Kinh tế chú ý hay là cuộc chiến giành sự chú ý của người dùng

null

Thuật ngữ “nền kinh tế chú ý” (The Attention Economy) được đặt ra bởi nhà tâm lý học, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Herbert A. Simon.

Simon cho rằng sự chú ý là “nút thắt trong suy nghĩ của con người”, nó giới hạn nhận thức và khả năng của con người.

Ông cũng lưu ý rằng “lượng thông tin dồi dào sẽ dẫn đến việc nghèo nàn về sự chú ý”, đồng nghĩa với việc đa nhiệm không thực sự hiệu quả.

Sau đó vào năm 1997, nhà vật lý Michael Goldhaber đưa ra cảnh báo rằng nền kinh tế quốc tế đang chuyển từ nền kinh tế dựa trên vật chất sang nền kinh tế dựa trên sự chú ý.

Nguyên nhân cho sự cảnh báo này đến từ thực trạng càng ngày càng có nhiều dịch vụ trực tuyến xuất hiện, từ miễn phí đến trả phí nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng.

null
Nhiều dịch vụ trực tuyến được cung cấp miễn phí để thu hút sự chú ý của người dùng.

Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của nội dung kỹ thuật số đã dẫn đến một cuộc xung đột giành quyền kiểm soát giữa các công ty:

Một cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng.

Đây là nền kinh tế gây chú ý và theo Tristan Harris - cựu thiết kế tại Google nhận xét “sự chú ý định hình mọi thứ về cuộc sống đương đại”.

Nói một cách đơn giản nhất, các công ty đang nhắm đến sự chú ý của người tiêu dùng để tạo ra doanh thu.

null
Những quảng cáo ngập tràn đường phố được đặt dày đặc để thu hút sự tập trung của người dùng nhiều nhất có thể.

Công nghệ được sử dụng như một công cụ để thu hút sự chú ý của người dùng, nhằm tạo ra các khoảng trống để những công ty thực hiện quảng cáo, khác hẳn với những lầm tưởng về mục đích giúp con người giải trí.

Nói ngắn gọn, nền kinh tế sự chú ý thực chất là một cuộc chiến thị trường dẫn đầu bởi các ông lớn công nghệ tại Thung lũng Silicon.

Thế giới kỹ thuật số được độc quyền bởi ba công ty: Google, Apple và Facebook.

null

Những công ty công nghệ lớn này không thật sự quan tâm đến khách hàng mà là doanh thu, mà muốn có doanh thu thì cần phải thu hút được sự chú ý của người dùng đến với các sản phẩm của mình.

Mục đích cuối cùng của những công ty này là giữ cho người dùng tiêu tốn thời gian tìm kiếm (scrolling and searching), lựa chọn sản phẩm của công ty mình thay vì đối thủ cạnh tranh.

Lợi nhuận là lợi ích khổng lồ mà nền kinh tế chú ý đem lại cho các tập đoàn công nghệ

Quảng cáo (Advertising) chính là điều khiến những nền tảng công nghệ khổng lồ thu hút sự chú ý của hàng tỷ người.

Lịch sử tìm kiếm của mỗi người dùng tại các nền tảng số đều được theo dõi, và thông qua việc khai thác Big Data, những nền tảng này sẽ sử dụng thuật toán để hiển thị những nội dung được cho là phù hợp với người dùng, từ tin tức mà Facebook hiển thị đến quảng cáo xuất hiện trên Instagram.

Bằng cách sử dụng những thông tin như thời gian sử dụng website hoặc tỷ lệ nhấp chuột (click-through rate) của người dùng, những công ty công nghệ này có thể kiểm soát họ và nếu người dùng tham gia nhiều, quyền kiểm soát của những công ty này càng mạnh.

Tuy nhiên, sự chú ý của con người (attention span) là một nguồn tài nguyên có hạn.

null
Con người chỉ có thể duy trì sự tập trung thật sự trong vòng 8 giây.

Chính vì vậy não bộ chúng ta sẽ tự điều chỉnh, chuyển sự chú ý sang những thông tin thú vị hơn trước thị trường thông tin khổng lồ.

Càng “quen” với việc xem các quảng cáo phù hợp cũng đồng nghĩa với việc những quảng cáo này kém hiệu quả hơn với người dùng.

Đáng buồn thay điều này đã dẫn đến các chiến thuật kinh tế chú ý ngày càng trở nên hung hãn.

null
Giờ đây các video tự động phát trên YouTube, Netflix và Facebook để từ từ thấm vào ý thức của người dùng.

Tất cả các chiến thuật này hiện hữu nhằm mục đích lôi kéo người dùng dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng.

Dành nhiều thời gian đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ thấy nhiều quảng cáo hiển thị hơn, và những công ty công nghệ sẽ thu doanh thu dựa trên những lượt click vào quảng cáo đó bên cạnh tiền hiển thị quảng cáo.

Ngoài ra, càng tốn nhiều thời gian trên mạng xã hội, người tiêu dùng sẽ trở nên dễ tính hơn với các quyết định mua hàng.

Nền kinh tế chú ý đang đem lại cho các công ty công nghệ nguồn doanh thu khổng lồ bằng việc lợi dụng khai thác sự chú ý của khách hàng.

Tác động tiêu cực từ nền kinh tế chú ý đến người dùng (Customer)

Khác với các công ty công nghệ, nền kinh tế chú ý đang gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến người dùng.

1. Văn hóa phân tâm

Những tiếng thông báo, cửa sổ pop-up, và những tin nhắn hiển thị liên tục là những minh chứng rõ nhất về sự phân tâm của con người trong kỷ nguyên số.

Trung bình một người kiểm tra thiết bị công nghệ của mình 80 lần/ngày.

Thông thường chúng ta phải mất hơn 20 phút để quay lại việc đang làm sau khi bị gián đoạn.

null

Chính vì dễ bị phân tâm bởi các thiết bị công nghệ, người dùng trong kỷ nguyên số phải đối diện với trở ngại khó tập trung chuyên sâu vào công việc.

2. Thói quen tiêu dùng thụ động

null

Những ứng dụng mà con người sử dụng hằng ngày đều có tính năng tự cập nhập tin tức hằng ngày.

Đi cùng với thông tin tự cập nhập là Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO - Fear of missing out), sợ bỏ qua tin nhắn hoặc bị tụt lại phía sau một chủ đề thịnh hành.

null
Fear of missing out là hội chứng thường thấy ở người dùng kỷ nguyên số.

Tất cả những yếu tố này khiến chúng ta thường xuyên trong trạng thái “check-in” cả ngày và nó dẫn đến trạng thái tương tác thụ động với những thiết bị công nghệ.

Con người hiện đại sử dụng thiết bị điện tử để tiêu thụ thay vì sáng tạo hay chủ động giải quyết vấn đề.

3. Kinh tế sự chú ý hình thành mối quan hệ không lành mạnh giữa người dùng với các thiết bị công nghệ

‍Hầu hết người dùng không cảm thấy hài lòng về lượng thời gian sử dụng điện thoại vì gần như thời gian mà họ sử dụng là để giải trí và tiêu thụ thông tin thụ động.

null
Một người trưởng thành trung bình sẽ dành khoảng gần 3 giờ đồng hồ cho việc sử dụng điện thoại.

Dành quá nhiều thời gian trực tuyến khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ về bản thân và đem lại cảm giác không "lành mạnh" về sức khỏe.

Không ai trong số người dùng thực sự lên kế hoạch sẽ dành thời gian lướt mạng xã hội, họ thường thực hiện hành vi này trong vô thức, cũng đồng nghĩa với việc thời gian mà người dùng sử dụng trực tuyến là không có mục đích và không thật sự tạo ra giá trị thực.

4. Ảnh hưởng độc hại đến tâm lý người dùng

null

Nghiên cứu cho thấy tâm lý người dùng mạng xã hội chịu ảnh hưởng bởi lượt tương tác, cụ thể là lượt “Like” rất mạnh.

Một cuộc khảo sát ở New Statesman cho thấy 89% số người được khảo sát thừa nhận rằng số lượt thích trên mạng xã hội đem lại cho họ cảm giác hạnh phúc nhưng cũng 40% trong số này thú nhận niềm vui này dừng lại ngay sau khi số lượt thích dừng lại.

Nhận được lượt thích trên nền tảng xã hội cung cấp một lượng dopamine đáng kể cho não của người dùng nhưng khi chất kích thích tinh thần này biến mất, tâm trạng của người dùng mạng xã hội sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Nền kinh tế chú ý là cuộc chơi giữa các ông lớn công nghệ

Từ những định nghĩa về nền kinh tế sự chú ý và cách thức mà nó hoạt động, có thể nhận thấy khá rõ ràng nền kinh tế chú ý phát triển mạnh nhất trong kỷ nguyên số.

null

Với sự chiếm lĩnh thị trường từ các tập đoàn công nghệ đến từ thung lũng Silicon như Facebook, Google, Youtube và kéo theo đó là hàng loạt các công ty công nghệ ở khắp nơi trên thế giới như TikTok cũng muốn tham gia vào miếng bánh thị phần này đã khiến cho thị trường nền kinh tế chú ý trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Những ngành nghề có thể phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế chú ý là quảng cáo thời đại số, truyền thông số, phát triển nền tảng mạng xã hội, các dịch vụ xem phim giải trí trực tuyến cùng hàng loạt các ứng dụng đáp ứng nhu cầu xã hội của người dùng.

Một số sản phẩm, dịch vụ phủ sóng toàn thế giới trong kinh tế chú ý có thể kể đến là:

Mạng xã hội giải trí Facebook, Twitter, Youtube, Instagram.
Dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix, HBO Max.
Ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify, Apple Music.
Loạt thương hiệu điện thoại thịnh hành Apple, Samsung, Sony, Huawei.

Bên cạnh những ngành mới, phát triển công nghệ, bắt kịp với tính năng của đối thủ cũng sẽ được chú trọng trong nền kinh tế chú ý.

null
Cuộc cạnh tranh gay cấn với tính năng tạo video ngắn giữa các trang mạng xã hội.

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên số với sự phụ thuộc không hề nhỏ vào các thiết bị công nghệ.

Chính vì lẽ đó, người dùng chính là lượng khách hàng tiềm năng nhất mà các công ty công nghệ muốn nhắm đến.

Tuy nhiên, người dùng không hẳn chỉ là những người tiêu thụ thụ động trong nền kinh tế chú ý này.

Cũng chính nhờ kinh tế chú ý, nhiều người dùng đã nhạy bén bắt kịp với xu hướng giải trí của mọi người, từ đó sáng tạo ra những ngành nghề mới.

TikToker, các KOLs, Influencers, hay đơn giản là những người có sức ảnh hưởng là những ngành mới xuất hiện trong kỷ nguyên số này.

Nhìn chung, nền kinh tế sự chú ý đang gây ra khá nhiều tranh cãi vì môi trường mà nền kinh tế này tạo ra đã vô tình “tiếp tay” cho phía người “cung cấp dịch vụ” là những ông lớn công nghệ kiểm soát, khai thác người dùng một cách quá mức để tạo ra doanh thu.

Tuy nhiên nền kinh tế chú ý cũng tạo ra môi trường phát triển cho rất nhiều người dùng, thậm chí biến họ thành những người nổi tiếng với thu nhập khổng lồ.

Trước thời đại số hiện nay, sự chuyển dịch từ kinh tế vật chất sang kinh tế chú ý là một điều tất yếu trong quy luật phát triển kinh tế.

Làm thế nào để khắc phục những mặt chưa tốt, đặc biệt cần kìm hãm sự ảnh hưởng quá lớn đến từ các công ty công nghệ sẽ là chìa khóa để nền kinh tế chú ý có thể phát triển hết tiềm năng của mình trong thời gian sắp tới.