Nông nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế.
Không chỉ một đất nước nông nghiệp như Việt Nam mà còn cả với các nước khác trên thế giới.
Thế nhưng với những kỹ thuật canh tác lạc hậu, nông nghiệp đang là một trong những nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt là môi trường đất, làm mất cân bằng sinh thái.
Canh tác không phù hợp làm đất thoái hóa và mất khả năng sản xuất sau này.
Vì thế, nông nghiệp sinh thái là một giải pháp vô cùng hữu hiệu để cải thiện đất trồng, duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và cả của con người.
Nông nghiệp sinh thái là gì?
Nông nghiệp sinh thái là một hình thức canh tác trong nông nghiệp tận dụng các tài nguyên có sẵn trong tự nhiên để phát triển cây trồng.
Nó giúp ngăn ngừa sâu bệnh hại nhưng vẫn đảm bảo độ phì nhiêu cho đất.
Đây là một loại hình nông nghiệp mới.
Nó tuân theo nguyên lý sinh thái học và kinh tế học, vận dụng các phương pháp hệ thống hiện đại.
Bên cạnh đó lợi dụng các mối quan hệ tương sinh tương khắc giữa các loài.
Trong mô hình này, đất luôn được bồi đắp, cải tạo mà không cần sử dụng phân bón hóa học.
Hoàn toàn không sử dụng đến các loại hóa chất tổng hợp. Không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hay sinh vật biến đổi gen.
Đây được xem là phương thức trồng trọt cao cấp nhất trong các dạng nông nghiệp bền vững hiện nay.
Con người có thể sống cùng hệ sinh thái một cách tự nhiên và bền vững.
Ngoài việc sản xuất được nhiều nông sản, nông nghiệp sinh thái còn đem lại nhiều giá trị quan trọng như:
Bảo vệ và duy trì được các nguồn lực tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo đảm cơ sở cho nông nghiệp phát triển một cách bền vững và an toàn sức khỏe cho chính người nông dân.
Một số mô hình nông nghiệp sinh thái điển hình
Mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC)
Theo nghĩa hẹp, mô hình nông nghiệp sinh thái VAC là một hệ thống sản xuất kết hợp gồm vườn, ao, chuồng của một hộ gia đình.
Trong đó thứ phẩm của đơn vị này được dùng để tạo ra sản phẩm đơn vị khác.
Theo nghĩa rộng, VAC là một hệ thống sản xuất kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Sản phẩm hay phế phẩm của bộ phận này người ta có thể dùng để tạo nên sản phẩm của bộ phận khác đem lại giá trị kinh tế cao hơn và trong hệ thống nông nghiệp sinh thái VAC không có phế liệu nào cả.
Mô hình ruộng lúa bờ hoa
Đây là mô hình kết hợp việc trồng hoa trên bờ ruộng giúp thu hút các loài côn trùng có ích đến hút mật, sinh sản và làm gia tăng quần thể thiên địch góp phần hạn chế sâu rầy, bảo vệ lúa.
Ngoài ra còn giúp hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm chi phí cho người nông dân, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.
Trong mô hình nông nghiệp sinh thái ruộng lúa bờ hoa, việc chọn các giống hoa dại phù hợp trồng quanh ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch có khả năng tiêu diệt rầy nâu và các côn trùng gây hại khác là rất quan trọng.
Hệ thống canh tác nông – lâm trên đất dốc
Đây là hệ thống mô hình nông nghiệp sinh thái canh tác kết hợp lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp một cách khoa học, có sự hỗ trợ với nhau.
Mục đích chính của mô hình này nhằm khai thác hiệu quả tối đa các tiềm năng phát triển của vùng đất dốc trên núi: Nông – Lâm – Đồng cỏ, Nông – Lâm kết hợp; Rừng – Ruộng bậc thang,…
Giá trị to lớn nông nghiệp sinh thái mang lại
1. Đối với người nông dân
Dư lượng từ hàng trăm các loại thuốc trừ sâu và phân bón lưu lại sau khi sử dụng không được kiểm soát hoặc kiểm soát kém có nguy cơ làm cho sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người nông dân làm việc tiếp xúc trực tiếp với nó gây nguy hại đến sức khỏe nghiêm trọng về lâu dài.
Nông nghiệp sinh thái bảo vệ sức khỏe toàn diện cho cả người nông dân lẫn người sử dụng sản phẩm.
Phát triển mô hình này tạo ra năng suất và chất lượng cây trồng đảm bảo, nâng cao kinh tế cho bà con nông dân trong toàn vùng.
2. Bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái
Nông nghiệp sinh thái có một đặc điểm cơ bản đó chính là tôn trọng động vật hoang dã và các vi sinh vật trong môi trường tự nhiên.
Điều quan trọng, nông nghiệp sinh thái không tạo ra các chất thải gây ô nhiễm và tiết kiệm năng lượng tự nhiên.
Nông nghiệp sinh thái phát triển nhằm tạo ra các hệ thống quản lý đất đai bền vững.
Nó giúp làm giảm nợ sinh thái, loại bỏ các vùng chết bằng việc áp dụng các loài cộng sinh khi có thể.
Và đặc biệt hơn là không có tồn dư chất hóa học.
Môi trường đất, nước và thực vật, động vật được bảo vệ tốt hơn, phát triển theo tự nhiên vốn có.
3. Cung cấp nguồn thực phẩm sạch
Sản phẩm từ nông nghiệp sinh thái hoàn toàn không sử dụng đến các loại hóa chất tổng hợp.
Không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, kháng sinh hay sinh vật biến đổi gen.
Như là chất vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, carbohydrate và protein cao hơn bình thường.
Điều này có được là do việc sử dụng phân bón tự nhiên, giúp cây dễ hấp thu, sinh trưởng và phát triển tốt.
Với thực phẩm sạch và dinh dưỡng, con người cũng tránh được các nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, xương khớp,…
Với những lợi ích to lớn của nông nghiệp sinh thái khiến các lãnh đạo địa phương đã và đang tích cực phát triển những mô hình phù hợp với từng khu vực địa phương nhằm tối ưu hóa tiềm năng khai thác.
Trong đó, Thái Bình tiên phong là đầu tàu cả nước về hỗ trợ bà con chuyển sang nông nghiệp sinh thái.
Thái Bình - Tầm nhìn và định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái
Là tỉnh có truyền thống làm nông nghiệp, Thái Bình đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và có vai trò hết sức quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngành này góp phần quan trọng giải quyết việc làm, ổn định thu nhập, giảm nghèo bền vững ở nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là sinh thái ven biển.
Phát triển nông nghiệp sinh thái được coi là định hướng quan trọng để nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Để khai thác các nguồn lực ngành nông nghiệp hiệu quả cao, phát huy ưu thế nông nghiệp của tỉnh, định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bao gồm các nội dung sau.
1. Bố trí kết hợp các ngành nông nghiệp
Đối với hình thức kết hợp này, tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện chuyên môn hóa với phát triển tổng hợp trong từng cơ sở kinh doanh nông nghiệp, theo từng tiểu vùng và trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Kết hợp giữa công nghệ với môi trường của nông nghiệp sinh thái
Đây là nội dung bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển nông nghiệp sinh thái và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nội dung sự kết hợp bao gồm:
- Lựa chọn hệ thống cây trồng, vật nuôi có giá trị gia tăng cao nhưng phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng.
- Xác định và thực hiện công thức kết hợp giữa các ngành, các công thức về xen canh, gối vụ, kết hợp các loại cây trồng với vật nuôi trong từng cơ sở kinh doanh nông nghiệp.
- Xây dựng và thực hiện các quy trình công nghệ tiên tiến, phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi; đề cao tính cộng đồng vào xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái…
3. Đẩy mạnh khâu đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp
Nông nghiệp Thái Bình đang phát triển trong giai đoạn mới, do đó nhu cầu về nhân lực chất lượng rất cao.
Vậy nên, chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho người dân thấy rõ sự cần thiết và vai trò của sự phát triển nông nghiệp sinh thái là điều thiết yếu.
Nhất là tập huấn những kỹ năng cần thiết xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững cả về kinh tế, kỹ thuật và tổ chức của nông nghiệp.
Kết luận
Phát triển nông nghiệp sinh thái là vấn đề cần thiết đối với mọi quốc gia nói chung, mọi địa phương của Việt Nam nói riêng.
Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ về nông nghiệp trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, nông dân sản xuất nhỏ tại các vùng nông thôn, dù đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, vẫn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, cả về các chính sách hỗ trợ, lẫn phương pháp canh tác.
Vì vậy, nhà nước cần đầu tư sâu hơn vào nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để thay đổi tư duy về nông nghiệp sinh thái gắn liền với kinh tế nông nghiệp.
Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng các chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, cũng như tổ chức thị trường cho các sản phẩm nông sản sinh thái.