Theo tổ chức huấn luyện - đào tạo Dale Carnegie, văn hóa doanh nghiệp là những định hướng tư duy cốt lõi dẫn dắt các quyết định và hành vi của nhân viên mỗi ngày.
Văn hoá doanh nghiệp cũng giúp định hình cách nhân viên nhìn nhận về bản thân trong tổ chức, mô tả được mục đích tồn tại của công ty, hiểu biết tổng thể về tình hình kinh doanh của công ty, cách họ tương tác với khách hàng, làm việc với các bên liên quan.
Văn hóa doanh nghiệp: Yếu tố quan trọng trong sự phát triển của tổ chức
Trong một nghiên cứu của Dale Carnegie Việt Nam, có đến 92% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng văn hóa có tác động lớn đến kết quả tài chính hoặc văn hóa là yếu tố rất quan trọng để đạt được mục tiêu tài chính.
Ngoài ra, nghiên cứu từ lâu cũng đã chứng minh liên hệ giữa các nền văn hóa mạnh mẽ và tỷ lệ nhân viên nghỉ việc thấp.
Văn hóa có vai trò quan trọng nhưng việc tạo ra và duy trì một nền văn hóa thống nhất, tích cực trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang phát triển nhanh chóng không phải là điều dễ dàng.
Theo bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – Chủ tịch, Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam, các yếu tố đang sôi động hiện nay như cuộc cách mạng 4.0 hay M&A dễ đặt doanh nghiệp vào thế khó trong việc xây dựng văn hóa nội bộ mới.
"Các doanh nghiệp trung thành với những cách thức xây dựng văn hóa cũ mà thời đại này thì công nghệ phát triển, nhân viên phải thao tác trên nền tảng công nghệ 4.0, họ sẽ bị hoang mang.
Nếu không có sự chuẩn bị thì công cuộc chuyển đổi trong công ty khó khăn. Do mọi thứ tốt nhưng văn hóa không phù hợp thì khó có thể vận hành".
Hội nhập quốc tế, tăng trưởng nhanh, ứng dụng công nghệ mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều cạnh tranh, thách thức nếu không xây dựng và phát triển đội ngũ hiệu quả, bền vững.
Rào cản trong xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh
Ngoài những thành công trong quá khứ trở thành rào cản cho sự thay đổi văn hóa, có một số xu hướng tại nơi làm việc đang nổi lên khiến việc xây dựng và duy trì một nền văn hóa vững mạnh trong môi trường ngày nay càng trở nên khó khăn hơn.
Trong một nghiên cứu của tổ chức Dale Carnegie về cách các nhà lãnh đạo cấp cao tạo ra văn hóa nơi làm việc, những người được hỏi đã xác định một số cản trở chính ảnh hưởng đến sự thành công của họ trong việc tạo ra một nền văn hóa mạnh bao gồm:
1. Áp lực tăng năng suất
Mặc dù tăng năng suất là một trong những kết quả mong đợi của một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh, nhưng áp lực mà nó gây ra cho các nhà quản lý và nhân viên cũng có thể cản trở việc duy trì một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ.
Các lãnh đạo cấp cao cho biết áp lực tăng năng suất là thách thức hàng đầu đối với việc tạo ra và duy trì văn hóa công ty tích cực.
Việc gia tăng hiệu suất làm việc khiến họ lo lắng nhân viên bị quá tải, từ đó dẫn đến sự thiếu cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cũng như mất đi niềm vui trong công việc hằng ngày.
2. Lực lượng lao động phân tán, manh mún hơn
Văn hóa bắt nguồn từ việc học tập được chia sẻ, nhưng trong nhiều tổ chức, các điều kiện đã thay đổi theo hướng làm giảm các tương tác của con người cần thiết cho việc học tập chia sẻ.
Nhiều tương tác và mối quan hệ làm việc hiện chỉ là thoáng qua (như với các nhóm đặc biệt và nhân viên hợp đồng).
Ngoài ra, sự gia tăng nhân viên từ xa trong cuộc khủng hoảng COVID-19 dẫn đến ít cơ hội tương tác trực tiếp, từ đó gây khó khăn trong việc tạo niềm tin và gắn kết đội ngũ.
Sự khác biệt trong cách mọi người suy nghĩ và hành xử dựa trên nền văn hóa xã hội của họ cũng làm phức tạp thêm việc quản lý văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là đối với nhân viên làm việc trên các múi giờ toàn cầu.
3. Tính minh bạch tại nơi làm việc
Sự minh bạch sẽ giúp xây dựng niềm tin giữa các cá nhân với nhau.
Tuy nhiên, không phải vấn đề gì cũng có thể chia sẻ được, ví dụ như lương thưởng của người lao động.
Làm sao vừa bảo vệ được tính riêng tư, nhưng lại không khiến nội bộ nghi kỵ sẽ là điều mà mỗi nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải tư duy.
Ngày nay, nhận thức của nhân viên về công ty mà họ làm việc không chỉ được hình thành bởi các thông điệp từ các nguồn nội bộ.
Thông tin khó kiểm soát về hình ảnh và thông điệp của công ty từ các diễn đàn bên ngoài như GlassDoor và LinkedIn cũng phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của nhân viên về doanh nghiệp.
4. Tích hợp văn hóa khi sáp nhập và mua lại
Xây dựng được một nền văn hóa thống nhất đã là một thách thức.
Tích hợp nhiều nền văn hóa sau khi thực hiện sáp nhập và mua lại còn đưa nó lên một cấp độ cao hơn.
Khi nhiều nền văn hóa kết hợp với nhau, chúng có thể hợp nhất, đan xen cùng tồn tại hoặc một nền văn hóa sẽ có ưu thế hơn.
Các nhà lãnh đạo cấp cao của các công ty nền văn hóa đặc biệt thành công (CC - Culture Champion) bày tỏ sự lo ngại hơn về thách thức hội nhập văn hóa sau khi sáp nhập hoặc mua lại so với các nhà lãnh đạo khác (38% so với 28%). (Nguồn: Nghiên cứu VHDN của Dale Carnegie Việt Nam).
Trước những thách thức trên, doanh nghiệp sẽ cần có một lộ trình phát triển bài bản để có thể xây dựng và duy trì một nền văn hóa thống nhất và tích cực cho toàn tổ chức.