Cụ thể, từ một cựu thủ lĩnh Hội Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó là đảm nhận vị trí trưởng phòng truyền thông – tổ chức sự kiện của Đại học Quốc gia Hà Nội, và rồi Anh Trần Linh Sơn đã trở thành CEO một doanh nghiệp truyền thông có tiếng.
Hàng loạt các sự kiện đình đám của anh được thai nghén và hình thành như:
iSing, iDance, và đặc biệt là Cuộc thi iMiss Thăng Long, tạo ra được sân chơi sắc đẹp lớn và hoành tráng cho các bạn nữ sinh của thủ đô Hà Nội.
Công ty đầu tiên của anh Sơn được thành lập vào năm 2010 mang tên Công ty Cổ phần Truyền thông Giang Sơn (Giang Son Media).
Cho đến nay Giang Son Media vẫn là công ty nổi bật trong ngành tổ chức sự kiện cho giới trẻ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Không chỉ cho ra đời những cuộc thi lớn tại Thủ đô, CEO Trần Linh Sơn còn xây dựng và thực hiện rất nhiều sự kiện, chương trình từ Bắc vào Nam.
Tất cả đều mang màu sắc rất riêng của anh.
Sau hành trình gắn bó với ngành tổ chức sự kiện, gần đây, anh đã có một hành trình mới mang tính đột phá với dự án “Amazing Mèo Vạc”.
Đây là dự án hứa hẹn sẽ đem đến những dịch vụ, trải nghiệm độc đáo, khó quên cho du khách khi đến mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang.
Trends Việt Nam đã có buổi trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ của CEO Trần Linh Sơn về hành trình “bỏ phố lên núi” này.
Bắt đầu từ nguồn cảm hứng đến những nhận định về tiềm năng, khó khăn của vùng Mèo Vạc và hướng phát triển của anh trong tương lai.
Nguồn cảm hứng và cơ duyên nào để anh hình thành ý tưởng xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng Amazing Mèo Vạc?
Cách đây tầm 10 năm, tôi có cơ hội đến Mèo Vạc để làm công tác an sinh xã hội cho huyện.
Dù đã đi rất nhiều nơi trong và ngoài nước nhưng cảnh quan hùng vĩ nơi đây đã khiến tôi phải trầm trồ.
Những cung đường thực sự khiến tôi và những người bạn nước ngoài phải thốt lên “Amazing".
Và đó cũng là lý do tôi đặt cái tên “Amazing Mèo Vạc".
Đồng thời, tôi kỳ vọng có thể lưu giữ tính nguyên bản của không gian cộng đồng của dân tộc Mông, từ mô hình nhà đến cách sinh hoạt.
Tôi thấy đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu thốn nguồn nước sinh hoạt.
Đây là điều cần phải cải thiện để đảm bảo nhu cầu cuộc sống của người dân cũng như đáp ứng điều kiện cơ sở hạ tầng để trở thành một điểm du lịch hút khách.
Dù kỳ vọng sẽ thay đổi nhiều mặt cũng như mong bà con nơi đây có thể tham gia làm du lịch, nhưng tôi luôn mong muốn và tuyên truyền cho bà con lưu giữ những văn hóa truyền thống, những bản sắc riêng của văn hóa vùng cao.
Anh nghĩ lý do tại sao dù đầy tiềm năng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa truyền thống đặc sắc nhưng mãi đến bây giờ, Mèo Vạc vẫn chưa có cơ hội để phát triển du lịch xứng tầm?
Để giải thích cho vấn đề này, tôi nghĩ có 3 yếu tố cơ bản:
- Vị trí địa lý;
- Chất lượng cuộc sống người dân;
- Nhà đầu tư.
- Thứ nhất là Mèo Vạc rất xa.
Mèo Vạc đang là điểm xa nhất và là điểm dừng chân cuối cùng khi đến du lịch Hà Giang.
Hiện nay Ban Lãnh đạo huyện cũng đang có những quy hoạch xây dựng đường từ Cao Bằng, tạo điều kiện cho khách du lịch có nhiều hướng đi hơn.
Theo quy hoạch, từ Bắc Cạn - Cao Bằng là có thể đến được Mèo Vạc, sau đó mới đến Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, rồi đến Thành phố Hà Giang về Hà Nội.
Khi đó, Mèo Vạc sẽ là điểm đến đầu tiên khi đến Hà Giang.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy để khắc phục yếu tố này sẽ cần khá nhiều thời gian.
Vì vậy, chính quyền địa phương cũng đã nâng cấp và cải thiện đường sá hiện tại để đáp ứng yêu cầu cơ bản về du lịch hiện nay.
Có thể thấy, những cung đường đã được mở rộng và làm đẹp hơn, hỗ trợ cho khách du lịch đi lại cho thuận tiện.
- Thứ hai là điều kiện, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Người dân nơi đây chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức bài bản về việc làm du lịch.
Huyện Mèo Vạc cũng đã nhận thấy điều này và đang tìm cách để bổ sung kiến thức cho người dân cũng như làm sao để lưu giữ những văn hóa gốc của người đồng bào.
Đặc biệt là, huyện có đến 17 dân tộc tương đương với 17 xã và 1 thị trấn.
Đây là một điểm tương đồng đặc sắc đính kèm với nền văn hóa đa dạng màu sắc.
Nổi bật là 2 dân tộc Mông và Lô Lô, chiếm nhiều màu sắc hiếm có.
“Mèo Vạc Amazing” cũng đang tư vấn để tổ chức các chương trình bảo tồn văn hóa hàng tuần, hằng tháng, bao gồm:
Các chương trình văn nghệ truyền thống, các chương trình giao lưu văn hóa như cách làm vải lanh,...
- Thứ ba là về các nhà đầu tư.
Có thể các nhà đầu tư chưa thấy được tiềm năng của Mèo Vạc.
Nhưng tương lai khi Mèo Vạc làm du lịch một cách bài bản hơn thì đây là nơi sẽ trở thành xu thế và thu hút nhiều nhà đầu tư trong tương lai.
Anh có thể chia sẻ những công việc hiện tại anh đang thực hiện tại Mèo Vạc.
Thứ nhất, Amazing Mèo Vạc đang nhận lại các không gian cộng đồng, để duy trì, bảo tồn và phát huy các “giá trị thực" của chúng.
Thứ hai, Amazing Mèo Vạc còn xây dựng thêm các Tour trải nghiệm và các tuyến mới, tăng cường trải nghiệm của khách du lịch, cụ thể như:
- Tour trải nghiệm: Đi thăm các Hợp tác xã làm mật ong bạc hà rất nổi tiếng nơi đây, các khu chăn nuôi dê, lợn đen Lũng Pù rất hiếm,…
- Tuyến mới (những Tour địa phương chưa khai thác): Khám phá hố sụt, hang động tại Mèo Vạc,…
Thứ ba, Amazing Mèo Vạc cũng đang xây dựng nhiều kênh thông tin cho khách du lịch dễ dàng tiếp cận, chi tiết về hướng đi và cách đi.
Khai thác tốt các thông tin và nâng cấp hình thức tuyên truyền cũng như về mặt nội dung là điều mà Amazing Mèo Vạc hướng tới.
Làm sao để quảng bá được Mèo Vạc mang đầy đủ các “giá trị thực" và gần gũi đến với đông đảo khách du lịch.
Thứ tư, chúng tôi cũng tổ chức cũng xúc tiến và kết hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động an sinh, các công trình, hỗ trợ cho người dân.
Ví như việc chúng tôi phủ hệ thống bếp cấp nước nóng ủ trấu ở nhiều điểm trường để đáp ứng điều kiện sinh hoạt của các em học sinh trong mùa lạnh tới đây.
Theo thực tế, anh nhận định lượng khách và đối tượng khách hàng của “Amazing Mèo Vạc” như thế nào?
Lượng khách đến với Mèo Vạc khá lớn, bao gồm cả khách nội địa và người nước ngoài.
- Trong đó, người nước ngoài chiếm tầm 20-30%.
- Đặc biệt là, trong số các khách nội địa thì có đến 60-70% là người miền Nam.
Đa số khách du lịch đến với Mèo Vạc là những người trẻ, đam mê trải nghiệm đa dạng về những màu sắc dân tộc, khám phá, chinh phục những cung đường, những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Tuy nhiên, cũng có một số khách du lịch lớn tuổi, mong muốn trải nghiệm với thời gian đi kéo dài hơn và khám phá chậm rãi hơn.
Hiện nay, Tour trải nghiệm phổ biến là 3 ngày. Hoặc có thể sử dụng Tour 4 ngày để có thể “thưởng ngoạn" một cách sâu sắc hơn.
Thật không ngoa khi nói Hà Giang là địa điểm xứng đáng để chinh phục.
Nhiều bạn trẻ đi một lần sau đó quay lại để tiếp tục khám phá thêm vì nơi đây không thể đi một lần mà có thể chinh phục hết được.
Anh đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch núi và du lịch đá tại Việt Nam?
Năm 2014 và năm 2019, UNESCO đã tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015-2018 và giai đoạn 2019-2022.
Công viên địa chất này gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Đây là cơ hội cho cả tỉnh Hà Giang để thúc đẩy du lịch.
Đồng thời, đây cũng là thách thức của chính quyền địa phương và người dân để giữ gìn gốc gác, màu sắc của cao nguyên đá.
Theo đó, chính quyền đang định vị các bản sắc và cũng có những chính sách tuyên truyền, tư vấn cho người dân gìn giữ các nét văn hóa như bờ rào đá hay mái ngói âm dương.
Nói riêng về Mèo Vạc, các hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch cần được khai thác những điểm mới như:
Các điểm trải nghiệm ở hang động, dòng sông Nho Quế 2, Nho Quế 3, các điểm trải nghiệm ở trang trại làm mật ong bạc hà, rượu ngô men lá,...
Hiện nay, Amazing Mèo Vạc đã lên kế hoạch đưa các điểm du lịch mới vào các Tour trải nghiệm và tăng cường trải nghiệm du lịch của khách du lịch khi đến với Mèo Vạc.
Lời kết
Có thể thấy, dự án “Amazing Mèo Vạc” không đơn giản là một dự án du lịch mà còn là lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của người đồng bào tại Hà Giang và lan tỏa nét đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa của mảnh đất hùng vĩ này.
Đây là một dự án “bỏ phố lên núi” đầy nhiệt huyết và tiềm năng của CEO Trần Linh Sơn.
Việt Nam cần nhiều người tài có hướng đi nhân văn, đồng hành cùng người dân phát triển những vùng đất đầy tiềm năng như thế này.