Sự bùng nổ của thị trường kinh doanh giấc ngủ

Con người hiện đại đang đối mặt với chứng mất ngủ, đặc biệt kể từ sau đại dịch COVID-19.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Giấc ngủ Lâm Sàng của Mỹ (tên tiếng Anh là Journal of Clinical Sleep Medicine) vào tháng 1/2021 cho thấy:

40% trong số hơn 2.500 người đến từ 49 quốc gia tham gia khảo sát nói rằng, chất lượng giấc ngủ của họ bị giảm kể từ khi dịch bùng phát.

Chính thực trạng này đã tạo tiền đề cho ngành công nghiệp chăm sóc giấc ngủ bùng nổ với hàng loạt các sản phẩm kinh doanh liên quan đến giấc ngủ.

Theo trang Statista, trong năm 2020, ngành công nghiệp này có quy mô thị trường đạt 459 tỉ đô la.
Dự kiến con số này sẽ tăng lên đến 585 tỉ đô la vào năm 2024 với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm là 6,3%.

null
Chất lượng giấc ngủ của con người bị giảm sút, đặc biệt kể từ sau khi đại dịch COVID-19.

4 nhóm ý tưởng kinh doanh giấc ngủ

Làm thế nào để cải thiện chất lượng giấc ngủ?

Câu hỏi này đã và đang được các doanh nghiệp và nhà đầu tư nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm kinh doanh hiệu quả.

Nhìn chung, hiện nay thị trường có 4 nhóm ý tưởng sản phẩm liên quan đến giấc ngủ: Nhóm thiết bị thông minh, nhóm sản phẩm cải thiện môi trường ngủ, nhóm dịch vụ trải nghiệm và nhóm phương pháp trị liệu

1. Nhóm thiết bị thông minh

Nhóm này bao gồm các thiết bị điện tử, ứng dụng kỹ thuật cao,...

Các sản phẩm thuộc nhóm này có chức năng theo dõi thông số cơ thể, cung cấp thông tin hữu ích và đề xuất những gợi ý mang tính khoa học nhằm mang đến giấc ngủ ngon.

Các sản phẩm công nghệ nổi bật như:

Calm - ứng dụng thiền và ngủ trên App Store, Oura - nhẫn thông minh theo dõi sức khỏe của hãng Oura Health, Phần Lan, cảm biến giấc ngủ chuyên dụng như iFit Sleep HR, các loại giường nệm thông minh,…

null
Các sản phẩm công nghệ hỗ trợ giấc ngủ ngày càng hiện đại về chức năng và đa dạng về mẫu mã.

Việc mua các sản phẩm công nghệ hỗ trợ giấc ngủ đã trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây.

Cùng với sự tham gia của nhiều ông lớn như Google, Apple, Amazon, Xiaomi,.. giá các sản phẩm này cũng ngày càng cạnh tranh hơn.

Theo BBC Research, thị trường toàn cầu cho các thiết bị thông minh hỗ trợ giấc ngủ sẽ tăng từ 81,2 tỉ đô la vào năm 2020 lên 112,7 tỉ đô la vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,8%.

2. Nhóm sản phẩm cải thiện môi trường ngủ

Không đầu tư khủng như sản phẩm công nghệ, nhóm này tập trung giải quyết nhu cầu lớn nhất của thị trường: cải thiện môi trường ngủ.

Các sản phẩm tiêu biểu như:

Nến thơm, tinh dầu xông phòng, gối hỗ trợ cột sống, nệm cao su cao cấp, đèn ngủ, …

Đây là nhóm sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường.

3. Nhóm dịch vụ trải nghiệm

Thay vì hỗ trợ cải thiện giấc ngủ, nhóm này chọn cung cấp trải nghiệm để khách hàng có giấc ngủ ngon tại chỗ.

Điển hình cho nhóm này là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

Để đáp ứng xu hướng #sleeptourism - du lịch ngủ ngày càng phổ biến trong giới trẻ.

Khách sạn Park Hyatt đã cho ra mắt Bryte Restorative Sleep Suite, loại phòng rộng hơn 80 m2 với đầy đủ tiện nghi nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ.

null
Cận cảnh căn phòng một giường ngủ thuộc chương trình Bryte Restorative Sleep Suite của Park Hyatt.

Zedwell là khách sạn đầu tiên của London (Anh) tập trung vào giấc ngủ đầu năm 2020, với các phòng được trang bị cách âm sáng tạo.

Hay Cadogan, một khách sạn ở London, tạo ra các dịch vụ đặc biệt phục vụ khách gặp vấn đề về giấc ngủ mang tên #sleepconcierge.

Dịch vụ này cung cấp các bản ghi âm thiền định dỗ giấc ngủ.

Nó cũng đưa ra danh sách các loại gối phù hợp với từng tư thế ngủ, tùy chọn chăn theo trọng lượng, trà giúp ngon giấc và xịt gối thơm, nhằm cung cấp cho du khách có một giấc ngủ chất lượng.

4. Nhóm phương pháp trị liệu

Ưu điểm của nhóm sản phẩm này là giúp cải thiện giấc ngủ tận gốc dựa trên cơ sở y tế khoa học.

Tuy nhiên, nhược điểm là quá trình điều trị lâu dài và tốn kém.

Cụ thể, người bệnh mất ngủ sẽ được thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa tâm thần/chuyên gia trị liệu.

Sau khi đánh giá tình trạng bệnh, bác sĩ/chuyên gia sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể, có thể kết hợp dùng thuốc đặc trị.

Kinh doanh giấc ngủ - thị trường tiềm năng tại Việt Nam

Theo như Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thì có tới 33% dân số có một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và 18% có chất lượng giấc ngủ không tốt.

Đồng thời, số liệu của Wakefield Research cũng ghi nhận khoảng 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, 73% bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ.

Ngoài ra, có tới 79% người tham gia không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày.

Trung bình mỗi nhân viên văn phòng phải dành 10 ngày một năm để ngủ bù.

Như vậy, chứng mất ngủ đang dần trẻ hóa ở Việt Nam, dẫn đến nhu cầu cao cho các sản phẩm liên quan đến giấc ngủ.

Thị trường giấc ngủ ở Việt Nam cũng đang trên đà phát triển, tập trung chủ yếu ở những sản phẩm cải thiện môi trường ngủ.

null
Nệm, chăn ga gối là các mặt hàng thiết yếu phổ biến tại thị trường Việt Nam.

Các startup mới cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Chằng hạn, Ru9, một startup chuyên về nệm làm bằng chất liệu mới Memory Foam 3 lớp.

Theo chia sẻ từ nhà sáng lập, doanh thu năm 2020 tăng 300% so với năm 2019.

Thậm chí vào giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, doanh thu của startup này vẫn tăng 250-290%.

Hay một startup khác từ Giáo sư người Việt ở Mỹ, Vũ Ngọc Tâm, với dự án Earable - tai nghe không dây thông minh giúp chăm sóc, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các vấn đề về não bộ (rối loạn giấc ngủ, căng thẳng và sự tập trung).

Chuyển phần lớn hoạt động của Earable từ Mỹ về Việt Nam, giáo sư Vũ Ngọc Tâm ngay lập tức nhận được khoản tài trợ 10 tỉ đồng từ Vingroup.

Mới đây, bà Đoàn Kiều My, nữ tướng công nghệ với việc tham gia vào nhiều lĩnh vực công nghệ tiên phong trên thế giới và Việt Nam cũng đã quyết định đầu quân cho startup này khi thấy được tiềm năng của nó cũng như tâm huyết của nhà sáng lập.

null
Tai nghe tăng cường trí lực - một sản phẩm của Earable.
Nhìn chung, thị trường giấc ngủ của Việt Nam đang phát triển sôi nổi.
Tuy nhiên, so với các thị trường châu Á khác, thị trường Việt Nam còn rất mới và không nhiều nhà đầu tư.

Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những doanh nghiệp hướng mục tiêu đến ngành công nghiệp này.

Lời kết

Thị trường giấc ngủ hứa hẹn sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai gần.

Tuy nhiên, muốn khởi nghiệp thành công trong ngành công nghiệp này, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về sản phẩm, chiến lược kinh doanh cũng như quyết tâm theo đuổi mục tiêu.