Trong một hội nghị truyền thông vào tháng 4.2020, Jen Zatorski, Chủ tịch Christie’s America, cho biết nhà đấu giá này đang đẩy nhanh việc lập trình nền tảng bán hàng trực tuyến.
Theo Zatorski, thị trường nghệ thuật và khách hàng đã sẵn sàng đón nhận loại hình giao dịch số này.
Theo Artnet, số lượng cuộc đấu giá trực tuyến trên toàn cầu vào tháng 3.2020 đã tăng 63% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Việt Nam, đối với các doanh nghiệp và tổ chức liên quan đến nghệ thuật, dịch bệnh cũng là cơ hội tốt để cải thiện trải nghiệm người dùng xung quanh việc mua tác phẩm nghệ thuật trực tuyến, ra mắt các phòng tranh trên nền tảng số ứng dụng công nghệ thực tế ảo.
Lấy ví dụ như chương trình triển lãm và đấu giá trực tuyến với thông điệp Họa sĩ chung tay đẩy lùi COVID-19 đã diễn ra tại Group Facebook Viet Art Exchange (nhóm chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật gốc của họa sĩ Việt Nam) với sự tham gia của 60 họa sĩ cùng hơn 100 tác phẩm.
Hay chương trình đấu giá tác phẩm nghệ thuật - Vượt qua đại dịch COVID-19 nhằm gây quỹ ủng hộ đội ngũ y, bác sĩ chiến đấu trên mặt trận phòng, chống dịch của Công ty Cổ phần Tầm nhìn Mỹ thuật Đông Dương...
Thực ra, trước thời điểm dịch bệnh, thị trường nghệ thuật cũng đã manh nha thay đổi với sự xuất hiện một thế hệ những người yêu nghệ thuật trẻ tuổi ưa thích công nghệ.
Nhu cầu gia nhập vào thế giới nghệ thuật của những người lớn lên cùng internet đã tạo nên một thị trường mới trên các nền tảng như giám tuyển online, các dịch vụ tư vấn, các cộng đồng cùng chung tình yêu với nghệ thuật...
COVID-19 càng khiến người mua và người bán hàng nghệ thuật nhanh chóng nhận ra giá trị của công nghệ, đặc biệt nhất có lẽ là tính năng cá nhân hóa.
Hiện nay, nhiều phòng tranh trên internet đã sử dụng chuyên môn nghề nghiệp kết hợp cùng phân tích dữ liệu về thói quen, sở thích của các nhà sưu tập mới nổi để từ đó chọn ra những người mua tiềm năng.
Giống như Amazon và Facebook sử dụng dữ liệu về hành vi của người mua sắm trong quá khứ để gợi ý các sản phẩm hay nội dung hấp dẫn tới người mua, các nhà giám tuyển hàng đầu trên mạng cũng sử dụng thông tin cá nhân, hành vi mua sắm trên mạng để gợi ý nhu cầu cho các khách hàng của mình.
Tuy nhiên, công việc này không chỉ đơn thuần là gợi ý một bức tranh đẹp để trang trí cho căn hộ của khách hàng.
Việc tìm ra được một tác phẩm nghệ thuật phù hợp thị hiếu chắc chắn khó khăn hơn việc theo dõi sở thích của khách hàng. Khác với thời trang hay gu đọc sách, thị hiếu nghệ thuật rất khó nắm bắt và cực kỳ khác biệt tùy theo mỗi người. Điều đó khiến cho các nhà tranh trên mạng phải đặt tiêu chuẩn cao hơn trong cách mà họ phân tích sở thích của người xem.
Một ưu điểm khác của thị trường nghệ thuật trực tuyến nữa là sự rõ ràng về giá và các thông tin liên quan.
Ở các nhà tranh truyền thống, giá bán hiếm khi được đề bên cạnh tác phẩm nghệ thuật và người mua sẽ phải hỏi nhân viên nhà tranh nếu muốn biết giá bán.
Đây là rào cản trong giao dịch.
Trong khi đó, hầu hết người kinh doanh tranh trực tuyến chủ động đưa mọi thông tin cần thiết cho người mua: đăng giá bán, trình bày chi tiết cách đóng gói và vận chuyển, thậm chí cung cấp các dịch vụ tư vấn nhằm giúp khách hàng dễ dàng tìm được tác phẩm yêu thích trong phạm vi ngân sách của mình.
Ở thời kỳ mới bắt đầu, những mô hình kinh doanh nghệ thuật trực tuyến có mức độ linh hoạt khá cao, chi phí vận hành thấp, nhờ vậy mà mang đến phạm vi tiếp cận rộng hơn so với không gian thực.
Khi đó việc các doanh nghiệp đã làm là học cách khai thác công nghệ mới và nguồn lực sẵn có đúng cách.
Theo nhà phê bình Lý Đợi, hiện nay ngoài cả trăm họa sĩ Việt sống được nhờ Facebook, gần như hơn 80% họa sĩ có dùng Facebook đều đưa tác phẩm của mình lên đó để giới thiệu, trừ những người bị ràng buộc vì hợp đồng độc quyền.
Cũng đã có hàng trăm fanpage về tranh được lập ra, trong đó có nhiều fanpage hoạt động rất hiệu quả.
Đa số fanpage hoạt động phi lợi nhuận, nhằm tạo diễn đàn để các họa sĩ, nhà sưu tập tự giao lưu với nhau.
Cũng có những fanpage như All about Art and Artist thu phí chừng 20% cho một số loại hình giao dịch (không phải tất cả).
“Một phòng tranh nghệ thuật trực tuyến thường liên thông trực tiếp với báo chí, các trang nhận định, thông tin giá cả, các phòng tranh khác, các nhà đấu giá trực tuyến, các chuỗi sự kiện bổ trợ, các trang blog cá nhân, diễn đàn, phương thức thanh toán trực tuyến và tất nhiên là cả các hệ thống thư điện tử, tin nhắn điện thoại hay các ứng dụng WhatsApp, Messenger... Tất cả những điều này làm nên sức mạnh bổ trợ và sự bảo chứng cho tác phẩm khi giao dịch", nhà phê bình Lý Đợi cho biết thêm.
Đại diện nhà đấu giá Chọn Auction House tại Hà Nội cũng đánh giá:
“Nhiều nhận định cho rằng sự gia tăng số lượng hủy/ hoãn tổ chức hội chợ nghệ thuật, triển lãm, buổi bán đấu giá sẽ ngấm ngầm giết chết thị trường nghệ thuật, song bởi tính trao đổi nghệ thuật tách biệt với chuỗi sáng tác nên nghệ thuật vẫn sẽ sống sót sau bệnh dịch và vẫn là một loại tài sản. Tuy rằng đại dịch toàn cầu mang đến không ít thách thức với các thể chế hoạt động nghệ thuật, nhưng nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở".
Nhiều người trong nghề cho rằng song song với phát triển không gian trực tuyến, việc đầu tư cho không gian nghệ thuật thực vẫn nên tiếp tục.
Bởi vì phòng tranh thực tạo ra không gian kết nối, gặp gỡ các nhà môi giới, nhà sưu tập và tạo ra giá trị xúc cảm từ việc tận mắt chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật.
Trong bối cảnh đại dịch chưa biết sẽ kéo dài đến bao lâu, các nhà đấu giá sẽ nỗ lực nâng cao khả năng kỹ thuật số để giữ mối liên hệ bền chặt với khách hàng.
“Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với thị trường nghệ thuật bao gồm tích cực và tiêu cực. Nhưng đây là cơ hội tốt để các cơ quan, tổ chức bắt tay vào việc nghiên cứu và đa dạng hóa trải nghiệm hội họa của các đối tượng gắn với nghệ thuật”, đại diện Chọn Auction House khẳng định.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư