Nhu cầu tuyển dụng trong Q3/2021

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động. Khu vực phía Nam, tình trạng giãn cách xã hội kéo dài đã làm gián đoạn nhiều hoạt động thương mại và dịch vụ.

Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội - bà Nguyễn Thu Hà cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong quý này vẫn có những tín hiệu tích cực ở một số lĩnh vực.

So với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tuyển dụng tăng 10%, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ.

Nhu cầu ở lĩnh vực này cao hơn 30% so với quý 3 năm ngoái, tập trung vào các vị trí cấp cao liên quan đến hỗ trợ công nghệ và vận hành thương mại điện tử.

Bất chấp các hạn chế của mô hình “3 tại chỗ”, các công ty năng lượng và sản xuất vẫn đi đầu về nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia Quản lý Dự án, Đảm bảo Chất lượng và Vận hành Chuỗi Cung ứng cấp cao.

Lĩnh vực công nghệ với các nền tảng thương mại điện tử, thuê ngoài, và các hoạt động kỹ thuật số, một lần nữa dẫn đầu về số lượng nhân sự tuyển dụng.

“Các doanh nghiệp xem diễn biến này là bình thường, họ chủ động phản ứng thông qua kế hoạch liên tục kinh doanh. Thị trường phương Tây đã trở lại bình thường và Việt Nam với tư cách là trung tâm sản xuất và dịch vụ, sẽ được hưởng lợi”, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương - Phó Giám đốc bộ phận Tuyển dụng Adecco TP.HCM chia sẻ.

“Ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia tuyển dụng các nhân sự mới tại Việt Nam, thay vì phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự vùng hoặc toàn cầu như trước đây.”, bà Đặng Thị Thái Hòa nhấn mạnh.

Bà Hòa giải thích “Một số công việc cần thực hiện tại chỗ, khi vấn đề hạn chế đi lại giữa các nước khiến việc đi công tác nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Việc mở các vị trí mới sẽ thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp quyết định mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, nên việc tuyển người mới với chi phí nhân sự hợp lý là điều dễ hiểu”.

Do áp dụng chính sách hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, mọi hoạt động tuyển dụng và giới thiệu nhân viên mới đều được thực hiện từ xa.

Bà Đặng Thị Thái Hòa nói: “Mặc dù việc chào đón nhân sự mới hiện gặp khó khăn do doanh nghiệp không thể giao các loại thiết bị làm việc hoặc gắn kết đội ngũ, nhưng nhiều công ty vẫn tiến hành tuyển dụng, sau đó hoãn ngày nhân viên mới đi làm cho đến khi đại dịch được kiểm soát”.

Một tỷ lệ nhỏ các vị trí chuyên biệt đòi hỏi việc thể hiện kinh nghiệm và đánh giá tại chỗ, chẳng hạn như Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm đành tạm dừng tuyển cho đến khi có thể thực hiện phỏng vấn và đánh giá trực tiếp.

Tình hình thị trường lao động những tháng cuối năm 2021

Theo bà Nguyễn Thu Hà, sẽ có nhiều kịch bản diễn ra tùy theo khả năng kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, bất kể tình hình như thế nào, một số lĩnh vực đã, đang, và sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

“Việc nhân viên phải làm việc từ xa qua Internet khiến các công ty phải tăng cường nhân sự cho bộ phận quản trị mạng và cơ sở dữ liệu. Lưu trữ đám mây đang thúc đẩy quá trình số hóa tại các doanh nghiệp nhanh hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến nhu cầu về kỹ sư CNTT sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ”, bà Nguyễn Thu Hà cho biết.

Theo bà COVID-19 đã làm cho các thành tựu y học trở nên đáng chú ý hơn.

Nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học và phân tích dữ liệu sẽ tiếp tục được săn đón để nghiên cứu các giải pháp ngăn ngừa, điều trị và kiểm soát bệnh tật.

Bà Hà tiếp tục “Khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sản xuất cũng sẽ được quan tâm và đầu tư hơn để đảm bảo giãn cách trong môi trường sản xuất”.

Theo Tổng cục Thống kê 73,7% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất quý 4/2021 sẽ ổn định và tốt hơn.

Mặc khác, các doanh nghiệp có thể gặp trở ngại khi tuyển dụng số lượng lớn. Sau đợt giã cách xã hội, nhiều người lao động đã rời các khu công nghiệp về quê, và chưa hoặc sẽ không quay trở lại.

Phần lớn người lao động ở các tỉnh phía Nam về quê.

Phần lớn người lao động ở các tỉnh phía Nam về quê.

Điều này xảy ra trong các ngành công nghiệp sử dụng lượng lao động lớn như may mặc, dệt may, da giày và đồ gỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương nhấn mạnh:

“Lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng sẽ cần nhiều nhân sự hơn cho mùa kinh doanh cuối năm, khi các công ty dịch vụ tăng dần nhu cầu tuyển dụng do đã mất đi một phần lực lượng lao động sau nhiều tháng đóng cửa”.

Các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ ăn uống, du lịch, văn phòng dịch vụ và các lĩnh vực yêu cầu tiếp xúc trực tiếp (biểu diễn nghệ thuật, sự kiện cộng đồng, bán hàng tại chỗ, thẩm mỹ,…), tiếp tục đối mặt nhiều thách thức.

Với sự bao phủ vaccine trong thời gian tới, các văn phòng sẽ chào đón người lao động trở lại làm việc.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương lưu ý, nơi làm việc có thể không còn như trước. Thay vì để toàn bộ nhân sự làm việc tại chỗ, các doanh nghiệp sẽ dần đưa 30% hoặc 50% lực lượng lao động trở lại văn phòng trong vài tháng đầu tiên.

Do đó, việc tuyển dụng sẽ trở lại bình thường với hình thức “kết hợp”, bao gồm cả các cuộc gặp mặt trực tiếp và trực tuyến.

Đại dịch đã buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang mô hình làm việc từ xa để trụ vững. Không chỉ là giải pháp tạm thời đối với một vài doanh nghiệp.

Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ, Adecco ghi nhận sự gia tăng 100% nhu cầu tuyển dụng đối với các vị trí từ xa, do có thể là lĩnh vực linh hoạt và dễ thích ứng nhất với mô hình làm việc này.

Khảo sát gần đây trên các lĩnh vực của Adecco Việt Nam cho thấy mô hình làm việc kết hợp, bao gồm làm việc tại chỗ và làm việc từ xa, được người lao động mong đợi nhất.

Bà Đặng Thị Thái Hòa làm rõ “Nhân viên vẫn muốn làm việc tại văn phòng vì mục đích gắn kết đội nhóm, nhưng họ cũng cần sự linh hoạt hơn khi sắp xếp công việc. Mô hình làm việc kết hợp có thể đảm bảo tốt nhất cả hai mặt”.

Bà Nguyễn Thu Hà cũng chỉ ra, “Làm việc từ xa là điều hiển nhiên trong tương lai gần. Các nhà lãnh đạo nên chuẩn bị một tư duy mới trong việc quản lý nhân viên từ xa khi mô hình này ngày càng phổ biến”.

Sẵn sàng trở lại làm việc và tái khởi động tuyển dụng

Giãn cách xã hội đang được nới lỏng nhằm phục hồi kinh tế dẫn đến tương lai của công việc thay đổi.

Bà Nguyễn Thu Hà khuyên: “Với xu hướng số hóa nổi trội và kỳ vọng của nhân viên về tính linh hoạt trong công việc, các doanh nghiệp nên nâng cao năng lực đội ngũ trong bối cảnh nơi làm việc mới. Kỹ năng kỹ thuật số, hiểu biết về công nghệ và giao tiếp kỹ thuật số sẽ luôn là những kỹ năng cần thiết đối với một đội ngũ lao động thành công”.

Để thích ứng với những thay đổi liên tục và thách thức trong tương lai, các nhà lãnh đạo nên xem xét lại tư duy quản lý của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương chia sẻ:

“Nơi làm việc tập trung vào việc quản lý dựa trên sự hiện diện và các tương tác tình cờ có thể không còn là lựa chọn tối ưu. Thay vào đó, nơi làm việc lấy con người làm trung tâm, nơi ưu tiên quản lý dựa trên sự đồng cảm, tính linh hoạt và sự hợp tác có định hướng sẽ là chìa khóa để duy trì lực lượng lao động trong dài hạn”.

Bà Đặng Thị Thái Hòa lưu ý, sau nhiều tháng làm việc từ xa, lãnh đạo nên cân nhắc cách kết nối lại nhân viên khi trở lại văn phòng.

Bà nhận xét, “Các nhà lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong việc kết nối mọi người lại với mục đích của doanh nghiệp, khiến họ cảm thấy thuộc về, và thúc đẩy họ tiếp tục gắn bó và phát triển vượt qua sự không chắc chắn.”

“Trong mô hình làm việc kết hợp, các doanh nghiệp nên trang bị cho mọi nhà lãnh đạo khả năng huấn luyện, nâng cao kỹ năng, công nghệ và nguồn lực để giúp họ lắng nghe và quản lý nhóm của mình tốt hơn, từ đó giúp thúc đẩy động lực làm việc cũng như xây dựng tinh thần và văn hóa đội mạnh mẽ ” bà chia sẻ thêm.

Để gây ấn tượng với ứng viên trong quá trình tuyển dụng, các doanh nghiệp nên quảng bá nơi làm việc an toàn và lành mạnh của mình với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và quy trình an toàn.

Do sự xuất hiện của dịch bệnh, chế độ lương thưởng và đãi ngộ có thể không đủ để thu hút và giữ chân nhân tài.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên linh hoạt trong quá trình tuyển dụng, chẳng hạn như sử dụng các cuộc phỏng vấn video và đánh giá trực tuyến khi có thể, thay vì gặp mặt trực tiếp.

Theo Doanh Nhân Plus