Các công ty gia đình giàu có ở Đông Nam Á từ gia đình tỷ phú Dhanin Chearavanont của Thái Lan đến ông trùm Lance Gokongwei của Philippines đang trực tiếp đầu tư hàng triệu USD vào các công ty có triển vọng hoặc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Việc hợp tác với các công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon cũng đang trở nên phổ biến.
Với hàng loạt khoản đầu tư, các đế chế kinh doanh truyền thống này cũng đang chuyển đổi sang các lĩnh vực mới như thương mại điện tử và số hóa, mở đường cho dòng thu nhập mới sau nhiều tháng bị tê liệt vì đóng cửa phòng dịch và hạn chế đi lại.
Sự xoay trục này càng trở nên phổ biến hơn ở một loạt nhà lãnh đạo mới, trong đó một số người thuộc thế hệ thừa kế thứ ba, trẻ hơn.
Vishal Harnal, đối tác quản lý của Quỹ 500 Startups Đông Nam Á - nhà đầu tư ban đầu của hãng gọi xe Grab - cho biết có rất nhiều tiền của các gia đình giàu có đang đổ vào các công ty khởi nghiệp và đại dịch đã đẩy nhanh cuộc đua này.
Trong nhiều thập kỷ qua, các đế chế gia đình này đã giúp tăng cường sức mạnh cho các nền kinh tế Đông Nam Á.
Tuy nhiên, hiện giờ họ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức khi các chính phủ vẫn đang chiến đấu để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Tháng trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm 2021 của khu vực xuống 3,1% và cho rằng "các nước đang phát triển ở châu Á vẫn dễ bị tổn thương" trước đại dịch.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt các ngành du lịch và bán lẻ ở Đông Nam Á nhưng khu vực này vẫn có một số thị trường internet phát triển nhanh nhất.
Theo một nghiên cứu độc lập của Quỹ Cento Ventures, trong nửa đầu năm nay, những người ủng hộ đầu tư mạo hiểm đã thực hiện 393 thương vụ, huy động được 4,4 tỷ USD để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trên khắp Đông Nam Á - một con số kỷ lục.
Dẫn đầu cuộc đua là Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) của tỷ phú Dhanin Chearavanont - đế chế kinh doanh giàu có nhất Thái Lan kinh doanh từ nông sản, bán lẻ đến viễn thông.
Hồi tháng 9, Tập đoàn CP đã dẫn đầu vòng gọi vốn series C vào công ty khởi nghiệp Ascend Money - công ty do Tập đoàn Ant Group của tỷ phú Jack Ma hậu thuẫn - đưa Ascend Money trở thành kỳ lân trong lĩnh vực fintech đầu tiên của Thái Lan với định giá 1,5 tỷ USD.
Cũng trong tháng đó, CP đã hợp tác với Ngân hàng Thương mại Siam để thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ mới nổi với mục tiêu huy động 800 triệu USD, mỗi bên đóng góp 100 triệu USD.
Tại Indonesia, trong tháng 9, Quỹ đầu tư mạo hiểm Intudo cũng đã huy động được 115 triệu USD trong lần đóng quỹ thứ 3 để đầu tư vào nền kinh tế số lớn nhất khu vực.
Các nhà đầu tư vào quỹ này bao gồm hơn 30 gia đình giàu có ở Indonesia và các đế chế kinh doanh của họ.
Trung tâm công nghệ Cắm và Chạy (Plug and Play), một nhà đầu tư giai đoạn đầu có trụ sở tại California (Mỹ) đã hỗ trợ hơn 20 kỳ lân bao gồm cả PayPal, cũng vừa ký kết với hàng chục đối tác tại Đông Nam Á.
Trong đó hầu hết là các gia đình đang kiểm soát các tập đoàn lớn như Tập đoàn điện lực Aboitiz của Philippines, Tập đoàn CP của Thái Lan và Tập đoàn Astra International của Indonesia.
Ngay cả Tập đoàn dầu khí PTT Pcl thuộc sở hữu nhà nước của Thái Lan cũng không muốn bị bỏ lại phía sau. Tập đoàn này đã ký kết một thỏa thuận hợp tác với Plug and Play.
Trong tháng này một trong những công ty thành viên của PTT Pcl cũng đã hợp tác với quỹ 500 Startups để thành lập một quỹ trị giá 25 triệu USD đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Thái Lan và Đông Nam Á.
Một công ty con của Tập đoàn CP là True Corp - nhà khai thác di động lớn thứ 2 Thái Lan - cũng đã chi 17 triệu USD xây dựng khu công nghệ lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Vinnie Lauria - đối tác sáng lập tại Quỹ Golden Gate Ventures ở Singapore, cho biết những khoản đầu tư như vậy sẽ giúp đẩy nhanh chu kỳ đổi mới và xây dựng hệ sinh thái công nghệ tại các thị trường đang phát triển như Thái Lan.
Theo Khởi nghiệp quốc gia