Khoảng 2 tháng trở lại đây, bộ phim Squid Game của Hàn Quốc đã tạo nên một cơn sốt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Cùng với điều này, các sản phẩm ăn theo như mặt nạ, đồ chơi, quần áo,... đều bị “thổi phồng” so với giá trị thật.
Đáng chú ý khi trong những phẩm ăn theo đó, có cả sự xuất hiện của những đồng “tiền ảo” có tên gọi là SQUID.
Theo nhà phát triển, SQUID là đồng tiền của dự án Squid game, một nền tảng kiếm tiền từ game.
Giải đấu trực tuyến dự kiến ra mắt vào tháng 11, mô phỏng 6 trò chơi trong bộ phim cùng tên.
Tuy nhiên, dự án không giống những gì chiếu trên phim là có sự chết chóc và không giới hạn giải thưởng cho người chiến thắng cuối cùng hay giới hạn người tham gia.
Thay vào đó, người chơi phải trả một mức giá đặt trước bằng thẻ Squid và NFT để tham gia.
Qua khảo sát, giải đấu có giá không hề rẻ, nếu người chơi muốn tham gia vòng cuối cùng sẽ phải trả 15.000 - 33.450 USD và mua NFT. Phí tham gia mỗi vòng sẽ được chia cho nhà phát triển (10%) và 90% cho giải thưởng.
“Vỡ nợ” khi đầu tư tiền ảo
Vào đầu tuần trước, tiền điện tử SQUID bắt đầu được mở bán từ 20/10 với mức giá chỉ 1 xu / mã.
Thế nhưng rất nhanh sau đó, giá đồng “tiền ảo” này đã tăng tới hàng trăm nghìn lần. Có những thời điểm, giá SQUID bị đẩy lên mức hơn 3.000 USD, tức là tăng gấp cả triệu lần so với giá bán gốc.
Trong khoảng 10 phút vào ngày 1.11, giá trị của mã thông báo đã tăng từ 628,33 USD lên 2.856,65 USD (theo CoinMarketCap). Và chỉ 5 phút sau, nó lao dốc thẳng đứng xuống còn 0,0007 USD.
Tuy vẫn cao hơn mức giá mở bán ban đầu, nhưng với việc giá đồng “tiền ảo” này đã giảm tới cả triệu lần, nhiều nhà đầu tư sẽ ở vào hoàn cảnh gần như mất trắng.
Theo BscScan, công cụ tìm kiếm và nền tảng phân tích blockchain, hơn 40.000 người vẫn giữ đồng SQUID sau cú sốc này.
Một trong số họ là John Lee, 30 tuổi, ở Manila. Anh đã đổ 1.000 USD vào đồng SQUID vì nghĩ rằng mã token này đã được ủy quyền bởi nền tảng Netflix.
Tuy nhiên, bà Sharon Chan - phát ngôn viên của Netflix từ chối bình luận về vấn đề này.
Cẩn trọng khi đầu tư tiền ảo
Lý giải nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của Squid vẫn chưa rõ ràng. Danh tính của đội ngũ phát triển hiện tại vẫn là một ẩn số.
Hiện tại trang web, mạng xã hội của đội ngũ phát triển đã không còn hoạt động và từ chối trả lời tin nhắn trực tiếp.
Có thể thấy đây là động thái đội ngũ đã từ bỏ dự án và phó mặc giá cả cho thị trường thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong bối cảnh nhiều người bỏ tiền mua SQUID ở mức giá cao và nay đã bị thua lỗ nặng.
Điều này làm giới đầu tư tiền điện tử dấy lên mối nghi ngờ rằng SQUID có phải là thứ mà Molly Jane Zuckerman - người đứng đầu bộ phận nội dung tại CoinMarketCap gọi là “Rug Pull" (Rút Thảm).
Vụ việc của token SQUID là điển hình cho mặt trái của thị trường tiền ảo, khi các dự án giống như những cuộc chơi tài chính, tăng trưởng phi mã nhưng cũng lao dốc rất nhanh.
Trong câu chuyện này, sẽ có những người đổi đời khi mua SQUID từ sớm và thoát tiền ra sớm.
Nhưng cũng sẽ những người mất trắng, thậm chí tán gia bại sản nếu bỏ tất cả vốn liếng vào những dự án kiểu như này.
Sự sụp đổ của SQUID làm lộ ra những lỗ hổng về quy định đối với tiền điện tử.
Các cơ quan Chính phủ và các công ty tư nhân vẫn còn lúng túng trong kiểm soát khoản đầu cơ chuộc lợi từ tiền điện tử diễn ra ngày càng phổ biến.
Bà Yousra Anwar - biên tập viên tại CoinMarketCap - cho biết các nhà phát triển tiền meme như SQUID hiếm khi tự lộ diện.
Nếu cơ quan cảnh sát nghi ngờ có hành vi vi phạm tài chính, họ có thể điều tra từ quốc gia này sang quốc gia khác, hoặc từ cơ quan quản lý này sang cơ quan quản lý khác.
Các nhà phát triển cố gắng giới hạn giao dịch bằng cơ chế “chống bán phá giá”. Bà Anwar cho biết các cơ chế như vậy nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ bán khống tiền điện tử.
"Bất kỳ ai cũng có thể tạo nên tên của mọi loại tiền điện tử bạn muốn. Vì vậy, điều quan trọng nhất ở đây là các nhà đầu tư phải tự trang bị kiến thức vững chắc cho mình", bà Anwar nhấn mạnh.
Đây cũng là lý do mà người đầu tư phải đặc biệt chú ý tìm hiểu kỹ về các dự án khi tham gia vào thị trường tiền mã hóa.
Chỉ nên đầu tư vào các dự án dài hạn với nền tảng kỹ thuật tốt, không nên chạy theo các trào lưu meme coin vốn thường xuyên được bơm thổi giá và chẳng có nhiều giá trị.
Vì vậy, điều thực sự quan trọng là các nhà đầu tư phải tự nghiên cứu thị trường, hạn chế tâm lý đám đông và đặc biệt phải trang bị cho mình một cái đầu lạnh mới có thể tồn tại lâu dài ở thị trường tiền ảo khắc nghiệt.
Ban biên tập Trends Việt Nam lược dịch từ The New York Times