Cuộc chiến so sánh Millennials (Gen Y) và Gen Z xem phía nào chuyên nghiệp hơn vẫn không ngừng.

Một bên là những người đi đầu cuộc cách mạng số. Một bên là thế hệ sinh ra giữa cuộc cách mạng số.

Một bên khai phá và làm chủ mạng xã hội. Một bên lớn lên với hai xã hội thật-ảo song song.

Một bên sở hữu kinh nghiệm với cách thức ứng xử trong môi trường công sở truyền thống ở Việt Nam. Một bên thử thách các thói quen ứng xử đó và hội nhập dễ dàng với các mô hình cấu trúc tổ chức toàn cầu.

Vậy thế hệ nào mới đại diện cho lực lượng lao động trẻ và chất lượng cao ở Việt Nam? Và có nhất thiết phải chia họ thành Millennials và Gen Z?

Millennials và Gen Z là những lực lượng lao động trẻ thế hệ mới tại Việt Nam Millennials và Gen Z là những lực lượng lao động trẻ thế hệ mới tại Việt Nam.

Millennials và Gen Z có nhiều điểm tương đồng.

Trong 10 năm làm việc trong tập đoàn đa quốc gia ở Thụy Điển, tôi không ít lần được dẫn dắt các bạn trẻ Việt.

Nhìn chung, tôi thấy các bạn ở Việt Nam chủ động, đưa ra kế hoạch mạch lạc, chuyên nghiệp, phản hồi kịp thời. Đôi lúc các bạn cũng hoang mang trước thay đổi, thiếu kiên nhẫn khi phải làm quen với các mô hình tổ chức hay các quy trình quy củ.

Và tôi nhận ra, “các bạn” mà mình đang nói đến là cả Gen Z với Millennials! Tuy hình ảnh của hai thế hệ được khắc họa khác xa nhau trên truyền thông, trong thực tế họ lại có khá nhiều điểm tương đồng.

Millennials và Gen Z tạo nên bộ phận đông đảo nhất trong lực lượng lao động ở Việt Nam. Về hoàn cảnh, hai thế hệ này cùng đứng giữa bước chuyển từ mô hình tổ chức công ty truyền thống Việt Nam sang mô hình tổ chức toàn cầu, từ mô hình dự án cấp bậc (waterfall) sang mô hình linh hoạt (agile).

So với Waterfall, Agile là mô hình phẳng hơn, cho phép dự án phát triển song song và dễ chỉnh sửa giữa chừng. Điều này đòi hỏi các cá nhân phải biết hoạt động độc lập, song vẫn có thể làm việc và giao tiếp theo nhóm.

Thử thách của Millennials cũng là của Gen Z.

COVID-19 cũng đã giúp Millennials và Gen Z tìm được những điểm chung, bởi cả hai thế hệ đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trải qua đại dịch, họ buộc phải làm quen với sự bất ổn thường trực và sẵn sàng chuyển đổi trước bất kỳ làn sóng nào.

Cả hai thế hệ đều bắt nhịp và đánh giá cao xu thế làm việc tại nhà; hơn một nửa cũng mong muốn tiếp tục hình thức làm việc này kể cả khi đại dịch qua đi.

Họ kết nối và làm việc hiệu quả hơn qua các nền tảng trao đổi /lưu trữ trực tuyến.

Bên cạnh các yếu tố trên, hai thế hệ này, đặc biệt ở Việt Nam vẫn còn có những thiếu sót.

Theo khảo sát của Anphabe Việt Nam, thế hệ Z ở Việt Nam có khả năng chịu áp lực kém hơn hẳn so với các anh chị đi trước.

Dù thích học hỏi, khám phá nhưng họ ngại phê bình, không thoải mái khi có quá nhiều thay đổi. Cũng trong khảo sát này, Gen Z tự tin với các kỹ năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm, xây dựng mối quan hệ, nhưng lại thiếu tự tin ở các kỹ năng Anh ngữ, lãnh đạo hay thương lượng.

Hai thế hệ "về chung một nhà"

Gen Z và Millennials tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Sự tập hợp của cả hai mới là thế hệ lao động mà ta có thể đặt kỳ vọng để nâng cao giá trị nhân lực Việt.

Vì lý do này, tôi tin rằng họ xứng đáng có một "mái nhà chung" - một cái tên mới.

Deloitte gọi tập hợp này là “resilient generation — thế hệ phục hồi.” Họ là thế hệ có thể nhanh chóng phục hồi, đứng lên và giải quyết các vấn đề thế giới.

Còn tôi gọi họ là GenPRO — thế hệ chuyên nghiệp mới, với hy vọng vào thế hệ nhân lực được hoàn thiện từ thử thách và mang trong mình tất cả lợi thế của Millennials và Gen Z.

Sự chuyên nghiệp thường bị đánh đồng với trình độ cao. Sự chuyên nghiệp không nằm ở công việc bạn làm mà là cách bạn làm việc.

Chính vì thế, GenPRO là thế hệ bao gồm cả nhóm lao động văn phòng lẫn công nhân, nhóm nhân lực có trình độ cao lẫn nhóm phổ thông với kỹ năng cơ bản.

GenPRO cũng là thế hệ dung hoà được cả kỹ năng cứng lẫn mềm.

GenPro là thế hệ nhân lực mới hội tụ đầy đủ những lợi thế của Millennials và Gen Z. GenPro là thế hệ nhân lực chuyên nghiệp mới hội tụ đầy đủ những lợi thế của Millennials và Gen Z.

Đây là 6 điểm chung tôi thấy thế hệ chuyên nghiệp thường có:

1. Năng lực là khả năng tự học

Năng lực là yếu tố kiên quyết của một nhân sự chuyên nghiệp. Thế nhưng, có thể nói, đây là thời điểm khó đoán biết năng lực nào là cần thiết nhất nữa.

Công nghệ thay đổi nhanh đến nỗi năng lực duy nhất người ta còn chắc chắn là năng lực tự học. Để khi bản thân và công việc thấy cần, chúng ta sẵn sàng tiếp thu, học năng lực mới.

2. Kiến thức đến mọi lúc, từ mọi nơi, trên mọi nền tảng

GenPRO không chỉ hiểu được giá trị của kiến thức mà còn coi cơ hội được học là yếu tố quan trọng để lựa chọn nơi làm việc.

Thế nhưng kiến thức đến với GenPRO từ nhiều đường.

ATAWAD — học mọi lúc (anytime), mọi nơi (anywhere), trên mọi thiết bị (any devices) — là từ khóa trong đào tạo nhân lực kể cả từ trước cơn sóng COVID-19.

GenPRO kết nối internet trên thiết bị di động, và học trên Youtube hay podcast. Họ áp dụng hình thức học này nhiều hơn bất kỳ hoạt động truyền thống nào.

Ngoài ra, khi việc học trở nên linh hoạt với các module thông tin nhỏ và cách tiếp cận kiến thức thực tế hơn, GenPRO sẽ tận dụng khoảng thời gian trống và xen kẽ như trên đường về nhà, hay thời gian chờ đợi để học tập và trau dồi.

3. Luôn không ngừng tìm ra cách làm việc tối ưu

Riêng Gen Z xem việc linh hoạt về giờ giấc làm việc là một đòi hỏi chính đáng.

33% nói rằng họ sẽ không làm việc cho các công ty cứng nhắc về giờ giấc. Số khác khẳng định rằng họ chỉ làm việc tốt nhất khi được tự chủ về thời gian, cách thức và địa điểm làm việc.

Ngoài ra, GenPRO không xem việc có mặt ở văn phòng là một thước đo của sự tận tâm. Họ di chuyển linh hoạt hơn giữa nhiều địa điểm, nhưng ngược lại, bạn dễ dàng tiếp cận với họ hơn nhờ công nghệ.

null


GenPRO sẽ chọn cách giải quyết hiệu quả và có lợi ích bền vững, lâu dài thay vì chọn cách thức nhanh nhưng ngắn hạn.

4. Tôn trọng sự khác biệt

Millennials lẫn Gen Z đều nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường làm việc đa dạng.

Theo kết quả khảo sát của The Manifest năm 2020, 70% người được hỏi muốn tìm việc trong các công ty có sự đa dạng về văn hóa, giới, tuổi tác, cách nhìn…

Đây cũng là thời điểm của những chia rẽ sâu sắc về quan điểm và là giai đoạn các quan điểm về sắc tộc, bình đẳng giới, môi trường, chính trị, thậm chí cả y tế được đưa ra thảo luận rộng rãi và mạnh mẽ.

Chính vì thế, đây là giai đoạn mà sự đa dạng hoá trong môi trường công sở có điều kiện nở rộ hơn rất nhiều. GenPRO nhận thức được sự đa dạng này và nhận ra đây là thế mạnh của tập thể.

Họ đề cao sự tôn trọng, cẩn trọng trong giao tiếp để tránh gây tổn thương và cùng phát huy thế mạnh đó.

5. EQ được đề cao như IQ

Sự chuyên nghiệp thể hiện khi bạn làm việc và giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, đối thủ…

Chính cách bạn hiểu, đàm phán và giải quyết vấn đề với họ làm nên sự chuyên nghiệp của bạn.

EQ (trí tuệ cảm xúc) luôn nằm trong top các kỹ năng cần có trong công việc và được đánh giá cao như IQ.

Nhưng nếu IQ có thể được đánh giá nhanh chóng bằng một bài kiểm tra thì EQ chỉ có thể đánh giá được qua thời gian và có thể trau dồi để phát triển.

GenPRO được mong chờ là thế hệ có EQ cao: có thể hiểu, giao tiếp và thuyết phục được những người xung quanh. Đối với GenPRO, EQ là thứ duy nhất mà máy móc không thể thay thế được con người.

6. Tự tin trong từng bước đi

GenPRO được kỳ vọng là thế hệ có bước đi có thể cẩn trọng nhưng chắc chắn và tự tin.

Họ đánh giá tình hình, nội lực, đặt ra mục tiêu phù hợp và tự tin thực hiện các bước đến mục tiêu đó.

Cũng nhờ việc chứng kiến sự phát triển của công nghệ từ thời kỳ tiền internet đến những bước chuyển chóng mặt của công nghệ, GenPRO ở Việt Nam cũng được kỳ vọng là thế hệ tự tin chấp nhận thử thách mới, tự tin thay đổi, tự tin thử nghiệm hơn.

Theo Vietcetera