Trên nền tảng dự án “Nhà chống lũ” được gầy dựng từ 7 năm trước, 2 năm nay, Jang Kều - Phạm Thị Hương Giang đã bắt đầu những bước đi mới với Sống Foundation quy mô rộng hơn, đa dạng hơn, mang đến sự thay đổi bền vững hơn vì cộng đồng, con người và thiên nhiên bền vững.

Từ Nhà chống lũ đến Hạnh phúc xanh

Jang Kều tốt nghiệp chuyên ngành quản lý dự án phát triển cộng đồng tại Học viện Công nghệ châu Á (AIT) Thái Lan, là Thạc sĩ chuyên ngành kinh doanh và tài chính quốc tế, Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc cùng nhiều kinh nghiệm tham gia các tổ chức cộng đồng quốc tế tại Việt Nam.

Jang Kều đã sớm nhận ra tính thiếu bền vững của các dự án do thiếu hoặc hết kinh phí hoặc gặp trở ngại trong quá trình tương tác tại địa phương. Điều đó đã thúc giục Jang Kều cho ra đời mô hình Nhà chống lũ.

null


Nhà chống lũ của Jang Kều khác biệt so với những hình thức hoạt động cộng đồng khác ở 2 điểm chính.

Thứ nhất

Nhà chống lũ có sự tham gia chung tay của nhiều thành phần trong xã hội, kẻ góp tiền, người góp sức, người góp chuyên môn.

Sự tham gia của các chuyên gia nhiều lĩnh vực như sinh kế, kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan... đã giúp Nhà chống lũ tìm ra phương thức dựng nên những ngôi nhà phù hợp với từng loại hình lũ (lũ quét, lũ bùn, lũ ống...) của địa phương.

Theo thời gian, những mô hình nhà cũng có sự cải tiến, nhờ đó vừa phát huy hiệu quả bảo vệ tối đa cho người dân, vừa đảm bảo sự thoải mái khi sử dụng.

Thứ hai

Đây cũng là nguyên tắc quan trọng, là then chốt tạo nên sự bền vững cho mô hình Nhà chống lũ nằm ở tính cộng đồng của nó.

Nghĩa là thành quả của ngôi nhà sẽ có sự chung tay 50% vốn hỗ trợ và kỹ thuật xây dựng từ dự án, 50% còn lại đến từ chính tay người được thụ hưởng, chưa kể sự góp sức của cộng đồng xung quanh.

“Tôi không muốn người thụ hưởng nghĩ rằng việc giúp đỡ là chuyện đương nhiên. Như vậy, sẽ tạo nên sự bị động, lâu dần hình thành suy nghĩ ỷ lại thay vì chủ động thay đổi hoàn cảnh”.

Suy nghĩ mới mẻ này khiến ấp ủ của Jang Kều và đội ngũ gặp không ít khó khăn ở thời điểm bắt đầu. Nhưng tính hiệu quả của mô hình, sự kiên trì và lòng quyết tâm của Jang Kều đã được đền đáp xứng đáng.

700 ngôi nhà mọc lên cũng là lúc nhân sinh quan, lối sống của những người được thụ hưởng thay đổi, vẽ nên một tương lai tốt đẹp hơn.

“Họ chủ động trồng thêm rau, nuôi thêm con này con kia để có thêm thu nhập lo cho con cái, không còn suy nghĩ được chăng hay chớ nữa”, chị nói.

null


Tuy nhiên, càng dấn thân với dự án, Jang Kều càng nhận ra sự kém bền vững của thiên nhiên và cộng đồng dẫn đến nhiều hệ quả mà bản thân Nhà chống lũ chưa thể giải quyết hết được.

“Năm 2016 khi tôi đi miền Tây khảo sát với dự định xây Nhà chống lũ thì câu chuyện hạn mặn đã bắt đầu. Nó khiến tôi đau đáu và buộc mình phải làm gì đó”, Jang Kều kể về cơ duyên ra đời Forest Symphony (Giao hưởng rừng xanh) thuộc dự án Hạnh phúc xanh.

“Theo từng năm, tình trạng hạn mặn ngày càng trầm trọng hơn. Chúng tôi có thể chở nước đến, có thể tặng tiền cho người dân nhưng tôi không muốn làm những thứ ngắn hạn”.

Giấc mộng bền vững

Đó cũng là lúc Sống Foundation dần ra mắt nhiều dự án với chức năng khác nhau như Làng hạnh phúc, Hạnh phúc xanh.

Làng hạnh phúc là dự án hỗ trợ các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu:

- Hình thành những ngôi làng an toàn, cải thiện môi trường sống (xây dựng nhà vệ sinh, khu vực xử lý rác thải, phân loại rác, tăng khả năng tiếp cận nước sạch).
- Thúc đẩy gìn giữ giá trị văn hóa bản địa (hỗ trợ xây dựng công trình văn hóa, giao lưu công cộng, nỗ lực thúc đẩy giữ gìn và phục hồi tri thức bản địa).

Hai vùng mà dự án đang hướng đến là nóc Lâng Loan, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, khu vực tái định cư của hơn 70 hộ gia đình người Xơ Đăng và nóc Ông Phong ở Bắc Trà My, nơi tái định cư của hơn 50 hộ dân tộc Ca Dong.

Trong khi đó, Hạnh phúc xanh là chương trình thúc đẩy việc trồng cây với tầm nhìn 70 năm, đặt mục tiêu tăng mật độ cây xanh ở Việt Nam, tăng sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người với 2 hợp phần: Cây đô thị và Cây rừng.

Jang Kều tin rằng, khi học được thái độ khiêm nhường với thiên nhiên, con người sẽ tìm được cách sống hòa hợp và bền vững.

null


Khởi đầu với ý tưởng “Mỗi đứa trẻ một cây xanh”, hợp phần Cây đô thị hướng đến nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng đến cư dân đô thị, đặc biệt là thế hệ trẻ về vai trò của cây xanh.

Các hoạt động của hợp phần Cây đô thị xoay quanh việc tăng mật độ và số lượng cây trong đô thị, bao gồm “hồi sinh và phủ xanh” các không gian công cộng đang bị bỏ quên hoặc khai thác yếu trong dự án Công viên Hạnh Phúc Xanh có diện tích 1.354 m2 ở quận 12, TP.HCM và trồng cây kết hợp giáo dục môi trường trong dự án Trường học Xanh. 

Riêng với hợp phần Cây rừng, năm 2018, Hạnh Phúc Xanh đã trồng 5.100 cây dương liễu chắn sóng tại bờ biển Cửa Đại, Hội An. Tháng 9.2020, Hạnh Phúc Xanh đã trồng thí điểm thành công 10.000 cây bần ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) với một phần góp vốn của chính quyền địa phương. Kết quả, tỉ lệ sống sót của rừng bần đạt 97,86%.

null


“Miền Tây cần phải bắt đầu thích nghi với đời sống hạn mặn, với điều kiện tự nhiên mới. Phải nuôi những con vật, hoặc trồng các loại cây sống được ở nước mặn như cây bần.

Những cánh rừng bần trồng ven sông, biển không chỉ chống sạt lở, chống sụt lún, giảm hiệu ứng nhà kính mà còn tạo quần thể sinh học để người dân có thể sinh sống, nuôi trồng.

Họ có thể khai thác cây để làm giấy, quả bần làm thức ăn, rễ cây bần có thể nuôi thủy sản, cắt ra làm nút chai rượu vang”, Jang Kều chia sẻ.

Nhưng Jang Kều không dừng lại ở đó. Điều chị muốn hướng đến chính là gia tăng nhận thức ở cộng đồng “không khó khăn nhưng cũng đang sống không bền vững”.

“Họ là những người tiêu thụ nhiều nhất, gián tiếp hủy hoại thiên nhiên nhiều nhất”, Jang kều tâm sự. Đó là cả một hành trình rất dài ở phía trước.

Theo Nhịp cầu đầu tư