Tỉnh Thái Nguyên đánh giá sự tăng trưởng công nghiệp 6 tháng đầu năm

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước

Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 6,5% của 6 tháng năm 2021 và 2,74% của 6 tháng năm 2020.

Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,25%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,51%, đóng góp 4,86 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 5,89%, đóng góp 1,85 điểm phần trăm.

Công nghệ chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng ngành công nghiệp

Theo đánh giá, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 của Thái Nguyên tiếp tục đạt được những kết quả khởi sắc, đạt 389.100 tỷ đồng, tăng 9,81% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,9%, tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung.

Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm như sau:

Điện thoại thông minh 48,6 triệu cái, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; camera truyền hình 41,7 triệu cái, tăng 25,7%; máy tính bảng 4,2 triệu cái, giảm 18%; tai nghe 30,6 triệu cái, tăng 23,4%; sản phẩm may 45,6 triệu cái, tăng 21,8%; xi măng 1,38 triệu tấn, tăng 3%...

Một số dự án công nghiệp lớn trong năm 2022

Samsung tăng vốn đầu tư 920 triệu USD

Gần đây nhất, việc tăng vốn 920 triệu USD của Samsung tại nhà máy SEMV đã khiến tổng vốn đầu tư của Samsung tại Thái Nguyên đạt gần 7,3 tỷ USD.

Sự hiện diện của Samsung tại Thái Nguyên đã kéo theo nhiều nhà đầu tư nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo nên một dòng vốn FDI lớn chưa từng có tại đây.

Một góc tổ hợp sản xuất Samsung tại khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Một góc tổ hợp sản xuất Samsung tại khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Trong giai đoạn tiếp theo, Samsung cùng các doanh nghiệp FDI vệ tinh tiếp tục có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tại Thái Nguyên.

Đặc biệt, kể từ khi Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2014, hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên đã tăng mạnh từ vài trăm triệu USD/năm lên hàng chục tỷ USD.

Điều này giúp Thái Nguyên ngoạn mục liên tục lọt top các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Năm 2021, mặc dù Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tổng giá trị xuất khẩu của Thái Nguyên đạt gần 29 tỷ USD, đứng thứ tư cả nước.

Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Dương

Mới đây, tại xã Tân Dương, UBND huyện Định Hóa phối hợp với Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco tổ chức Hội nghị triển khai công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Dương.

Đồng chí Lý Văn Thắng, Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Lý Văn Thắng, Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu tại hội nghị.

Dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Tân Dương được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 4022 ngày 16/12/2021.

Dự án do Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco làm chủ đầu tư, với diện tích 13 ha.

Tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Dương là trên 139 tỷ đồng, gồm các hạng mục:

San nền, đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, rác thải...

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024.

Sau khi hạ tầng Cụm công nghiệp được hoàn thiện, Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco sẽ tiến hành đầu tư xây dựng 1 nhà máy may tại đây, dự kiến thu hút khoảng 4.500 lao động.

Ngoài ra, Cụm công nghiệp cũng sẽ thu hút các dự án chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Cấp phép đầu tư mới cho 11 dự án vào các khu công nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 11 dự án được cấp phép đầu tư mới vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Trong số đó, 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư 319,5 triệu USD và 7 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.063,5 tỷ đồng.

Trong số 11 dự án được cấp phép đầu tư mới, Dự án sản xuất thanh silic và tấm silic đơn tinh thể của Công ty TNHH Trina Solar Wafer (Trung Quốc) tại KCN Yên Bình có số vốn đầu tư lớn nhất với 275 triệu USD (tương đương gần 4.000 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, dự án này sẽ được khởi công ngay trong tháng 7.

Ngoài ra, một số dự án được cấp phép đầu tư mới có số vốn đăng ký đầu tư lớn, như:

Dự án Dowooinsys tại KCN Sông Công II với số vốn 30 triệu USD; Dự án Nhà máy Sunny Infared Việt Nam tại KCN Điềm Thụy với 9,5 triệu USD; Dự án Trung tâm dịch vụ KCN Điềm Thụy là 520 tỷ đồng…

KCN Điềm Thụy (Phú Bình) hiện cơ bản được lấp đầy với 99 dự án đã được cấp phép đầu tư.
KCN Điềm Thụy (Phú Bình) hiện cơ bản được lấp đầy với 99 dự án đã được cấp phép đầu tư.

Như vậy, tính đến thời điểm này, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 271 dự án đầu tư, trong đó có 134 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 10,4 tỷ USD và 137 dự án DDI với tổng số vốn trên 17.587 tỷ đồng.

3 động lực chính khiến tăng trưởng công nghiệp đạt kết quả tích cực

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, tăng trưởng công nghiệp của tỉnh 6 tháng qua kết quả tích cực nhờ vào 3 động lực:

Thứ nhất, Thái Nguyên là một trong những địa phương có nền tảng công nghiệp phát triển, được đánh giá là “cái nôi” của ngành công nghiệp cả nước.

Nơi đây, với khoảng hơn 8.000 công ty sản xuất, trong đó hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp.

Đây chính là tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp có sự tăng trưởng tốt.

Thứ hai, nhờ thực hiện chính sách thích ứng linh hoạt của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua đã được kiểm soát hiệu quả.

Từ đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, tỉnh đã thực hiện rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, hàng tuần, hàng tháng, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện mô hình "Cà phê doanh nhân".

Tại đây, lãnh đạo địa phương sẽ giải đáp những thắc mắc và trao đổi tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bá Chính (bên trái) - Giám đốc Sở Công Thương.
Ông Nguyễn Bá Chính (bên trái) - Giám đốc Sở Công Thương.

Thái Nguyên sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Nhận định về những khó khăn trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho rằng:

Các doanh nghiệp đang đối diện với nhiều ảnh hưởng khi tình hình thế giới biến động, giá nguyên, vật liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Mặt khác, số lượng lao động sản xuất công nghiệp, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm ngoái, số lao động đã giảm hơn 11.000 lao động so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tại Hội Nghị xúc tiến đầu tư tháng 6/2022 với 6 cam kết tỉnh Thái Nguyên với các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tại Hội Nghị xúc tiến đầu tư tháng 6/2022 với 6 cam kết tỉnh Thái Nguyên với các nhà đầu tư.

Để hoàn thành mục tiêu về tăng trưởng sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Bá Chính cho biết:

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp chung liên quan đến cơ chế chính sách, đất đai... Thái Nguyên sẽ tiếp tục làm việc với từng khu vực doanh nghiệp cụ thể và cả những doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn.

Qua đó, đánh giá khu vực doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn ở lĩnh vực gì để có hướng tháo gỡ đúng và trúng, kịp thời với nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp của địa phương.