng 6% so cùng kỳ.
Cụ thể, xuất khẩu tôm của Cà Mau vào thị trường EU tăng 154%, Canada tăng gần 15%, Australia tăng gần 41%, Thụy Sĩ tăng 568%.
Do ảnh hưởng của tình trạng hạn mặn, dịch bệnh và các vấn đề về môi trường nên mô hình nuôi tôm quảng canh ở ĐBSCL ngày càng bộc lộ những hạn chế rõ rệt với tỉ lệ nuôi tôm thành công thấp, giá thành cao.
Theo các chuyên gia, đầu vào cho nghề nuôi tôm ở Việt Nam đang tăng quá cao so với các nước có tiềm năng nuôi tôm như Ấn Ðộ, Indonesia… nên giá thành sản xuất tôm nguyên liệu cũng như sản phẩm xuất khẩu khá cao, dẫn đến thiếu sức cạnh tranh.
Nuôi tôm công nghệp thâm canh cho sản lượng cao
Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng của tình trạng hạn mặn, dịch bệnh và các vấn đề về môi trường thời gian qua, mô hình nuôi tôm ao quảng canh ngày càng bộc lộ những hạn chế rõ rệt với tỉ lệ nuôi tôm thành công thấp.
Trong khi đó, nuôi tôm nuôi công nghiệp (thâm canh) và siêu công nghiệp (siêu thâm canh) cho sản lượng lớn, giá thành thấp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến đang dần trở thành xu thế mới, với thực tế, hơn 70% các hộ áp dụng mô hình này đã có những vụ nuôi thu về lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi giữa hai mô hình đang có một số rào cản nhất định về kỹ thuật và kinh phí chuyển đổi… Vì vậy, người nuôi tôm cần những gói hỗ trợ về tài chính và hướng dẫn kỹ thuật nuôi từ các tập đoàn, công ty về thuỷ sản bên ngoài.
Theo Bizlife