NHỮNG THƯƠNG VỤ MỚI

Đầu tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng công bố 2 chương trình học bằng tú tài Mỹ tại Việt Nam. Có 2 cách thức tham giaL

- Học trực tiếp tại SNA Marianapolis - Biên Hòa Campus.

- Học trực tuyến theo giáo trình của Trường Providence Country Day (PCD), thành viên của Tổ chức Hudson Global Scholars, thuộc Quỹ Đầu tư Giáo dục Sterling Partners (Mỹ).

Đối với PCD, đây là chương trình Blended Learning (học trực tuyến có tương tác trực tiếp) kéo dài 2-3 năm. Học sinh sẽ tham gia chương trình học trực tuyến PCD sau giờ học chính quy tại các trường thuộc IEC Quảng Ngãi, UK Academy và iSchool dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên.

Nhiều tập đoàn đang rót vốn vào Ed Tech. Nhiều tập đoàn đang rót vốn vào Ed Tech.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Nguyễn Hoàng cho biết, trước sự hạn chế đi lại vì dịch COVID-19, Blended Learning là phương pháp giáo dục đang được ứng dụng rộng rãi. Vì thế, Tập đoàn đã mua bản quyền độc quyền chương trình của PCD nhằm phục vụ nhu cầu du học quốc tế tại chỗ của khách hàng ở Việt Nam.

Trước đó không lâu, Do Ventures và các nhà đầu tư khác cũng công bố khoản đầu tư trị giá 3 triệu USD vào Manabie, đơn vị giáo dục với khách hàng là học sinh cấp 3 đang vận hành 5 chi nhánh tại TP.HCM và ứng dụng di động cùng tên.

Mới đây, startup ELSA với Elsa Speak đã gọi vốn thành công vòng Series B với tổng số vốn lên đến 15 triệu USD. Đến thời điểm hiện tại, ELSA đã kêu gọi thành công 27 triệu USD vốn đầu tư.

Theo ông Takuya Homma, sáng lập Manabie, Ed-Tech ở Việt Nam rất hấp dẫn do đang ở giai đoạn sơ khai, còn nhiều dư địa để phát triển. “Người Việt rất coi trọng giáo dục khi chi tới 20% ngân sách gia đình để chi tiêu học tập cho con cái”, ông Homma nói.

Chính vì thế, không có gì lạ khi các công ty Ed-Tech, các giải pháp giáo dục trực tuyến được quan tâm đầu tiên trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Dù khá sôi nổi từ đầu năm nay nhưng phải nhìn nhận rằng các khoản đầu tư vào Ed-Tech ở Việt Nam đang đi xuống từ năm 2019. Từ con số 7 công ty nhận đầu tư với tổng giá trị hơn 18 triệu USD, đã giảm đột ngột còn 3 công ty với tổng giá trị chưa tới 1 triệu USD hồi cuối năm ngoái.

Nếu chú ý kỹ hơn, quy mô đầu tư Ed-Tech Việt Nam chạm đỉnh 50 triệu USD (Topica năm 2018) cũng đã giảm từ đó đến nay.

Thương vụ nổi bật nhất vào năm 2020 là Tập đoàn Galaxy đầu tư vào Hocmai. Đây là đơn vị cung cấp chương trình học trực tuyến cho học sinh phổ thông tại Việt Nam trên nền tảng website và ứng dụng di động. Hiện có 5 triệu học sinh đã và đang học website hocmai.vn và hơn 800.000 học sinh học trên ứng dụng.

“Bắt đầu từ cuối tháng 8, tốc độ tăng trưởng người dùng mới ở Học Mãi đã tăng gấp 2 đến 3 lần trước đó”, ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Hocmai, chia sẻ.

Tốc độ tăng trưởng của Ed Tech tăng dần vì COVID-19. Tốc độ tăng trưởng của Ed Tech tăng dần vì COVID-19.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Do Ventures, cho biết giáo dục trực tuyến ở Việt Nam vẫn là ngành được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhất là khi COVID-19 khiến nhu cầu học trực tuyến tăng vọt trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng chính vì COVID-19, việc đi lại giữa các quốc gia bị giới hạn làm nhà đầu tư nước ngoài không thể gặp trực tiếp các nhà khởi nghiệp. Điều này dẫn đến hạn chế trong việc ra quyết định đối với các khoản đầu tư có giá trị lớn.

Mặc dù vậy, năm 2021 cho thấy những dấu hiệu tích cực hơn vì chỉ mới tính 2 thương vụ đầu tư vào Elsa và Manabie, tổng giá trị đã gần bằng cả năm 2019. Do đó, giới đầu tư tin rằng tình hình sẽ được cải thiện khi dịch bệnh được kiểm soát.

BỨC TRANH ED-TECH Ở VIỆT NAM

Mô hình Ed-Tech bắt đầu manh nha ở Việt Nam từ năm 2006, với những cái tên đầu tiên tham gia là Delta Việt của Dream Viet Education - DVE (sau đổi tên thành Kyna), hocmai.vn, violet.vn, FUNiX (FPT)... Các khóa học thời đó chủ yếu là kỹ năng mềm cho sinh viên.

Sản phẩm được quay bằng máy quay phim, lưu lại trên máy chủ và phân phối qua nền tảng internet.

Tuy nhiên, do tính tự học của khách hàng không cao, thiếu các công cụ kết nối và hạn chế về nội dung do luật chưa cho phép cấp bằng online các chương trình đào tạo chính quy, nên các Ed-Tech bấy giờ chỉ quanh quẩn ở các vòng gọi vốn hạt giống hoặc tiền hạt giống.

Mô hình Ed-Tech bắt đầu manh nha ở Việt Nam từ năm 2006. Mô hình Ed-Tech bắt đầu manh nha ở Việt Nam từ năm 2006.

Topica, đơn vị Ed-Tech lập kỷ lục với vốn đầu tư 50 triệu USD ở Việt Nam, đã bứt phá khỏi top này bằng việc cung cấp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ cho các trường đại học có tiếng trong nước.

Tuy nhiên, mô hình Ed-Tech chưa có một hình mẫu chung về thành công trên thế giới và xu hướng đầu tư thay đổi liên tục. Lấy ví dụ năm 2013, mô hình khóa học trực tuyến đại học (MOOC) khá nổi bật với Coursera (Mỹ), từng được đem về Việt Nam với các đại diện như GiapSchool, FUNiX nhưng không phù hợp.

Chính vì thế, dù đạt một số thành công nhất định, Topica không thể làm mẫu số chung cho tất cả và từ đó đến nay nhiều Ed-Tech khác ra đời ở Việt Nam phục vụ các thị trường khác nhau.

Cụ thể, theo bà Uyên Vy của Do Ventures, có 4 mảng lớn trong Ed-Tech:
  • Nội dung (bài học ghi hình trước dưới dạng video hoặc ngân hàng đề thi).
  • Live-class (lớp học trực tuyến với giáo viên, có thể theo hình thức 1-1 hoặc theo nhóm).
  • O2O (mô hình online kết hợp với offline).
  • B2B (giải pháp quản lý quy trình cho các trường học hoặc cơ sở giáo dục).

Các công ty Ed-Tech đang đứng trước tiềm năng tiếp cận xấp xỉ 16 triệu học sinh cấp tiểu học/phổ thông và 1,7 triệu sinh viên đại học. Đối tượng khách hàng của Ed-Tech từ mẫu giáo cho đến người đi làm. 

Tuy nhiên, nhóm K-12, gồm sinh viên và người đi làm là nhóm sôi động nhất khi có đến 12 doanh nghiệp tham gia khai thác, gấp ít nhất 3 lần so với các nhóm khác.

Đây là nhóm có nhiều nhu cầu và nhiều nút thắt cần tháo gỡ nhất trên thị trường hiện nay nên các công ty phục vụ nhóm này với sản phẩm tốt sẽ có cơ hội được đầu tư, mua lại cao hơn Ed-Tech trong những lĩnh vực còn lại. Manabie, hocmai.vn là các ví dụ điển hình.

“Giai đoạn đầu Ed-Tech Việt Nam chủ yếu tập trung ở mảng nội dung và giờ đang dịch chuyển sang hướng live-class”, bà Uyên Vy nói.

Các mô hình Ed-Tech dù công nghệ hiện đại đến mấy cũng phải giải quyết bài toán offline. Các mô hình Ed-Tech dù công nghệ hiện đại đến mấy cũng phải giải quyết bài toán offline.


Lý giải phù hợp nhất cho xu hướng này là luật Việt Nam cho đến nay chưa vẫn có giải pháp công nhận bằng cấp từ học trực tuyến, việc cấp bằng vẫn phải qua các kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Chính vì thế, các mô hình Ed-Tech dù công nghệ hiện đại đến mấy cũng phải giải quyết bài toán offline, tức có nơi tương tác hay giáo viên kèm cặp như Manabie hay cách Nguyễn Hoàng làm với PCD, để học viên hoàn thành các kỳ thi quan trọng.

Để giải quyết bài toán mở rộng, nền tảng trực tuyến của các doanh nghiệp này được phát triển để phục vụ nhu cầu học ở các vùng xa, nơi có mức thu nhập thấp hơn nhưng vẫn muốn tiếp cận chương trình chất lượng ở các thành phố lớn.

Nhìn tổng thể, các doanh nghiệp Ed-Tech được dự đoán sẽ có xu hướng mở mạng lưới phòng học ở các thành phố lớn và đầu tư vào nền tảng trực tuyến để thu hút học viên ở xa.

Đồng quan điểm, ông Phạm Giang Linh của Hocmai cho rằng, 2 loại hình học offline và online sẽ bổ trợ rất tốt cho nhau để giúp người học dễ dàng và thuận tiện tiếp cận tri thức, thực hành và trao đổi học tập với những nguồn kiến thức chất lượng.

“Tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng việc đầu tư và phát triển các mô hình kết hợp sẽ diễn ra mạnh mẽ trong 3 năm tới, đặc biệt là trong mảng giáo dục tại các doanh nghiệp và ngoài nhà trường”, ông Linh nhận định.

Yola, sau khi nhận đầu tư từ Mekong Capital và Kaizen, đã đầu tư mạnh vào các mô hình học trực tuyến và mô hình O2O.

Bà Ngô Thùy Ngọc Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Yola, nhận xét các mô hình Ed-Tech ở Việt Nam trên thực tế vẫn phải bắt đầu từ việc giúp học sinh luyện thi tốt hơn, từ đó mới mở cánh cửa để tiếp cận phụ huynh và học sinh.

Việc khó nhất trong quá trình học tập cả trực tuyến và truyền thống là gợi sự tò mò và người học biết tìm ra giải pháp cho lĩnh vực mà họ quan tâm. Bên cạnh nội dung hấp dẫn, công nghệ là cách để tiếp cận nhu cầu này của người học và kết nối họ với những người cùng quan tâm.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng khi phụ huynh và học sinh hiểu được phương pháp đào tạo thì trực tuyến hay học truyền thống không còn là vấn đề”.

- bà Tú nói. Điều này cũng tạo ra động lực hợp tác đối với các Ed-tech chỉ thuần túy online và Kyna là một ví dụ điển hình.

Theo Ken Research, thị trường Ed-Tech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023. Theo Ken Research, thị trường Ed-Tech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023.


Về phía bà Hồ Hồng Bảo Trâm, đồng sáng lập hệ thống học trực tuyến Kyna, bà cho biết Công ty đang tìm kiếm hợp tác sở hữu mô hình đào tạo truyền thống trong thời gian tới.

Kyna khá thành công với giải pháp học tiếng Anh Kynaforkids trên ứng dụng di động và website được Financial Times và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vinh danh giải pháp sáng tạo trong ngành giáo dục và mô hình kinh doanh bền vững năm 2019.

Tương tự, ứng dụng dạy tiếng Anh Elsa trong thời gian qua cũng hợp tác với nhiều trung tâm giảng dạy tiếng Anh như Petunia English, Speak Up... Khi kinh tế toàn cầu hồi phục và các nhà đầu tư hy vọng sẽ đạt lợi nhuận cao hơn, nhiều lĩnh vực sẽ tăng trưởng nhanh trong năm nay.

Trong bối cảnh này, Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường Ed-Tech có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tỉ lệ lên tới 44,3% trong năm 2018.

Theo Ken Research, thị trường Ed-Tech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023. Với sự bùng nổ của internet và di động, Việt Nam được xem là một thị trường rất tiềm năng cho các mô hình Ed-Tech tại khu vực.

Ngoài các công ty trong nước, nhiều công ty nước ngoài cũng nhanh chóng nhận ra sự tiềm năng của Việt Nam. Một số cái tên lớn ở mảng Ed-Tech đã có mặt ở Việt Nam có thể kể đến Snapask, Duolingo, Elsa và Ruangguru.

Nhìn chung, các Ed-Tech ở Việt Nam vẫn liên tục tìm kiếm các mô hình phù hợp để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho giáo dục và học tập của người tiêu dùng Việt Nam. Cuộc tìm kiếm này cho đến nay vẫn chưa dừng lại.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư