Lịch sử phát triển kinh tế thế giới ghi nhận sự ra đời, phát triển hoặc lụi tàn của nhiều nền kinh tế.
Mỗi nền kinh tế mới nổi sẽ thay đổi các tình huống cụ thể, hoặc mang lại một số giá trị công bằng cho các điều kiện môi trường hiện có, hoặc các giải pháp cho một cuộc khủng hoảng.
Những thời điểm lịch sử, những nhu cầu khác nhau đã kéo theo nhiều sự thay đổi lý thuyết kinh tế, gắn liền với những lý lẽ khác nhau.
Bài viết này sẽ làm rõ 6 khái niệm kinh tế quan trọng trong tiến trình lịch sử nêu trên, bao gồm:
Kinh tế nâu (Brown economy), Kinh tế xanh (Green economy), Tăng trưởng xanh (Green growth), Kinh tế tuyến tính (Linear economy), Kinh tế tuần hoàn (Circular economy) và Phát triển bền vững (Sustainable development).
1. Kinh tế nâu (Brown economy) - Nền kinh tế “sướng trước khổ sau” và hệ lụy không tưởng
Khái niệm nền kinh tế nâu
Theo định nghĩa từ Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) năm 2011:
Kinh tế nâu là “Nền kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên.”
Theo đó, tăng trưởng kinh tế phần lớn phụ thuộc vào các hình thức hoạt động hủy hoại môi trường, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt.
Bản chất và hệ lụy của nền kinh tế nâu
Khái niệm “Kinh tế nâu” (Brown Economy) đề cập tới quan điểm phát triển rất phổ biến trước đây, đó là phát triển kinh tế trước và xử lý ô nhiễm sau.
“Nâu” theo tên gọi ở đây để chỉ ô nhiễm môi trường và không hiệu quả về mặt sử dụng tài nguyên.
Theo đánh giá của Millennium Ecosystem năm 2005, kinh tế nâu đã gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường, bao gồm:
Ô nhiễm không khí, nguồn nước, đại dương, suy thoái đất, mất rừng, suy giảm đa dạng sinh học, gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4, v.v. và biến đổi khí hậu diễn ra với quy mô toàn cầu.
Cụ thể, một báo cáo năm 2017 trên tờ Lancet cho thấy ô nhiễm môi trường đã góp phần gây ra hơn 9 triệu ca tử vong hàng năm - một phần sáu tổng số - với các quốc gia thu nhập thấp như Bangladesh và Somalia bị ảnh hưởng đặc biệt.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (2016) cũng nhấn mạnh hệ quả từ nền kinh tế nâu đã dẫn đến có trên 1 triệu người Trung Quốc thiệt mạng mỗi năm do ô nhiễm không khí và khoảng 1/3 các dòng sông và 60% nguồn nước ngầm của quốc gia này bị ô nhiễm rất nặng.
Đây là những hậu quả nghiêm trọng và không thể phục hồi, cũng là bài học mà các quốc gia không bao giờ muốn lặp lại.
Khắc phục hậu quả nền kinh tế nâu - Kinh tế xanh “lên ngôi”
Chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” được xem là giải pháp mang tính tất yếu của thời đại.
Khi mà môi trường thiên nhiên rơi vào trạng thái kiệt quệ, nền kinh tế sẽ bị kéo xuống, gây trì trệ, tụt hậu.
Do đó, “gỡ nút” từ chính “nạn nhân” của nền kinh tế nâu bằng các chiến lược phục hồi và nuôi dưỡng, được gọi là “xanh hóa nền kinh tế” sẽ tạo ra thay đổi rõ rệt theo thời gian.
2. Kinh tế xanh (Green economy) - Nền kinh tế “cứu rỗi” môi trường
Khái niệm nền kinh tế xanh
Thuật ngữ “Kinh tế xanh” được chính thức đề cập lần đầu tiên trong báo cáo “Blueprint for a green economy” trình lên Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh vào năm 1989.
Kể từ đó, có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này.
Từ góc độ tăng trưởng kinh tế, Liên minh châu Âu (2010) cho rằng:
“Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng.”
Trong khi đó, nhóm Liên minh kinh tế xanh (The Green Economy Coalition) năm 2012 quan sát bằng góc nhìn đời sống và định nghĩa kinh tế xanh là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của trái đất.”
Xem xét từ góc độ kinh doanh, Phòng Thương mại Quốc tế (2012) cho rằng:
“Kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nghiệm môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội.”
Sau khi tổng hợp các định nghĩa của nhiều quốc gia, Ủy ban các vấn đề Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc (UNDESA, 2012) đã chỉ ra điểm chung mà một nền kinh tế xanh cần hướng tới.
Đó là giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) theo đó đưa ra một định nghĩa nhất quán và đầy đủ nhất cho khái niệm này như sau:
“Kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải các-bon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội.”
Đặc điểm của nền kinh tế xanh - Tốt cho cả con người và môi trường
“Kinh tế xanh” là khái niệm đối lập với kinh tế nâu.
“Xanh” ở đây mang nghĩa là tốt cho môi trường và cả con người.
Kinh tế xanh không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế mà còn quan tâm nhiều tới hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường, sinh thái.
Nội hàm của Kinh tế xanh bao gồm: phát thải các-bon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội.
3. Tăng trưởng xanh (Green growth) - Động lực thúc đẩy quá trình “xanh hóa” nền kinh tế
Khái niệm Tăng trưởng xanh
“Tăng trưởng xanh” là một thuật ngữ để mô tả một con đường giả định về tăng trưởng kinh tế bền vững với môi trường.
Nó dựa trên sự hiểu biết rằng miễn là tăng trưởng kinh tế vẫn là mục tiêu chính, thì cần phải tách tăng trưởng kinh tế khỏi việc sử dụng tài nguyên và các tác động bất lợi đến môi trường.
Do đó, tăng trưởng xanh có liên quan chặt chẽ đến các khái niệm về kinh tế xanh và phát triển bền vững hoặc các-bon thấp.
Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2012:
“Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sạch trong việc giảm thiểu ô nhiễm và các tác động môi trường, linh hoạt trong khả năng thích ứng với các hiểm họa thiên nhiên, quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong phòng chống thiên tai.”
Đặc điểm của tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh phải bao gồm “thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp tài nguyên và dịch vụ môi trường cho sự thịnh vượng của chúng ta.
Đây là nội dung được Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế OECD (2014) nhấn mạnh.
Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) cũng cho biết:
“Tăng trưởng xanh” nhấn mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ cân bằng hài hòa (balance) với môi trường sinh thái – mà cụ thể là tránh gây các áp lực làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường”, với mục tiêu cao nhất là duy trì bền vững sự tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.”
4. Kinh tế tuyến tính (Linear economy) - Nền kinh tế phát triển một chiều
Khái niệm nền kinh tế tuyến tính
Kinh tế tuyến tính (Linear Economy) là cách thức phát triển kinh tế theo mô hình đường thẳng.
Một nền kinh tế tuyến tính sẽ tuân theo kế hoạch phát triển từng bước “Thu thập (Take) - Sản xuất (Make) - Thải loại (Dispose)”, có nghĩa là các nguyên liệu thô được thu thập, sau đó được sản xuất thành các sản phẩm, được sử dụng và cuối cùng bị loại bỏ như chất thải.
Hệ thống kinh tế này chú trọng gia tăng giá trị bằng cách sản xuất và bán càng nhiều sản phẩm càng tốt.
Đặc điểm của nền kinh tế tuyến tính
Một mô hình kinh tế dựa trên trình tự lấy (nguyên liệu thô), chế tạo (sản phẩm), sử dụng (tiêu thụ), thải bỏ (không thể tái chế chất thải), được chứng minh là không bền vững đối với cả việc tiêu thụ tài nguyên và tác động môi trường của nó.
Đẩy mạnh kinh tế tuyến tính chính là đẩy mạnh quá trình khai thác tài nguyên và tạo ra chất thải, tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
5. Kinh tế tuần hoàn (Circular economy) - Nền kinh tế tái sinh
Khái niệm nền kinh tế tuần hoàn
Ellen MacArthur Foundation (2012) định nghĩa:
“Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động.
Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng.
Bên cạnh đó, nó cũng hướng tới “giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.”
Đặc điểm nền kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn hướng tới việc kết nối điểm đầu và điểm cuối của đường thẳng phát triển kinh tế trở để hình thành một vòng tuần hoàn của vật chất.
Hơn nữa, nền kinh tế này còn tạo ra các vòng tuần hoàn nhỏ trong mỗi khâu khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể.
Nền kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy dựa trên ba nguyên tắc:
Loại bỏ chất thải và ô nhiễm, Lưu thông các sản phẩm và nguyên liệu (với giá trị cao nhất của chúng), và Tái tạo thiên nhiên.
Nền kinh tế tuần hoàn hứa hẹn là một khuôn khổ giải pháp hệ thống nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, chất thải và ô nhiễm.
6. Phát triển bền vững (Sustainable development) - Mô hình lý tưởng cho tương lai
Khái niệm phát triển bền vững
Ủy ban môi trường thế giới (WCED, 1987), nay là Ủy ban Brundtland định nghĩa:
“Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai.”
Tại Việt Nam, khái niệm này được quy định trong Điều 3, Luật bảo vệ Môi trường năm 2014 như sau:
“Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.”
Đặc điểm của phát triển bền vững
“Phát triển bền vững” là thuật ngữ bao trùm tất cả các thuật ngữ kể trên.
Có bốn khía cạnh để phát triển bền vững - xã hội, môi trường, văn hóa và kinh tế - gắn bó với nhau, không tách rời.
Phát triển bền vững là một mô hình để suy nghĩ về tương lai, trong đó các cân nhắc về môi trường, xã hội và kinh tế được cân bằng nhằm theo đuổi chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Ví dụ, một xã hội thịnh vượng dựa vào một môi trường trong lành để cung cấp thực phẩm và tài nguyên, nước uống an toàn và không khí sạch cho công dân của mình.
Năm 2015, Liên hợp quốc giới thiệu 17 mục tiêu của phát triển bền vững - 17 SDGs, bao gồm:
1-Xoá nghèo; 2-Xoá đói; 3-Sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; 4-Giáo dục chất lượng; 5-Bình đẳng giới; 6- Nước sạch & vệ sinh; 7-Năng lượng sạch với giá hợp lý; 8-Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; 9-Công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng;
10-Giảm bất bình đẳng; 11-Thành phố và cộng đồng bền vững; 12-Sản xuất và tiêu dùng có trách nghiệm; 13-Hành động vì khí hậu; 14-Các đại dương bền vững; 15-Sử dụng đất bền vững; 16-Hoà bình và công lý; 17-Hợp tác để hướng tới mục tiêu chung.
Nhìn chung, các nền kinh tế phát triển cùng với sự phát triển của các xã hội và mỗi nền kinh tế đòi hỏi một thách thức cũng như mang theo những giá trị và cơ hội mà các nền kinh tế đi trước không có được.