Thông tin này được ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, chia sẻ với báo giới ngày 15-4 tại cuộc họp giới thiệu sự kiện "Japan Vietnam Festival" được tổ chức tại công viên 23 tháng 9, TPHCM sẽ diễn ra vào ngày 17 và ngày 18 tháng 4 tới.

Theo người đứng đầu của văn phòng JETRO tại TPHCM, Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang là điểm đến đầu tư được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn.

Tuy nhiên, xu hướng đầu tư theo ông Hirai Shinji là đang có sự thay đổi.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn bán hàng ở thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa về một trung tâm bán lẻ Nhật ở TPHCM. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn bán hàng ở thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa về một trung tâm bán lẻ Nhật ở TPHCM.

Trước đây vị trí Việt Nam là nhà máy, "công xưởng" sản xuất cho doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng dần dần đã thay đổi sang thương mại, tiêu dùng,... Nhiều sản phẩm, hàng hóa của Nhật Bản ngày càng được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Nếu như những năm trước đây, các cuộc khảo sát của tổ chức này cho thấy có khoảng 40% doanh nghiệp xứ mặt trời mọc đầu tư vào Việt Nam là để mở nhà máy sản xuất, thì kết quả khảo sát này hiện nay chỉ còn khoảng 20%.

"Đã có một sự dịch chuyển đầu tư từ việc tập trung vào sản xuất chế biến chế tạo thành đầu tư phi sản xuất và dịch vụ", ông Hirai Shinji chia sẻ.

Ông cũng cho rằng khuynh hướng chú ý đến thương mại ở thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam đối với doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng lên nhiều hơn.

Văn phòng JETRO tại TPHCM cũng thường xuyên nhận được nhiều câu hỏi từ phía doanh nghiệp Nhật Bản về cơ hội làm sao đưa hàng hóa vào kinh doanh ở thị trường Việt Nam.

Ông Hirai Shinji chia sẻ, và cho biết nhiều doanh nghiệp thuần bán lẻ của xứ mặt trời mọc cũng đã và đang tăng cường mở kinh doanh ở thị trường Việt Nam bất kể thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19.

Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM. Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM.

Hay ngay như việc mở gian hàng tại “Japan Vietnam Festival” vào ngày 17 và 18-4 tới đây, có những nhà bán lẻ như FamilyMart, Hachi Hachi, Kamereo, Akuruhi, Logitem giới thiệu 80 dòng sản phẩm của 50 doanh nghiệp Nhật Bản.

Và trong số này có đến phân nửa doanh nghiệp lần đầu tiên mang sản phẩm đến thị trường Việt Nam để tiếp cận người tiêu dùng trong nước trong lĩnh vực nhu yếu phẩm hàng ngày, mỹ phẩm, thực phẩm, may mặc,...

Việc đẩy mạnh thương mại của doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Việt Nam cũng được chứng minh bằng kết quả tăng trưởng xuất khẩu của nhóm nông lâm thủy hải sản và thực phẩm.

Nếu năm 2019, Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ sáu tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này thì năm 2020 đã vào tốp 5, chỉ sau thị trường lớn Hồng Kông, Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan.

Để lọt vào vị trí lớn thứ 5 này, Nhật Bản đã có mức tăng trưởng ở thị trường Việt Nam khoảng 17% so với năm 2019, ông Hirai Shinji nói, và nhận định Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ hàng Nhật rất quan trọng.

Có một chi tiết khá thú vị là trong thời điểm dịch Covid-19, phải hạn chế ra ngoài, nhiều sản phẩm tiêu dùng tại nhà của Nhật Bản được người Việt tiêu thụ khá mạnh như kem, gia vị rắc cơm, đậu natto, giấm táo, miếng đắp mặt nạ thư giãn...

Thống kê cho thấy dù giá cả bán ra có giảm so với năm trước nhưng doanh thu bán hàng vẫn tăng 5%.

"Những sản phẩm này không thường không quá thiết yếu, giá cao nhưng đã được bán chạy hơn, cho thấy thị trường Việt Nam có sức tiêu thụ đầy tiềm năng, chứ không chỉ là nơi sản xuất của doanh nghiệp Nhật.

Tuy vậy, hàng Nhật vẫn phải giải quyết bài toán về giá để phù hợp hơn sức mua thị trường ở đây", ông Hirai Shinji nhận định.

Ngoài ra, trong lúc lưu lượng hàng hóa giữa Nhật Bản và nước ngoài bị hạn chế vì dịch Covid-19, từ đầu năm nay, JETRO đã bắt đầu vận hành nền tảng trực tuyến "Japan Street" cho phép hỗ trợ việc phân phối các sản phẩm Nhật Bản trong suốt cả năm.

Hơn 500 nhà cung cấp đã đăng ký trên trang web, và dự kiến sẽ tăng số lượng đăng ký trong tương lai.

Các đơn vị mua hàng ở nước ngoài từ mỗi quốc gia, trong đó bao gồm Việt Nam, đã được JETRO chào mời đều được đăng ký.

Vào năm tài chính 2021, với việc sử dụng nền tảng này, JETRO sẽ thúc đẩy hơn nữa dự án Japan Mall trong việc mở rộng và phân phối thương mại các sản phẩm Nhật Bản vào Việt Nam, ông Trưởng đại diện JETRO ở TPHCM nói.

"Lần này chúng tôi tham gia gian hàng như một hoạt động trong dự án “Japan Mall” với mục đích thúc đẩy việc bán các sản phẩm Nhật Bản thông qua các trang thương mại điện tử EC và các nhà bán lẻ tại nước ngoài", ông Hirai Shinji nói.

Về thương mại điện tử, JETRO và doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã hợp tác với các trang thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Shoppe, Lazada, Tiki,... để giới thiệu hàng hóa doanh nghiệp nước này đến người tiêu dùng trong nước.

Theo Kinh Tế Sài Gòn