“Shared responsibility model” (mô hình chia sẻ trách nhiệm) là gì ?

“Shared responsibility model” là mô hình chia sẻ trách nhiệm, giữa nhà cung cấp dịch vụ Cloud và doanh nghiệp. 

Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ chịu trách nhiệm bảo mật cho Cloud về hạ tầng, lưu trữ, cơ sở dữ liệu… 

Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm bảo mật cho chính các ứng dụng, dữ liệu, phân quyền truy cập,… của mình trên Cloud.

“Shared responsibility model” là mô hình chia sẻ trách nhiệm được áp dụng trên Cloud (Ảnh: Internet).
“Shared responsibility model” là mô hình chia sẻ trách nhiệm được áp dụng trên Cloud (Ảnh: Internet).

Chuyển dịch công việc lên môi trường đám mây (Cloud) - Thực trạng của các doanh nghiệp ở Việt Nam

Theo các chuyên gia, ngày nay, các tổ chức liên tục chuyển dịch công việc lên môi trường đám mây (Cloud), để đạt được hiệu quả cao trong công việc, đạt mục tiêu phát triển, đưa sản phẩm đến thị trường một cách nhanh chóng.

Nghiên cứu của CyberSecurity Insider và Fortinet cho thấy, có đến 39% các tổ chức được khảo sát chia sẻ rằng: 

Tổ chức đã chuyển dịch hơn 1 nửa khối lượng công việc lên Cloud, trong khi 58% các tổ chức đang có kế hoạch chuyển đổi trong khoảng từ 12 - 18 tháng tới.

Chuyển dịch công việc lên Cloud đang trở thành xu hướng (Ảnh: Unsplash).
Chuyển dịch công việc lên Cloud đang trở thành xu hướng (Ảnh: Unsplash).

Tại Việt Nam, xu hướng doanh nghiệp chuyển dịch lên Cloud được nhận định gia tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt là từ giai đoạn bắt đầu đại dịch COVID-19. 

Ở giai đoạn này, việc ảnh hưởng của chuỗi cung ứng chip toàn cầu, dẫn đến tiến độ giao hàng cho các thiết bị phần cứng bị kéo dài hơn trước đây.

Điều này khiến cho việc triển khai các ứng dụng mới bị chậm trễ nếu phụ thuộc hoàn toàn vào việc triển khai hạ tầng phần cứng. 

Chuyển dịch công việc lên Cloud được các doanh nghiệp áp dụng nhiều hơn do những ảnh hưởng từ COVID-19 (Ảnh: Internet).
Chuyển dịch công việc lên Cloud được các doanh nghiệp áp dụng nhiều hơn do những ảnh hưởng từ COVID-19 (Ảnh: Internet).

Khi đó, việc chuyển dịch một phần công việc lên Cloud là lựa chọn mà rất nhiều các doanh nghiệp đã và đến giờ vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Thách thức khi chuyển công việc lên môi trường Cloud - Độ bảo mật có được đảm bảo?

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nhiều hoạt động được chuyển lên môi trường Cloud, các chuyên gia bảo mật đều có chung nhận định rằng:

Các nguy cơ, thách thức về đảm bảo an toàn thông tin mạng mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải đối mặt đã và sẽ ngày càng lớn hơn.

Những thông tin được “treo” trên Cloud gây ra những thách thức về độ bảo mật (Ảnh: Internet).
Những thông tin được “treo” trên Cloud gây ra những thách thức về độ bảo mật (Ảnh: Internet).

Ông Khổng Huy Hùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh Không gian mạng Việt Nam (VNCS) cho biết: 

“Có tới 84% số đơn vị tham gia một khảo sát cho rằng các biện pháp an toàn thông tin truyền thống không hoạt động tốt trên môi trường Cloud”.

Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc Quốc gia Fortinet Việt Nam phân tích thêm:

“Việc duy trì hệ thống lưu trữ dữ liệu tại chỗ và đẩy một phần công việc lên Cloud, cũng như lựa chọn đa đám mây, giúp cho các doanh nghiệp linh hoạt trong việc triển khai các ứng dụng của mình, nhưng cũng tiềm ẩn các mối đe dọa khi dữ liệu, ứng dụng không được quản lý tập trung mà bị phân tán”.

Khuyến nghị áp dụng “Shared responsibility model” - Đề ra chiến lược ngắn hạn và dài hạn

Chuyên gia Fortinet Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp, tổ chức cần luôn lưu ý về “Shared responsibility model” giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp, để chủ động bảo vệ cho các ứng dụng, dữ liệu của mình khi chuyển dịch lên Cloud.

“Shared responsibility model” cần được lưu ý trong khi xu hướng chuyển dịch công việc lên Cloud đang diễn ra mạnh mẽ (Ảnh: Internet).
“Shared responsibility model” cần được lưu ý trong khi xu hướng chuyển dịch công việc lên Cloud đang diễn ra mạnh mẽ (Ảnh: Internet).

Cùng với đó, các đơn vị cũng cần đưa ra chiến lược bảo mật toàn diện với hai điều kiện:

- Có khả năng giám sát và bảo vệ ứng dụng, dữ liệu chuyển dịch giữa nền tảng đa đám mây.
- Kết hợp giữa môi trường Cloud và lưu trữ tại chỗ nhằm bảo vệ tốt tài sản thông tin, dữ liệu của mình.

Từ kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ tài sản dữ liệu, Chủ tịch VNCS Khổng Huy Hùng cho rằng:

Các doanh nghiệp cần lưu ý triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Cụ thể, trong ngắn hạn, thuê dịch vụ Cloud Security, nâng cao nhận thức về bảo mật là những biện pháp mà các doanh nghiệp cần chú trọng.

”Shared responsibility model” đòi hỏi những chiến lược ngắn hạn và dài hạn (Ảnh: Internet).
”Shared responsibility model” đòi hỏi những chiến lược ngắn hạn và dài hạn (Ảnh: Internet).

Về lâu dài, bên cạnh việc phát triển, cung cấp dịch vụ Cloud Security của người Việt, các đơn vị cần: 

- Đẩy mạnh đào tạo nhân lực nội bộ, nhanh chóng thích ứng và thay đổi, bắt kịp xu hướng mới về làm việc kết hợp giữa online và offline; 
- Xây dựng quy trình bảo mật bao phủ môi trường Cloud.

Lời kết

Nhìn chung, trong thời đại công nghệ số, việc bảo mật thông tin là thách thức của mọi doanh nghiệp. 

Vậy nên, không ngừng cập nhật xu hướng và nâng cấp hệ thống luôn đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược của doanh nghiệp.