Mới đây, tập đoàn Vingroup đã chính thức thông báo ngừng sản xuất dòng sản phẩm smartphone mang tên Vsmart.
Động thái của công ty đa ngành này đã gây xôn xao dư luận, dẫn đến nhiều ý kiến trong giới truyền thông lẫn kinh doanh.
Để tìm hiểu thêm về sự kiện này ở nhiều góc nhìn đa chiều, Trends Việt Nam đã thực hiện hai cuộc phỏng vấn với hai đối tượng: người trong cuộc, tức những người có liên quan tới sự việc trên và người ngoài cuộc bao gồm nhiều ý kiến của các chuyên gia về quản trị DN.
Dưới đây là bài phỏng vấn đầu tiên với một nhân sự của Vingroup*, người đã trực tiếp tham gia vào các hoạt động của Vsmart.
*Danh tính của nhân vật được bảo mật.
Vingroup dựa trên những số liệu nào để đưa ra quyết định trên?
Đầu tiên, tình hình COVID-19 dẫn đến chuỗi cung ứng gặp khó khăn, đứt gãy, giá linh kiện đầu vào tăng (ram, chipset, màn hình…). Đây là nguyên nhân khiến cho giá vốn tăng cao, trong khi giá bán khó có thể nâng lên được.
Một lý do khác là doanh thu và lợi nhuận. Trước kia các sản phẩm thường phải giảm giá nhiều để chiếm lĩnh thị phần ở các phân khúc khác nhau. Lâu dần, điều này dẫn đến tình trạng lỗ nặng và tình hình trên ngày một trầm trọng.
Các sản phẩm nằm ở phân khúc 4-6 triệu không hề dễ bán và càng bán càng lỗ do phải chạy đua về tính năng, cấu hình với các sản phẩm 5~7 triệu từ Samsung, Oppo, Xiaomi.
Có thể hiểu rằng, sản phẩm dù có chất lượng tương đương nhưng giá bán lại phải đặt thấp hơn.
Ngoài ra, dù số lượng sản phẩm sản xuất và bán ra ít hơn nhưng chi phí phát triển sản phẩm, chi phí mở khuôn vẫn phải có…
Do đó, tính trên mỗi sản phẩm sản xuất ra thì chi phí cũng cao hơn các doanh nghiệp sản xuất khác.
Quyết định này sẽ mang tới những thiệt hại gì cho doanh nghiệp?
Việc ngừng sản xuất smartphone có thể sẽ dẫn đến việc phải tăng chiết khấu, hạ giá bán để giải phóng hàng tồn kho, tồn trên các kênh phân phối.
Ngoài ra, Vingroup còn có thể phải tạm dừng hoặc thanh lý một số dây chuyền lắp ráp, sản xuất điện thoại.
Một thiệt hại không nhỏ khác đối với quyết định này chính là chi phí đền bù, hỗ trợ khi cắt giảm nhân sự và chấm dứt hợp đồng với họ*.
(*Ước tính tổng nhân sự cho việc phát triển mảng smartphone lên tới hơn 1.000 nhân sự).
Đại diện cho người lao động, theo anh, nhân viên sẽ có những cảm xúc hay suy nghĩ thế nào về quyết định này của công ty?
Có thể họ sẽ tôn trọng, đồng thuận với quyết định của công ty, hoặc không đồng thuận, thông cảm với thông báo này.
Cũng có thể họ sẽ cảm thấy buồn và tiếc nuối trước sự ra đi của Vsmart, khi thương hiệu điện thoại của người Việt không còn nữa.
Tuy nhiên họ sẽ không quá bất ngờ vì đã hiểu được phần nào khó khăn của Vsmart trong mảng smartphone và các quyết định cắt bỏ tương tự trước kia với các mảng sản phẩm khác như khối sản phẩm gia dụng, tivi, máy lọc không khí, sản phẩm IOT, smarthome/smartcity,...
Việc Vingroup dừng sản xuất điện thoại là quyết định mang tính chiến lược của tập đoàn.
Điều này đã được cân nhắc kỹ lưỡng và thời điểm công bố quyết định dừng sản xuất, chủ tịch tập đoàn đã phê duyệt và không có trở ngại nội bộ nào ở cấp quản lý thượng tầng.
Vì nhiều lý do, nhân viên cũng sẽ bình tĩnh đón nhận thông báo này.
Thứ nhất, họ vốn hiểu được tình hình sản xuất kinh doanh của công ty trong mảng này đã và đang gặp khó khăn đặc biệt là trong thời điểm COVID-19 như hiện nay.
Thứ hai, họ hiểu được sự thay đổi là tất yếu và diễn ra thường xuyên ở môi trường Vingroup/Vsmart.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc điều chuyển giữa các bộ phận phòng ban, các công trong cùng tập đoàn, hoặc có thể dừng hoạt động một bộ phận phòng ban nào đó nếu nó không còn phù hợp hoặc kém hiệu quả…
Do vậy, tâm thế nhân viên Vingroup/Vsmart luôn sẵn sàng cho sự thay đổi.
Chắc chắn cũng sẽ có nhiều người lo lắng đi tìm việc mới. Do ảnh hưởng của COVID-19, cơ hội tìm được việc làm phù hợp cũng hạn chế hơn trước rất nhiều.
Khi bắt đầu với lĩnh vực smartphone, Vingroup đã có những sai lầm chủ quan nào?
Vingroup là tập đoàn tư nhân số một Việt Nam, có thế mạnh rất lớn ở mảng bất động sản. Chính mảng bất động sản đã tạo cho họ nguồn tài chính khổng lồ để dấn thân, mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất,kinh doanh tiềm năng khác.
Tuy nhiên, phương châm đi tắt đón đầu áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm công nghệ cao vốn là ưu tiên trong chiến lược của Vingroup.
Khi đã có sự đồng thuận từ cấp quản lý thượng tầng, Vingroup bắt tay vào làm ngay, nhanh và trên quy mô lớn.
Họ nhận định thị trường Việt Nam rộng lớn, sản lượng và doanh số tiêu thụ cao rất tiềm năng trong mảng thiết bị di động.
Nhận định này có đúng đắn hay không cũng chưa thể kết luận ngay được, vì yếu tố tác động của thị trường là rất lớn nhưng cuối cùng DN cũng đã phải đưa ra quyết định đáng tiếc là ngừng sản xuất smartphone.
Những vấn đề khách quan nào của thị trường, thời cuộc tác động lên quyết định của Vingroup?
Thị trường điện thoại di động vốn có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng và cũng đã rơi vào giai đoạn bão hòa, chỉ tăng 2 - 3% năm.
Cuộc chiến giành thị phần rất khó và ngày càng khốc liệt, trong khi Vsmart tiếp tục lỗ trên đầu sản phẩm bán ra.
Tình hình Covid cũng đang diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng không đảm bảo, giá linh kiện đầu vào liên tục tăng phần nào dẫn đến quyết định ngừng sản xuất smartphone của Vingroup.
Những vấn đề phát sinh nào sẽ xảy đến khi Vingroup quyết định ngừng sản xuất smartphone Vsmart?
Không có quá nhiều vấn đề phát sinh cho quyết định trên vì Vsmart vẫn duy trì các trung tâm bảo hành của mình, đảm bảo sự yên tâm cho khách hàng đã mua sản phẩm.
Như đã đề cập, nhân sự làm cho Vsmart và Vingroup nói chung cũng quen và thích ứng dần với sự thay đổi thường xuyên, cán bộ nhân viên của Vsmart có thể nhận được trợ cấp phù hợp khi công ty buộc phải dừng mảng kinh doanh.
Nhìn theo hướng tích cực, Vingroup sẽ có được những giá trị, cơ hội nào với quyết định này?
Vingroup có thể cắt mảng kinh doanh không tạo ra hiệu quả, giảm được khoản lỗ nhiều trăm tỷ mỗi năm.
Thêm vào đó, tập đoàn cũng có được câu trả lời chính xác, đáp án cho những ấp ủ về một sản phẩm di động của người Việt, qua đây cho thấy làm sản phẩm di động không hề đơn giản.
Vingroup sẽ tập trung vào mảng nào sau quyết định này?
Theo tôi được biết, tập đoàn sẽ tập trung và dành nguồn lực cho Vinfast với các dòng sản phẩm ô tô và xe điện.
Những nhân sự của Vsmart sẽ như thế nào sau quyết định này, họ có được điều chuyển sang bộ phận khác không?
Một số nhân sự sẽ ở lại Vinsmart để phục vụ cho các mảng kinh doanh khác sau này. Một số khác sẽ được giới thiệu qua các công ty con khác thuộc tập đoàn nếu phù hợp.
Phần còn lại, bao gồm hơn một nửa số nhân viên hiện tại sẽ nghỉ việc và chuyển đi nơi khác.
Vingroup có những chế độ như thế nào cho nhân sự của Vsmart?
Chắc chắn sẽ có chế độ cho nhân sự của Vsmart.
Khi chấm dứt hợp động lao động do các yếu tố như trên, tập đoàn có thể sẽ bồi thường từ 1-3 tháng lương cho người lao động.
Bản thân Vingroup rút ra được những bài học gì cho sự việc này, và doanh nghiệp khác học được gì từ trường hợp của Vingroup/ Vsmart?
Theo tôi, bài học là không nên đa dạng hóa nhiều mảng kinh doanh khi không có thế mạnh hay gốc nền một cách tương đối toàn diện, ngoài vấn đề tài chính thì cũng cần thêm cả công nghệ và nhân sự.
Bên cạnh đó, chỉ nên mở rộng các mảng kinh doanh khác khi những mảng mới nằm trong hoặc có sự giao thoa ảnh hưởng trong hệ sinh thái đã có thế mạnh.
Trường hợp khác, chỉ nên làm thử ở quy mô nhỏ trước và phải bền bỉ xây dựng.
Doanh nghiệp phải tự chủ được về công nghệ, chuỗi cung ứng, nguồn tài chính đủ lớn để duy trì trong những thời điểm khó khăn nhất.
Đặc biệt phải xây dựng đội ngũ một cách bài bản, có hệ thống bởi cần thời gian để họ thấm văn hóa công, tập đoàn, cần thời gian để họ phối hợp một cách bài bản, nhịp nhàng, khoa học hơn.
Điều này hết sức quan trọng vì mặc dù đa phần nhân sự ở Vingroup là những người nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn đã được khẳng định ở các công ty, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế nhưng vẫn gặp phải vấn đề này.
Theo dõi Trends Việt Nam để đón đọc bài phỏng vấn thứ hai cùng các chuyên gia về quản trị DN.