Người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19.
Thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022.
Nông nghiệp hữu cơ là gì?
Nông nghiệp hữu cơ là hình thức trồng trọt loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng cùng với các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.
Ngoài an toàn sức khỏe người dân, nông nghiệp hữu cơ giảm thiểu tình trạng ô nhiễm các nguồn nước, gia tăng độ màu mỡ của đất và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái.
Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM:
“Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người.”
Sự khác nhau giữa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm sạch là gì?
Sự khác biệt rõ nhất giữa các loại sản phẩm hữu cơ với sản phẩm sạch, an toàn khác là quy trình sản xuất.
Sản xuất các sản phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học, nguồn thức ăn trong chăn nuôi là nguồn thức ăn tự nhiên.
Trong khi quy trình sản xuất rau quả và sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, thức ăn tăng trọng và các chất kích thích trong chăn nuôi.
Yên Bái - vùng đất đầy hứa hẹn của thực phẩm xanh
Những hậu quả của việc lạm dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: đất đai bạc màu, sâu bệnh càng tiến hóa để thích ứng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Cho nên, thời gian gần đây cả Thế Giới, trong đó có Việt Nam, đều hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ.
Sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững đang là xu hướng được nhiều địa phương trên cả nước.
Yên Bái dù là tỉnh miền núi nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng xanh này.
Tại vùng đất này có điều kiện địa chất và thời tiết phù hợp cho sản xuất nông nghiệp.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 22 - 23 độ C, độ ẩm trung bình 83 – 87%, thuận lợi cho việc phát triển nông – lâm nghiệp.
Tại Yên Bái có địa hình dưới 600 m, chủ yếu là các đồi, núi thấp, thung lũng và bồn địa chiếm 32,4% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Điều kiện đất đại tại Yên Bái chủ yếu là đất xám feralit, đất phù sa ở dọc các con sông có độ phì khá cao, thuận lợi cho cây trồng, cùng với hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao và có khả năng thoát nước tốt.
Vì thế đã có nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Yên Bái.
Những đổi mới trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thực phẩm và cũng như tăng sức cạnh tranh của nông sản Yên Bái trên thị trường.
Trước mắt, mục tiêu trong phát triển nông nghiệp tại Yên Bái theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Song song đó, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đây cũng sẽ là bước đệm để người nông dân từng bước áp dụng số hóa và thông minh hóa sản xuất nông nghiệp.
Thông qua việc áp dụng công nghệ 4.0 vào các khâu quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách phù hợp với điều kiện của tỉnh và hình thành được một số mô hình đạt tiêu chuẩn thông minh.
Đẩy mạnh khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn trang bị các thiết bị cảm biến cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản…
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã phát triển được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn với 10 sản phẩm chủ lực và 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ.
Tỉnh đã xây dựng, phát triển được 138 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (One Commune, One Product) - chương trình mang tên “Mỗi xã, phường một sản phẩm”
Theo đó, có 20 sản phẩm đạt 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao, độ che phủ rừng cao chiếm 63% diện tích tự nhiên của tỉnh, đứng thứ 4 toàn quốc.
Hiện tại, Yên Bái đã có 88/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2020 tăng gấp 2 lần so với năm 2015.
Những mục tiêu để Yên Bái quyết tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ
Có 4 lý do chính để Yên Bái quyết tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của mình.
Thứ nhất, người tiêu dùng hiện nay vô cùng quan tâm sức khỏe và thực phẩm an toàn.
Khách hàng ngày càng có xu hướng sử dụng các sản phẩm hữu cơ bởi chất lượng sản phẩm, giá trị dinh dưỡng và đặc biệt là an toàn cho sức khỏe.
Thứ hai, nông dân khi chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã nhận thấy lợi thế rõ ràng của việc sản xuất theo quy trình hữu cơ.
Mặc dù quy mô, năng suất và sản lượng không lớn, thậm chí chi phí đầu vào còn lớn hơn, nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác vượt trội so với kỹ thuật canh tác thông thường.
Thứ ba, đối với sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, ở một số thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản..., bắt buộc phải sản xuất theo quy trình hữu cơ mới có thể tiếp cận được.
Ngoài ra, đối với những địa phương có nhiều sản phẩm đặc thù khi khi không thể mở rộng quy mô sản xuất, không thể gia tăng năng suất và sản lượng thì chuyển sang sản xuất hữu cơ là giải pháp phù hợp để gia tăng giá trị trên một đơn vị canh tác.
Tỉnh Yên Bái đã làm gì người dân dễ dàng chuyển đổi nuôi trồng
Nhận thấy những lợi thế và tiềm năng của địa phương và xu thế của thị trường hiện nay trong thực phẩm hữu cơ.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân trong trồng trọt và sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo quy trình hữu cơ.
Đầu tiên, tỉnh hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp, Hợp Tác Xã để cùng tham gia vào các dự án sản xuất, phát triển các vùng nguyên liệu theo quy trình hữu cơ, ưu tiên hỗ trợ phát triển chuỗi sản phẩm hữu cơ có giá trị cao.
Tiếp theo là hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật cũng như giúp Hợp Tác Xã, doanh nghiệp và người dân xây dựng thương hiệu cá nhân, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Khát vọng lớn hơn là giúp sản phẩm hữu cơ của tỉnh có thể tiếp cận để được các tổ chức quốc tế chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Và cuối cùng là hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm hữu cơ ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Mặc dù tỉnh Yên Bái mới chuyển hướng sang phát triển nông nghiệp hữu cơ trong một vài năm gần đây.
Tuy nhiên, sản phẩm hữu cơ của địa phương đã và đang khẳng định ưu thế cũng như chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Cây quế hữu cơ - Sản phẩm chủ lực của tỉnh Yên Bái
Nhiều năm qua, cây quế đã trở thành mặt hàng chủ lực trong phát triển kinh tế, đem lại đời sống tốt hơn cho hàng nghìn hộ gia đình tại Yên Bái.
Nhờ có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây quế mà đời sống của người dân tại tỉnh Yên Bái ngày được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm giàu từ quế.
Đặc biệt hiện nay, người dân Văn Yên không chỉ sản xuất quế truyền thống, mà còn thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị cây quế và bảo vệ môi trường.
Được mệnh danh là 'thủ phủ' của cây quế vùng Tây Bắc, cây quế là một trong những mặt hàng tỉnh Yên Bái áp dụng trong trồng trọt hữu cơ.
Yên Bái có trên 80 nghìn ha quế, trong đó diện tích trồng quế tại huyện Văn Yên là trên 45 nghìn ha, chiếm 55,7% diện tích quế toàn tỉnh.
Khi chuyển sang sản xuất theo quy trình hữu cơ, hầu hết các sản phẩm quế hữu cơ đều được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản...
Riêng tại Ấn Độ, 80% sản lượng quế nhập khẩu của nước này đến từ Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu quế của Việt Nam năm 2020 đạt 245,4 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 291,8 triệu USD.
Với giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác cao từ 1.5 đến 2 lần so với sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường.
Giới tiêu dùng và các doanh nghiệp đối tác thương mại tại thị trường quốc tế nhanh chóng nhận ra sản phẩm quế của Việt Nam có chất lượng vượt trội so với quế Trung Quốc và Indonesia nên trả giá cao hơn.
Yên Bái đã mở rộng các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế, tinh dầu quế theo hướng bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm quế.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp như:
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, vận động, phối hợp các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trong trồng trọt, sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Qua đó tạo ra sự lan tỏa và thôi thúc các hộ gia đình, cá nhân nỗ lực tham gia mở rộng vùng sản xuất theo quy trình hữu cơ để có được lợi thế lớn như đã nêu.
Kết luận
Nông nghiệp hữu cơ trong trương tương lai có thể thay thế các quy trình trồng trọt thông thường để đáp ứng lượng lớn sản phẩm hữu cơ cho người tiêu dùng xanh.