Tham vọng về hình thức thanh toán hoàn toàn phi vật lý
Dù thanh toán bằng thẻ, internet banking hay ví điện tử đã được coi là bước tiến lớn trong công nghệ thanh toán so với tiền mặt, nhưng những phương pháp này vẫn cần đến các sản phẩm vật lý như thiết bị di động hay thẻ ATM.
Công nghệ thanh toán bằng gương mặt ra đời để khắc phục nhược điểm này của những hình thức thanh toán phổ biến hiện nay. Người tiêu dùng không cần phải mang ví hoặc sử dụng điện thoại mà vẫn có thể trả tiền.
Để đảm bảo an toàn trong đại dịch hiện tại, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng. Điều này khiến công nghệ thanh toán bằng khuôn mặt chưa phát huy được tối đa tính tiện lợi của nó.
Tuy nhiên, trong tương lai khi dịch bệnh được dập tắt, phương thức thanh toán này sẽ cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm thú vị và tiện ích.
Hệ thống thanh toán nhận dạng khuôn mặt tại Nga
Nhóm X5 gồm các nhà bán lẻ thực phẩm hàng đầu tại Nga đã triển khai hệ thống thanh toán nhận dạng khuôn mặt từ tháng 3 năm nay. Nhóm này đã phối hợp với hệ thống thanh toán Visa và ngân hàng Sberbank để đưa công nghệ này vào sử dụng.
X5 đặt mục tiêu triển khai hệ thống thanh toán nhận diện khuôn mặt tại khoảng 3.000 cửa hàng trên khắp nước Nga trước cuối năm 2021 và trước mắt đã ứng dụng tại 150 siêu thị tính đến hết tháng Ba.
Theo khảo sát, dịch vụ này được nhiều khách hàng trẻ tuổi ủng hộ. Một người tiêu dùng 28 tuổi tại nước này bày tỏ rằng đây là điều tuyệt vời vì thế kỷ 21 là kỷ nguyên của công nghệ.
Hệ thống này cũng đặc biệt an toàn do nó đảm bảo các giao dịch nhận diện bằng khuôn mặt đều được mã hóa và bảo vệ, và camera 3D đo chiều sâu khuôn mặt người dùng có thể ngăn chặn việc đánh cắp nhận dạng.
Nhà bán lẻ Việt bắt kịp xu thế
Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 đã bắt tay với Wee Digital - một startup công nghệ non trẻ để triển khai thanh toán bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt (FacePay).
Theo ông Mai Thuỵ Nhân, giám đốc điều hành GS25, sự đơn giản và tiện lợi nếu được đặt lên hàng đầu sẽ trở thành lợi thế cho mỗi chuỗi bán lẻ mà mô hình cửa hàng tiện lợi (CVS) có GS25 đang hoạt động là một ví dụ.
Ông cho biết GS25 ưu tiên áp dụng phương pháp thanh toán mới vừa tiện lợi, lại có thể thoả mãn trí tò mò của người dùng.
“Thật ra, trải nghiệm khách hàng tốt chắc chắn sẽ mang về doanh thu khi được thích, họ sẽ quay trở lại.
Tôi tin, trong 3-5 năm tới, mọi người Việt Nam không chỉ biết mà còn quen thuộc với mô hình CVS và nếu bắt đầu áp dụng công nghệ thanh toán bằng khuôn mặt để “chạy đà” với 35 cửa hàng đầu tiên từ bây giờ, chúng tôi cần khoảng 3 năm để khách hàng thích nghi và thường xuyên sử dụng”.
Phía đối tác Wee Digital của GS25 cũng đặt niềm tin vào việc nghệ sinh trắc học sẽ mang lại tính cá nhân hoá trong cuộc sống.
Kế hoạch của Wee và GS25 là cùng chạy đà trong 1 năm tới, đặt những nền tảng đầu tiên cho thanh toán qua công nghệ nhận diện khuôn mặt tại Việt Nam và khiến nó trở nên phổ biến vào khoảng 3 năm tới.
Christian Nguyễn, nhà sáng lập/CEO Wee Digital chia sẻ:
“Khách hàng đủ thông minh để biết quyền lợi mình ở đâu nên chúng tôi sẽ không theo con đường câu kéo họ sử dụng dịch vụ này bằng cách chi tiền khuyến mại, mà phải cung cấp đúng giá trị gia tăng mà họ có nhu cầu.
Sau GS25, Wee sẽ công bố hợp tác với từ 4-5 chuỗi bán lẻ khác vì công nghệ này không chỉ giải quyết mục đích thanh tóan mà còn là trợ lực trong bài toán vận hành trong chuỗi giá trị trở nên tối ưu hơn”.
Ban biên tập Trends Việt Nam