Bài viết này ghi lại theo nội dung phỏng vấn và bổ sung thêm các thông tin của Ban Biên Tập nhằm giúp độc giả hiểu rõ thêm các khía cạnh về văn hoá doanh nghiệp (VHDN) một cách toàn diện.

Những nội dung trả lời của khách mời sẽ được ghi dấu màu vàng để độc giả dễ theo dõi.

Một khảo sát của Glassdoor, nền tảng tuyển dụng lớn nhất thế giới đã chỉ ra rằng: 

77% nhân viên sẽ cân nhắc nền văn hóa của một doanh nghiệp trước khi nộp đơn ứng tuyển vào doanh nghiệp đó.

Bên cạnh đó, khi đề cập đến mức độ hài lòng trong công việc, 56% người lao động cho rằng văn hóa tổ chức quan trọng hơn cả tiền lương hàng tháng.

null
Đối với người lao động, văn hóa tổ chức ảnh hưởng rõ ràng đến tinh thần và niềm vui khi làm việc của họ.
Từ đó có thể thấy, trong số nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đổi mới, cạnh tranh, thu hút nhân viên và khách hàng của tổ chức thì văn hóa doanh nghiệp (VHDN) chính là một yếu tố quan trọng.

Nó tạo ra niềm tin cho mỗi người làm việc trong môi trường đó. Đồng thời VHDN còn là sợi dây gắn kết giữa những con người trong cùng doanh nghiệp, tạo ra tiếng nói chung giữa các thành viên, và nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh VHDN đang trở thành tâm điểm quan tâm của cộng đồng doanh nhân Việt Nam và thế giới hiện nay, Trends Việt Nam cũng đã có cuộc gặp gỡ với chị Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc Dale Carnegie Việt Nam để trao đổi về các vấn đề xoay quanh việc xây dựng VHDN.

Ở bài viết này, với góc nhìn của Tư duy Mũ vàng, chúng ta hãy cùng khám phá những giá trị, lợi ích mà VHDN sẽ mang lại cho cá nhân và đội ngũ trong một tổ chức thông qua những chia sẻ của một chuyên gia tư vấn về VHDN cho nhiều doanh nghiệp dẫn đầu các ngành ở Việt Nam.

null
Chị Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch và Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam.

Thời gian gần đây, chủ đề VHDN được nhắc tới rất nhiều, đặc biệt là sau những biến động lớn trong kinh doanh. Chị đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của VHDN trong tổ chức thời kỳ trước và sau đại dịch?

Tầm quan trọng của VHDN là tạo nên sự gắn kết lâu dài.

Đó chính là yếu tố quyết định sự vững mạnh của một đội ngũ và sự phát triển bền vững của một tổ chức. 

Kết quả nghiên cứu từ 207 công ty trong 22 ngành nghề trong suốt từ năm 1977-1988 của John Kotter & James Heskett cho thấy văn hóa tác động đến kết quả kinh doanh và tài chính của công ty.
Hay nghiên cứu gần đây của Cisco IBSG, 55% phản hồi từ công ty với văn hóa hòa nhập rất tự tin về tăng trưởng doanh thu, 93% phản hồi những nỗ lực đầu tư mới của công ty đều thành công vì giá trị kinh doanh rõ nét. 

Theo Dale Carnegie, VHDN tác động đến chiến lược định hình hướng đi và cách đi của công ty trong tương lai, khả năng ra quyết định, thái độ hướng đến khách hàng, khả năng làm chủ của nhân viên để ra quyết định trong chính công việc của họ. 

Khả năng hiểu được định hướng, mục tiêu, sứ mệnh mà công việc và tổ chức đang tồn tại quan trọng vô cùng.

Bởi vì nó sẽ là kim chỉ nam cho mọi tư duy, quyết định và hành động của từng nhân sự trong tổ chức, và giúp tổ chức giữ được cốt cách, giá trị cốt lõi và đạt được những mục tiêu kinh doanh đề ra.

null
Nếu mỗi tổ chức là một con người, thì văn hóa chính là linh hồn có vai trò chi phối toàn bộ sự sống và sự phát triển của tổ chức đó.

Tính linh hoạt trở thành năng lực cốt lõi trong VHDN sau đại địch.

Một khác biệt đặc thù của VHDN trước và trong đại dịch là tính linh hoạt và thích ứng của các chuẩn mực VHDN nhằm giúp cho công ty có thể tồn tại và trụ vững qua đại dịch. 

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và mỗi tổ chức/công ty đều cần rất hiểu hiện trạng và nội lực của chính mình để có thể linh hoạt thay đổi các giá trị hay chuẩn mực để giúp công ty vượt qua thách thức mang tính sống còn thời COVID-19. 

Ví dụ điển hình là trong giai đoạn 2020-2022, phần lớn giải pháp tự vấn và triển khai về Phát triển Năng lực Tổ chức (Organizational Development) của Dale Carnegie đều xoay quanh 3 chủ đề lớn phổ biến: 

1. Hoạch định chiến lược và phát triển đội ngũ kế thừa
2. Năng lực Thích ứng linh hoạt của tổ chức và Lãnh đạo Thích ứng linh hoạt
3. Sáng tạo và Đổi mới

Tony Hsieh, cựu CEO Zappos - thương hiệu bán lẻ giày trực tuyến lớn nhất thế giới từng chia sẻ: 

“Giá trị cốt lõi cá nhân của bạn xác định bạn là ai và giá trị cốt lõi của công ty rốt cuộc sẽ xác định tính cách và thương hiệu của công ty. Đối với cá nhân, tính cách là định mệnh. Đối với các tổ chức/công ty, văn hóa chính là định mệnh”.

null
Một buổi đào tạo nội bộ chương trình: Năng lực Lãnh Đạo Hướng Đến Hành Động và Kết Quả - Khai mở Tài năng của đội ngũ tại Dale Carnegie Việt Nam.

Vậy tầm quan trọng của Giá trị cốt lõi, Năng lực lõi trong hệ thống Văn hoá thì như thế nào?

Dân tộc Do Thái tồn tại, phát triển và vẫn gìn giữ được bản sắc trí tuệ tinh hoa của mình qua hơn 4.000 năm lịch sử tìm kiếm chỗ đứng cho mình là nhờ vào sự tôn thờ, tuân thủ, gìn giữ, kế thừa, tinh chỉnh và phát triển những chuẩn mực Do Thái từ Bộ kinh Torah và đúc kết tinh hoa cách sống Do Thái trong Talmud. 

Đây là điển hình vượt trội của tính chuẩn mực cốt lõi và truyền đời thành công của văn hóa dân tộc.

null
Văn hoá Do Thái là điển hình vượt trội của tính chuẩn mực cốt lõi và truyền đời thành công của văn hóa dân tộc.

Cũng giống như vậy, VHDN với mong muốn đại diện cho bản sắc của doanh nghiệp, phát huy được tính lan tỏa đồng bộ, và có thể được kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ nhân sự cũng cần có những chuẩn mực riêng biệt.

Những chuẩn mực này hay được chúng ta gọi là Giá trị cốt lõi và Năng lực cốt lõi, mà tiêu chí đánh giá cuối cùng là bộ Hành vi biểu hiện đặc trưng cho các giá trị và năng lực này. 

Trong khi Giá trị cốt lõi và Năng lực cốt lõi là các gen di truyền tổng hợp các đoạn phân tử DNA được mã hóa, thì Hành vi biểu hiện sẽ đóng vai trò là các DNA có chức năng lưu giữ truyền đạt và bảo quản thông tin di truyền giữa các thế hệ. 

Thiếu đi gen và DNA, các tính cách và bản sắc “văn hóa” không thể được lan tỏa đồng bộ và di truyền qua các thế hệ. 

Mới đây tạp chí HBR và nhiều báo chí cũng bàn tới khái niệm Lý tưởng hoá (Purpose). Trong đó HBR đưa ra 3 yếu tố cấu thành một lý tưởng cao đẹp gồm có: Competence (Năng lực lõi), Culture (VHDN), Cause-Based (Lý do tồn tại)? Chị suy nghĩ sao về quan điểm trên?

Simon Sinek có chia sẻ: “Khách hàng sẽ không bao giờ yêu thích một công ty cho đến khi từng nhân viên yêu thích công ty của mình trước”. 

Một cách cơ bản và logic, để có thể “yêu thích” một cách tự nhiên và đủ ở lại và cống hiến hết mình, nhân viên cần hiểu sâu về các yếu tố môi trường làm việc và giá trị công việc. 

Cụ thể, nhân viên cần được tạo điều kiện để “sống” trong một môi trường nhân văn đáng sống mà không chỉ là làm việc, nhận lương và về.

Đống thời họ cũng mong muốn cảm nhận được giá trị của công việc mình đang làm mang lại nhiều ý nghĩa hơn chứ không chỉ là thu nhập cho bản thân và cộng đồng xung quanh.

null
Một trong những hoạt động gắn kết nhân viên thường xuyên được tổ chức tại Dale Carnegie Việt Nam, dựa trên nền tảng của 3 giá trị cốt lõi: Làm chủ, am hiểu kinh doanh, yêu thương.

Và “Purpose” của công ty, tôi tạm dịch là “Có chủ đích, có lý tưởng”, với những thành tố hiển nhiên phải có: Competence (đủ tầm và năng lực để định hướng và hoàn thành mục tiêu) - Culture (văn hóa và môi trường kết nối với những chuẩn mực đại diện rõ nét và rõ ràng) - Cause-based (khát vọng, lý tưởng cao đẹp hướng nhân sự đến một cuộc sống tốt đẹp, văn minh, hạnh phúc hơn cho mình và cộng đồng) sẽ giúp định hướng và kết nối những điều kiện cần và đủ để nhân viên đủ “thích” mà đến và đủ “tin yêu” để ở lại đóng góp lâu dài cho sự phát triển của tổ chức. 

Một khi tổ chức đã đủ tâm và lực để kiến tạo nên “Purpose” và những điều kiện bắt buộc phải có của nó, lựa chọn gắn kết của nhân sự sẽ cho thấy nhân sự nào thật sự phù hợp với con đường và cốt cách riêng biệt của tổ chức và sẽ sẵn sàng cùng đồng hành. 

Cho nên, về bản chất, “purpose” đủ tầm và đúng của tổ chức cũng sẽ phần nào giúp cho tổ chức đó “sàng lọc” và “thanh lọc” một cách tự nhiên đội ngũ đồng hành cùng đi. 

null
Khi nhân viên và tổ chức có cùng lý tưởng và mục đích thì sẽ dễ dàng có được sự gắn kết dài lâu.

Với tư cách là nhà lãnh đạo một tổ chức có nền văn hóa doanh nghiệp đặc sắc như Dale Carnegie Việt Nam, chị Khánh Linh đã chia sẻ rất nhiều những thông tin hữu ích và giá trị về VHDN.

Qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như các giá trị, ý nghĩa mà VHDN mang lại cho một doanh nghiệp.

Nói tóm lại, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất trong việc “chèo lái con thuyền” của doanh nghiệp đi đúng hướng.

Chính vì vậy, nếu muốn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần có đường lối, mục tiêu cả về kinh doanh lẫn xây dựng văn hóa công ty thật vững mạnh, hiệu quả.