Họa sĩ Hà Huy Mười thắc mắc không rõ nhà trường bán hay tặng tranh hơn 10 năm trước của anh ra bên ngoài. Đây chỉ là một bài tập và nhà trường không hỗ trợ gì mà vẫn thu tác phẩm và thu xong thì lại để "lưu lạc" ra thị trường.
Anh đặt câu hỏi tại sao tư liệu của nhà trường do sinh viên đóng góp lại "chạy đến" nhà sưu tập được?
Một nữ họa sĩ là cựu học viên cao học Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ trường hợp tương tự của chính mình. Tháng 10 vừa qua, họa sĩ này vô tình gặp lại bức tranh tốt nghiệp cao học của mình năm 2010 qua một thầy thuốc nam.
Khi tìm hiểu, nữ họa sĩ mới biết thực ra chuyện tranh từ trường học ra thị trường đã râm ran trong giới cả 20 - 30 năm trước.
"Là bài tập của sinh viên chứ chưa phải là tác phẩm"
Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam - bà Đặng Phong Lan - khẳng định về nguyên tắc nhà trường không được phép bán tác phẩm thu của sinh viên.
Trường hợp sinh viên phát hiện tác phẩm của mình "lưu lạc" ngoài thị trường thì có nhiều khả năng xảy ra, trong đó không loại trừ đó có thể là tranh chép chứ không phải tác phẩm gốc.
Đại diện Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, nơi họa sĩ Hà Huy Mười từng theo học, ông Nguyễn Chí Công - quyền hiệu trưởng - khẳng định bài tập của sinh viên đến tay nhà sưu tập có thể do thất lạc ở một khâu nào đó chứ tuyệt đối không có chuyện nhà trường bán tác phẩm là bài tập của sinh viên.
Về việc thu bài của sinh viên, ông Công giải thích do quy chế xưa nay vẫn vậy, mọi sản phẩm sinh ra trong môi trường nhà trường chưa phải là tác phẩm độc lập của sinh viên nên chúng đều thuộc sở hữu của nhà trường, từ bài tập, bài giảng, đồ án tốt nghiệp. Ông cho rằng "khắp nơi trên thế giới đều thế cả".
"Nhà trường có quyền sử dụng các tác phẩm này. Điều này tuân theo pháp luật nhà nước và quy chế của nhà trường, vì lợi ích chung của nhà trường, chứ không phục vụ lợi ích của bất cứ cá nhân nào trong trường. Chúng tôi chưa bao giờ bán cho ai một bài tập nào của sinh viên" - ông Công nói.
Về việc tác phẩm của họa sĩ Hà Huy Mười từ nhà trường bước tới nhà sưu tập, ông Công giải thích các bài tập của sinh viên đều được khoa thu lại làm học liệu cho các khóa sau nhưng không lưu kho, không có người quản lý riêng nên không tránh khỏi việc bị thất lạc do phòng học luôn rộng mở cho các sinh viên.
Chỉ khoảng 10% trong số những tác phẩm tốt nghiệp xuất sắc mỗi năm được nhà trường lưu lại trong kho, trưng bày tại phòng triển lãm của nhà trường.
Tất cả những tác phẩm này đều có sổ sách đầy đủ, kiểm kê hằng năm, lưu giữ vĩnh viễn. Số còn lại thì không được quản lý chặt chẽ như vậy.
Đại diện trường cũng nói thêm bức tranh bài tập mà họa sĩ Hà Huy Mười nêu mỗi năm trường thu hàng ngàn bài từ hơn 2.000 sinh viên của nhà trường. "Đó chỉ là những bài tập của sinh viên chứ chưa phải tác phẩm", ông Công nói.
Hợp lý hay không nếu thay đổi quy chế?
Nói về việc thu giữ tranh của sinh viên ở các trường đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay, họa sĩ Ngô Văn Sắc góp ý hằng năm các trường thu rất nhiều bài tập của sinh viên, hết thế hệ này đến thế hệ khác, kho của nhà trường không thể chứa hết, nhà trường nên trả lại sinh viên sau khi giữ 2 năm.
Còn nếu bán được các tác phẩm bài tập này thì nên công khai với sinh viên và có thể chia đôi cho nhà trường và sinh viên.
Cũng việc thu tác phẩm của sinh viên gây nhiều bức xúc hiện nay, giám tuyển Ace Lê hiện đang làm việc tại Singapore cho biết các trường đào tạo mỹ thuật ở Singapore mà anh từng theo học đều không hề thu tác phẩm, kể cả tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên. Các bài tập chấm xong đều trả lại cho sinh viên.
Với tác phẩm tốt nghiệp, sau triển lãm cuối năm, tác phẩm của ai người ấy lấy về.
Họa sĩ Vu Do (Vũ Đỗ) cho biết Viện hàn lâm Mỹ thuật Pennsylvania (PAFA), nơi họa sĩ này từng theo học, không bao giờ thu bất kỳ bài tập hay tác phẩm tốt nghiệp nào của sinh viên.
Những bài tập này đều thuộc quyền sở hữu của sinh viên, trừ khi sinh viên tình nguyện đóng góp cho bộ sưu tập của trường, bằng không nhà trường muốn sở hữu thì phải thỏa thuận mua lại từ sinh viên. Anh cho rằng bài tập của sinh viên cũng là tác phẩm.
Việc thu bài tập lâu nay các trường ở Việt Nam thực hiện theo quy chế, nhưng theo họa sĩ Vu Do, nhà trường nên xem xét lại quy chế trên tinh thần lắng nghe số đông nếu các sinh viên đều muốn sở hữu tác phẩm của mình.
Nghịch lý mua lại tranh của chính mình
Họa sĩ Hà Huy Mười cho biết bức tranh anh vẽ năm 2006, khi đang học chuyên ngành sơn mài khoa mỹ thuật truyền thống của Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Tranh sau khi hoàn thiện được nộp về khoa theo quy định của nhà trường.
Cho đến một ngày mới đây, qua Facebook, anh tình cờ nhận ra tranh mình nộp cho trường khi xưa đang thuộc bộ sưu tập của một nhà sưu tập tại Hà Nội. Anh xin mua lại "vì nó chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm".
Cơ hội mua tranh từ lò sinh viên
Thông qua những tác phẩm tốt nghiệp của được nhà trường lưu giữ, có thể tổ chức những triển lãm sưu tầm những bức tranh của sinh viên, liên hệ với một số doanh nghiệp hỗ trợ kết nối làm việc với sinh viên.
Điều này, vừa tạo ra cơ hội cho các bạn có thể mua lại tác phẩm của chính mình với giá hợp lý. Bên cạnh đó, cơ chế này vừa có thể khiến các bạn sinh viên có thêm nguồn thu nhập từ chính những tác phẩm của mình, vừa có thể định giá những bức tranh do mình sáng tác nên.
Đây cũng chính là lúc để các doanh nghiệp hợp tác có thể mua lại tranh với giá hợp lý đi cùng với chất lượng tốt qua nét vẽ của sinh viên mỹ thuật. Điều này mở ra vô vàn cơ hội cũng như khai mở phong phú cho sự sáng tạo không ngừng của các “hoạ sĩ tập sự".
Nhà trường sẽ không cần phải lo nghĩ về việc lưu giữ tác phẩm của sinh viên bị lọt ra thị trường kinh doanh. Đây là một giải pháp hợp lý cho vấn đề nên hay không việc lưu giữ tranh của sinh viên mỹ thuật.
Tranh sinh viên là những tài sản thuộc về cá nhân, nên việc tạo ra một cơ hội cho các bên trao đổi cũng là một điều hết sức hợp lý. Bên cạnh đó, nhà trường, sinh viên hay doanh nghiệp đều cần tạo ra cho mình phương án phù hợp để tình trạng tranh sinh viên nộp cho trường “chạy” đến nhà sưu tập không xảy ra nữa.