Vào tháng 7 năm 2021, Adecco Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát quy mô toàn quốc với chủ đề "Mô hình làm việc kết hợp, Đào tạo lại & Sức khỏe tâm thần: Góc nhìn từ mỗi thế hệ".
Cuộc khảo sát nhận được 650 câu trả lời từ mọi thế hệ trong đó có thế hệ Y và thế hệ X chiếm phần nhiều.
Hầu hết những người tham gia trả lời khảo sát đều đang làm việc tại các doanh nghiệp có dưới 1000 nhân sự trong nhiều ngành khác nhau.
Đại dịch này là thách thức để các doanh nghiệp tự tái tạo mình.
Tận dụng tối đa thời điểm này, doanh nghiệp vừa cần tập trung vào việc duy trì hoạt động vừa cần quan tâm đến nhân viên.
Andree Mangels, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam, nhấn mạnh, “Hiện nay là một thời kỳ bất ổn, đi kèm lo lắng, đối với tất cả chúng ta. Vì vậy, trong khi áp dụng các biện pháp cách ly và chuyển đổi sang mô hình làm việc lai, chúng ta cần thúc đẩy sự kết nối và đồng cảm giữa mọi người hơn bao giờ hết."
"Bằng việc đầu tư vào con người, người sử dụng lao động có thể đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang môi trường làm việc mới hậu COVID-19.
Cho dù đó là đầu tư vào đào tạo lại kỹ năng hay chế độ an sinh, thì những nỗ lực của doanh nghiệp sẽ cải thiện sự tương tác và hiệu suất làm việc của nhân viên, cũng như giữ chân nhân tài và xây dựng nên thương hiệu nhà tuyển dụng tiềm năng. Sau cùng, những điều này sẽ đảm bảo kết quả kinh doanh ổn định và lâu dài."
Những phát hiện thông qua cuộc khảo sát của Adecco Việt Nam:
- Hầu hết thế hệ Z đều muốn làm việc từ xa, tỷ lệ 50:50 là mong muốn thế Y và X. Chỉ 11% Thế hệ Baby Boomer muốn làm việc tại nhà hoàn toàn. Tuy nhiên, một phần ba trong số họ muốn làm việc ở nhà 75% số giờ làm việc, và một lượng phản hồi tương tự muốn quay lại văn phòng hoàn toàn.
- 5 thách thức lớn nhất khi làm việc từ xa đối với mọi thế hệ là “Các vấn đề về làm việc nhóm và giao tiếp” (57,1%), “Các yếu tố gây phân tâm ở nhà” (48,5%), “Duy trì sự tương tác/động lực của tập thể” (46,2%), “Không gian làm việc thực tế” (44,2%) và “Cách ly xã hội” (38,8%).
- Yếu tố được mong đợi nhất là phụ cấp tiền điện hoặc điện thoại hàng tháng là 64,3% Thế hệ Z, 54,8% Thế hệ Y, 57,7% Thế hệ X và 77,8% đối với Baby Boomer.
Điều này dễ hiểu khi hơn 32% số người trả lời khảo sát gặp khó khăn về các chi phí hàng ngày khi làm tại nhà.
Các hỗ trợ khác như hoàn trả cho việc sắp xếp văn phòng tại nhà, duy trì giờ làm việc linh hoạt và hoạt động giao lưu trực tuyến với đồng nghiệp cũng được mong đợi.
- 96,6% người trả lời khảo sát sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đào tạo lại. Hình thức đào tạo trực tuyến, chiếm gần 50% sự lựa chọn. Ngoài ra, 40% người tham gia chọn cố vấn/huấn luyện cá nhân.
Thế nhưng các khóa học hoặc hình thức đào tạo trong lớp học không phải điều họ muốn nhất. Kết quả cho thấy hình thức được mong đợi nhất là đào tạo tại chỗ (56,6%) vốn được thực hiện thông qua các công việc thực tế.
Tính thực tế và ứng dụng vẫn được người lao động quan tâm nhất.
- Mặc dù được nhiều người lao động mong đợi, nhưng hiện chỉ có khoảng 18% doanh nghiệp cung cấp lộ trình đào tạo cá nhân hóa.
- Hơn 53,7% người tham gia chia sẻ họ cảm thấy “căng thẳng hơn” trong đợt bùng dịch gần nhất so với năm 2020. 5 yếu tố gây căng thẳng chính là sự an toàn trong thời điểm dịch, khả năng tài chính dài hạn, đảm bảo công việc và triển vọng nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần và thể chất, và tiếp nhận quá nhiều thông tin.
- Trong khi khoảng 80% nhân viên coi trọng sức khỏe tâm thần, gần 33% doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về khía cạnh này.
- Chính sách làm việc linh hoạt sự và cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống là hai yếu tố hỗ trợ sức khỏe tâm thần được yêu thích nhất.
- Khi được hỏi thế hệ nào bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh, mỗi thế hệ đều cho rằng đó là chính họ.
Andree Mangels giải thích, “Điều này chứng tỏ rằng, mặc dù sự khác biệt về thế hệ đóng vai trò quan trọng trong khi đối mặt với những trở ngại và rủi ro từ đại dịch, thì tác động bất lợi là điều có thể xảy ra với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.
Lưu tâm điều này để giao tiếp, tương tác và lãnh đạo nhân sự một cách bình đẳng và không tự đưa ra giả định là chìa khóa để doanh nghiệp giúp họ phát triển trong dịch bệnh và cả tương lai.”
Theo Doanhnhân+