Quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền mà bất kỳ ai sinh ra trên thế giới này cũng được sở hữu nó.
Tuy nhiên, xã hội có quá nhiều những xung đột và khổ đau.
Điều này khiến nhiều người chưa tìm thấy được hạnh phúc.
Đối với họ, hạnh phúc là một điều quá xa tầm với.
Cho đến nay, hạnh phúc vẫn luôn là một phạm trù gây nhiều tranh cãi, cả trong thế giới “siêu giàu".
Đọc thêm: Cuộc chiến thượng lưu giàu có và hạnh phúc trong đời sống và kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế hạnh phúc đôi khi là những điều gì đó hết sức giản đơn.
Những gì con người cần đôi khi chỉ là một điệu nhảy, một bài hát, một cảm xúc thấy mình đang vui vẻ, phấn khích. hạnh phúc.
Điều quan trọng là những giây phút đó sẽ được ôm trọn trong 24 giờ tương ứng với một ngày trôi qua.
Để mọi người được thúc đẩy trở về với bản năng ấy trong mình và hạnh phúc sẽ lan toả khắp nơi.
Đó là ý tưởng cho sự ra đời “24 Hours of Happy”.
iamOTHER - “24 Hours of Happy”: Chiến dịch giúp Pharrell Williams lan toả “hạnh phúc” toàn cầu
Chiến dịch “24 Hours of Happy” (tháng 11/2013) đã truyền cảm hứng và niềm vui cho rất nhiều người trên thế giới.
Với sự tham gia của hàng ngàn dancer không chuyên hoà theo nhịp điệu sôi động của bài hát “Happy” trong suốt một ngày dài.
Iconoclast Paris mong muốn tạo ra một trải nghiệm thực sự ấn tượng trên internet, giúp người nghe hoà chung một nhịp điệu hạnh phúc với 300 người mỗi ngày.
Điệu nhảy hạnh phúc sẽ lan toả khắp mọi nơi, diễn ra mọi lúc và mang hạnh phúc đến với tất cả mọi người.
Chiến dịch “24 Hours of Happy” (Tạm dịch: 24 giờ hạnh phúc) có 2 mục tiêu chính như sau:
- Thúc đẩy doanh số bán đĩa.
- Kết nối với cộng đồng người hâm mộ bằng việc tạo ra một trải nghiệm trực tuyến thật sự ấn tượng.
Toàn bộ chiến dịch xoay quanh trọng tâm là một video âm nhạc có thời lượng lên đến 24 giờ được phát trực tuyến trên website 24hoursofhappy.com.
Thiết kế website này rất đơn giản – một trang chủ duy nhất mang hình ảnh chiếc đồng hồ giả lập chia thành từng khoảnh khắc trong ngày.
Với mỗi một click của người dùng lên từng vạch nhỏ trên chiếc đồng hồ giả lập này, video sẽ chạy ở đúng thời điểm đó, mang theo hình ảnh một người hoặc một nhóm người đang nhảy trên nền nhạc “Happy” của Pharrell Williams.
Chiến dịch đã mang về cho 1 giải Grand Prix và 1 giải Gold của Cannes Lions 2014 cho hạng mục Cyber.
Bên cạnh đó, chiến dịch này còn có những kết quả thật ấn tượng như sau:
- Hashtag #HappyDay và những hashtag có liên quan đã được sử dụng trên 70.000 tweets của 20.000 người dùng chỉ trong 36 tiếng sau khi ra mắt, đem lại tổng cộng hơn 211 triệu impressions cho chiến dịch.
- Hơn 1,6 triệu bức hình trên Instagram đã được đính kèm với hashtag #HappyDay.
- Doanh số đĩa bán ra tăng đến 14.000% sau khi chiến dịch bắt đầu thực hiện.
- Trên YouTube, video chính thức của bài “Happy” cũng đạt lượt view trên 300.000.000.
- Website tập hợp www.wearehappyfrom.com của đội ngũ thực hiện đã ghi nhận được con số 1.500 video dạng này đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
- Điều đó đồng nghĩa với hơn 100 giờ của hạnh phúc được thêm vào chiến dịch.
- Có hơn 1.300 video được ghi nhận ở trang www.24hoursofhappiness.com.
Rất nhiều người trên thế giới đồng cảm với thông điệp ý nghĩa về hạnh phúc của Pharrell.
Thậm chí có rất nhiều video đã được dựng lại dựa trên ý tưởng của chiến dịch.
Ngày 20/3 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là ngày Hạnh Phúc thế giới – và Pharrell Williams cũng vinh dự được chọn trở thành đại sứ của ngày này.
Nếu nhìn lại thì concept hạnh phúc không phải là ý tưởng mới hay một sự sáng tạo quá to tát, độc đáo.
Concept này đã được nhiều các thương hiệu lớn trên toàn cầu và ở cả Việt Nam như Coca-Cola, Vinamilk, PNJ lựa chọn cho các chiến dịch của mình.
Coca-Cola - Nhãn hàng của hạnh phúc và sự lạc quan
Có thể nói, Coca - Cola là một “tượng đài" của nhãn hàng theo đuổi Concept hạnh phúc, liên tục ứng dụng nó qua nhiều năm.
Coca-Cola không chỉ là một thức uống giải khát mà còn là một thương hiệu của sự hạnh phúc và sự lạc quan.
Chiến dịch “Happy ID” – một trong những chiến dịch tại Peru thể hiện rõ thông điệp hạnh phúc.
Nó đạt giải Grand Prix cho hạng mục Media tại Cannes Lions 2014.
Với chiến dịch này, 90% ID mới được cấp cho công dân tại Peru trong tháng đầu của chiến dịch đều là “Happy ID”.
Coca-Cola đã thành công trong việc tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho người tiêu dùng toàn cầu từ năm 2009 với “Open Happiness”.
Tại mỗi thị trường, Coca-Cola đều gắn hạnh phúc trong những bối cảnh xã hội, văn hóa đặc trưng giúp thông điệp dễ dàng lan tỏa, tạo nên thành công của các chiến dịch marketing.
Thông qua những chiến dịch với từ khóa “hạnh phúc”, Coca-Cola đã đem đến định nghĩa rõ ràng “Hạnh phúc là gì?”
Xét về khía cạnh khoa học hiện đại, Coca-Cola tin rằng: “Hạnh phúc là phạm vi những cảm xúc tích cực khi bạn ngập tràn niềm vui, đôi khi hạnh phúc sẽ tìm đến bạn trong lúc bạn ít mong đợi nhất.
Hạnh phúc luôn ở hiện tại, không phải là những gì thuộc về quá khứ hay còn chưa định hình ở tương lai”.
Từ việc nhận định “hạnh phúc là niềm vui bất ngờ”, Coca-Cola đã thắng lợi nhiều chiến dịch marketing trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, Coca-Cola từng tổ chức chương trình như “Happy Bus” - tuyến xe đưa đón sinh viên từ trung tâm thành phố đến làng đại học.
Trên chuyến xe có biểu diễn các tiết mục ảo thuật vui nhộn hoặc giao lưu với các thần tượng âm nhạc của giới trẻ vào năm 2013.
Năm 2014, chương trình in tên trên lon "Share a Coke" cũng đã được Coca-Cola triển khai.
Sự hạnh phúc của chương trình này nằm ở cách mọi người kết nối, trao tặng nhau những chai, lon Coca-Cola in tên của chính bạn bè, người thân.
Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2015, trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam xuất hiện và lan truyền nhanh chóng một đoạn phim ngắn của Coca-Cola mang tên “Quà Tết”.
Bộ phim dùng hình ảnh quà Tết để mở rộng ra những áp lực tài chính đang đè nặng tâm lý của mọi người, khiến họ xao lãng những giá trị thực của ngày Tết.
Họ không thể hưởng trọn niềm vui sum vầy bên gia đình khi năm mới Tết đến khi chưa thể tạm gác những lo toan qua một bên.
Coca-Cola đã gửi gắm đi một thông điệp ý nghĩa làm thức tỉnh mọi người “Món quà ý nghĩa nhất của ngày Tết là khi gia đình được sum vầy".
Bộ phim đã được hàng ngàn người chia sẻ, đạt gần 7 triệu lượt view và được các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa, xã hội đánh giá cao.
Cảm giác hạnh phúc chính là kho ý tưởng cho Coca-Cola tích cực khai phá và cũng là chìa khóa vàng giúp thương hiệu lâu đời này bước vào chiếm lĩnh các thị trường mới nổi.
Vinamilk - Cô bò hạnh phúc - Quan tâm hạnh phúc cho cả Động vật
Nào, chúng ta cùng xem clip quảng cáo sản phẩm sữa tươi nguyên chất 100% của Vinamilk với hình ảnh đàn bò tung tăng ca hát vui vẻ.
Bạn có nghĩ đây là những chú bò hạnh phúc trên quảng cáo?
Khi tham quan “thế giới các cô bò” tại trang trại Vinamilk, bạn sẽ hiểu rằng những “cô bò” nơi đây thực sự có một cuộc sống hạnh phúc.
Trang trại bò sữa của Vinamilk ở xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) có đến 3.000 con.
Đó là trang trại lớn nhất của Vinamilk trên cả nước, khánh thành tháng 9/2009 với số vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng.
Trang trại có tổng diện tích khoảng 36 ha, chuồng trại được thiết kế hiện đại, thoáng mát với hệ thống dây chuyền cung cấp thức ăn, dọn vệ sinh hoàn toàn tự động.
Đặc biệt mỗi “cô bò” có một ô nằm nghỉ được trải nệm riêng nhập từ Thụy Điển với giá 2 triệu đồng/chiếc.
Hành động này nhằm giúp bò được nằm ngủ êm ái, tránh các thương tổn đến chân và móng.
Đàn bò ở đây thuộc giống Holstein Friesian thuần chủng nhập về từ Úc, vận chuyển bằng máy bay Boeing 747.
Bò là loài vật rất nhạy cảm.
Khi đang vắt sữa nếu có một tác động từ bên ngoài như tiếng người lạ hoặc tiếng ồn lớn cũng khiến chúng giật mình, ngay lập tức sẽ ngưng phản xạ tiết sữa.
Với âm nhạc du dương êm ái, không gian có ánh sáng lý tưởng hay được gọi bằng những cái tên thân thương cũng có thể giúp bò “vui vẻ hạnh phúc”.
Tổng hòa các điều kiện trên, bò sẽ ăn nhiều, thu nạp đủ chất dinh dưỡng hơn và chất lượng sữa sẽ tốt hơn.
Vinamilk đã áp dụng công nghệ chăn nuôi, sản xuất tiên tiến giúp đảm bảo sức khỏe các “cô bò” luôn vui vẻ và hạnh phúc.
Các “cô bò” ngủ dậy và bắt đầu ăn từ 4 giờ sáng, thức ăn gồm cỏ xanh, trộn cám, rỉ mật từ mía, cỏ ủ chua, nấm men, khoáng hữu cơ...
Sau khi ăn uống no say và cho sữa, các “cô bò” được ra đồng cỏ để vận động, vui chơi thỏa thích.
Toàn trang trại được lắp hệ thống âm thanh để mở các bản nhạc du dương nhẹ nhàng...
Trung bình mỗi “cô” cho được 22 lít sữa/ngày, thậm chí có những “cô” còn cho tới 40 lít/ngày.
Những cô bò hạnh phúc sẽ làm nên chất lượng cho thương hiệu Vinamilk “Bò tươi vui - Sữa tươi ngon.”
PNJ - Hạnh phúc vàng - Tôn vinh hạnh phúc lứa đôi
Chiến dịch Hạnh Phúc Vàng đã dựng 3 video mô tả 3 sự kiện quan trọng trong một câu chuyện tình yêu của người Việt.
Bối cảnh từ buổi cầu hôn, đến lễ đính hôn, và cuối cùng là lễ kết hôn.
Khi cầu hôn, người đàn ông thể hiện sự lãng mạn để chắc chắn họ sẽ nhận được câu trả lời “Em đồng ý”.
Tại lễ đính hôn, người mẹ chồng bộc bạch rằng, bà thật may mắn khi có một nàng dâu mới trong gia đình
Video ghi nhận khoảnh khắc hài hước, cảm động và chân thành của cặp đôi trong lễ cưới.
Đó là tất cả những chương quan trọng trong cuộc sống của bất cứ ai.
Tất cả bắt đầu từ một chiếc nhẫn đơn giản nhưng có tính biểu tượng mạnh mẽ.
Nhưng khi nói đến trang sức, theo truyền thống, người Việt chỉ tập trung chủ yếu vào các giá trị vật chất của vàng chứ không phải là giá trị tình cảm.
Chiến dịch này nhấn mạnh vai trò của PNJ trong việc hỗ trợ thế hệ trẻ bằng cách đề cao các giá trị của người phụ nữ thông qua thông điệp “Vì em là món quà vô giá”.
Các video trên đã trở thành hit với tổng số lượt xem lên đến 2.596.525, 18.533 lượt chia sẻ và có hơn 33.000 lượt tương tác.
Lời kết
Cũ nhưng vẫn luôn đắc dụng, đó là điều có thể khẳng định cho Concept này.
Thấu hiểu đối tượng mục tiêu cùng các giá trị văn hóa và thực hiện đúng thời điểm, các chiến dịch concept “hạnh phúc” đã thành công trong việc tiếp cận và khuyến khích khán giả kết nối hơn với thương hiệu.