Kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, mọi con mắt đều đổ dồn về Bernard Arnault, người đàn ông giàu có nhất châu Âu. Trong những tháng trước, ông trùm hàng xa xỉ đã vượt mặt Jeff Bezos là người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng ước tính hơn 100 tỉ USD.
Vào top 10 người giàu nhất hành tinh
Theo bảng xếp hạng tỉ phú của Bloomberg, trong số 10 tỉ phú giàu nhất thế giới hiện nay có đến 9 đại diện đến từ Mỹ.
Trong đó, Jeff Bezos - nhà sáng lập Amazon dẫn đầu với khối tài sản trị giá 185 tỉ USD, tiếp theo Elon Musk - CEO Tesla với 171 tỉ USD và đồng sáng lập Microsoft Bill Gates với 141 tỉ USD.
Tỉ phú duy nhất nằm trong Top 10 không đến từ Mỹ là Bernard Arnault, ông chủ đế chế hàng xa xỉ LVMH.
Arnault hiện sở hữu 126 tỉ USD, là người giàu thứ 4 thế giới. Tính từ đầu năm đến nay, tỉ phú sinh năm 1949 này đã kiếm được 11,7 tỉ USD.
Ông Bernard Arnault, Chủ tịch và CEO của LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy) sinh ra tại thành phố Roubaix, Pháp.
Cha của ông là một doanh nhân và ngay từ nhỏ Arnault đã tỏ ra rất hứng thú với công việc kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư tại ngôi trường danh tiếng Ecole Polytechnique nước Pháp năm 1971, ông theo cha quản lý công ty xây dựng dân dụng của gia đình ở tuổi 25.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã giúp cha tạo ra những thay đổi tích cực cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sau đó ông thuyết phục cha bán công ty và tập trung hoàn toàn vào bất động sản.
Năm 1990, ông Arnault thâu tóm LVMH và "lột xác" doanh nghiệp với lối thiết kế sáng tạo, phá cách, trái với hình ảnh già cỗi và vô vị của 20 năm về trước.
Để bành trướng LVMH, ông cũng tìm mọi cách thâu tóm những thương hiệu nổi tiếng khác.
Trong suốt thập niên 1990, ông bỏ ra hàng tỉ USD để mua lại các nhãn hàng thời trang cao cấp như Fendi, Kenzo và Thomas Pink; các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Chaumet, Zenith và TAG Heuer; các chuỗi bán lẻ như DFS và Sephora.
LVMH là tập đoàn số một thế giới về xa xỉ phẩm với 70 thương hiệu cao cấp cùng khoảng 4.000 nhà bán lẻ, hoạt động trong 6 lĩnh vực nổi bật; sở hữu những thương hiệu như: Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy…Và các nhãn hiệu đồng hồ trang sức cao cấp như: Bvlgari, Hublot, Zenith và Tag Heuer.
Chìa khóa đến thành công
Trước khi tạo dựng nên đế chế LVMH, Bernard Arnault đã tốt nghiệp một trường kỹ sư danh tiếng. Ông cùng cha làm việc cho doanh nghiệp xây dựng dân dụng của gia đình.
Nhưng tham vọng của ông còn lớn hơn thế. Arnault muốn mở một doanh nghiệp với nguồn gốc từ Pháp, có thể mở rộng quy mô và vươn tầm quốc tế.
Theo Marco Ops, niềm đam mê với hàng xa xỉ của Arnault bắt nguồn từ mẹ. Bà từng mê mẩn những chai nước hoa Dior. Ông bị ám ảnh bởi Dior cũng như sự công nhận thương hiệu này đã tạo ra.
Arnault từng có cuộc trò chuyện với một tài xế taxi ở New York, Mỹ. Ông hỏi liệu anh ta có biết về tổng thống của Pháp? - "Không. Nhưng tôi biết Christian Dior", người lái xe trả lời. Cuộc trao đổi này đã thay đổi suy nghĩ, sự nghiệp và đam mê của Arnault.
Bernard Arnault bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực quần áo sang trọng với việc mua Financière Agache vào năm 1984.
Cùng năm đó, khi biết tin Christian Dior được rao bán, ông đã chớp lấy thời cơ. Arnault bỏ ra 15 triệu USD tiền của gia đình mình và Lazard cung cấp phần còn lại cho giá mua 80 triệu USD.
Arnault từng cam kết khôi phục hoạt động và duy trì việc làm tại đây. Nhưng thay vào đó, ông sa thải 9.000 công nhân và bỏ túi 500 triệu USD, bán đi phần lớn hoạt động kinh doanh.
"Các nhà phê bình ngả mũ trước sự trơ trẽn của ông. Truyền thông gọi ông là sói già mặc cashmere", Forbes viết.
Arnault được nhất trí bầu làm chủ tịch LVMH vào năm 1989, với 43,5% cổ phần.
Sau khi chinh phục tập đoàn, ông chi hàng tỷ USD mua lại các công ty hàng đầu châu u về thời trang, nước hoa, đồ trang sức và đồng hồ cũng như rượu vang, rượu mạnh.
Dưới trướng của Arnault, LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Hiện tập đoàn được ví như "thế lực thống trị trong ngành thời trang", sở hữu hơn 70 thương hiệu cao cấp khác nhau trên thị trường.
Tạp chí New York Times từng ca ngợi Bernard Arnault là "siêu sao vươn lên ngoạn mục để trở thành người đứng đầu công ty hàng hóa xa xỉ lớn nhất thế giới khi mới 40 tuổi".
Doanh nhân 73 tuổi chia sẻ ông tin chìa khóa thành công cho đế chế thương hiệu xa xỉ của mình là sự phân quyền, khi mà tập đoàn của Bernard Arnault sở hữu tới hơn 70 thương hiệu toàn cầu và sử dụng hơn 54.000 nhân viên, trụ sở chính tại Paris (Pháp) chỉ gồm 250 người.
Một bí quyết thành công của LVMH là quyết định để các thương hiệu khác nhau hoạt động độc lập mà không bị can thiệp nhiều. Mỗi nhãn hàng được điều hành bởi giám đốc sáng tạo của chính nó.
Bernard Arnault có niềm tin mạnh mẽ vào sự sáng tạo. Với ông, nếu cư xử như ông chủ điển hình xung quanh những người sáng tạo với loạt quy tắc, chính sách, dữ liệu về sở thích của khách hàng, bạn sẽ nhanh chóng "giết chết" tài năng của họ.
"Toàn bộ hoạt động kinh doanh của chúng tôi dựa trên việc cho phép các nghệ sĩ và nhà thiết kế hoàn toàn tự do sáng tạo mà không có giới hạn", ông vua hàng hiệu xa xỉ nói.
"Kiếm bộn" hậu đại dịch
Covid-19 có ảnh hưởng không nhỏ đến LVMH, "đế chế" đồ hiệu mà ông Arnault đứng đầu, thể hiện qua doanh thu giảm 17% và lợi nhuận giảm 28% trong năm 2020.
Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu LVMH lại là một câu chuyện hoàn toàn khác: từ ngày 18/3/2020 đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng 107% - một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đặt cược rằng doanh thu và lợi nhuận của LVMH sớm muộn gì cũng khởi sắc.
Nhờ đó, khối tài sản ròng cá nhân của Arnault hiện đạt 171 tỷ USD, tăng 95 tỷ USD so với cách đây hơn 1 năm, theo Forbes, với khối tài sản này, ông hiện là người giàu thứ ba thế giới trong xếp hạng tỷ phú của Forbes.
Báo cáo kết quả kinh doanh của LVMH công bố ngày 13/4 cho thấy tập đoàn này đạt doanh thu 16,7 tỷ USD trong quý 1/2021, tăng gần 1/3 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng mạnh ở các sản phẩm đồng hồ, nữ trang, thời trang và đồ da.
Nhà phân tích Thomas Chauvet thuộc Citigroup dự báo doanh thu của LVMH tăng trưởng mạnh trong năm nay nhờ sức mua lớn tại hai thị trường Trung Quốc và Mỹ.
Tài sản của ông Arnault, 73 tuổi, chủ yếu tập trung từ cổ phần 47% mà ông nắm giữ trong LVMH - tập đoàn với hàng loạt thương hiệu "khủng" trong lĩnh vực hàng xa xỉ, từ Louis Vuitton tới Fendi, từ rượu vodka Belvedere cho tới rượu champagne Dom Perignon.
Ngoài ra, ông còn nắm cổ phần 2% trong hãng đồ hiệu Hermes, cổ phần 6% trong hãng bán lẻ Pháp Carrefour, và khoảng 1 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư khác - Forbes cho hay.
Hơn 1 năm qua là khoảng thời gian đáng nhớ đối với Arnault. Cổ phiếu LVMH sụt 25% trong 2 tuần đầu của tháng 3/2020, về mức 343 USD/cổ phiếu. Đến tháng 11, cổ phiếu này đã tăng lên mức 589 USD/ổ phiếu, cao hơn 13% so với mức đỉnh trước Covid.
Tháng 1/2021, LVMH giành thắng lợi quan trọng khi hoàn tất thương vụ đầy khó khăn mua lại hãng nữ trang cao cấp Mỹ Tiffany với giá khoảng 16 tỷ USD.
Đầu năm 2020, LVMH gặp khó khăn lớn vì phải đóng cửa nhiều cửa hiệu ở các thị trường chủ chốt như Trung Quốc và châu Âu.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2020, tình hình kinh doanh bắt đầu khởi sắc khi kinh tế Mỹ và Trung Quốc hồi phục. Mảng thời trang và đồ da của LVMH, với những thương hiệu chủ chốt như Louis Vuitton và Givenchy, đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.
Không chỉ kinh doanh đồ hiệu, ông Arnault còn điều hành một văn phòng gia đình có tên Financiere Agache, đầu tư vào doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau từ y tế cho tới cho vay thế chấp nhà.
Tháng 2 năm nay, vị tỷ phú bước chân vào xu hướng mới nhất trên thị trường tài chính là SPAC. Đây là những công ty rỗng, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nào mà chỉ huy động tiền vốn từ nhà đầu tư rồi đi tìm mục tiêu mua lại.
Ông Arnault đã mở một SPAC riêng có tên Pegasus Europe, dự kiến sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Hà Lan.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp