Shark Hưng từng có phát ngôn về giấc ngủ gây nên những ý kiến trái chiều.

“Ngủ là thời gian vô ích! Tôi không hiểu sao Thượng đế sinh ra con người phải ngủ nhiều thế!”

Thế nhưng thực tế khoa học đã chứng minh ngủ không đủ giấc sẽ mang đến nhiều hiểm họa về sức khỏe cho cơ thể con người.

Cùng tìm hiểu những hiểm họa về sức khỏe gây ra do việc thiếu ngủ trong bài viết này.

Thiếu ngủ sẽ suy giảm tinh thần, ảnh hưởng đến trí nhớ

Năm 2009, các nhà nghiên cứu người Pháp và Mỹ đã khám phá ra những sóng nhọn (trong não bộ) chịu trách nhiệm trong việc cô đọng trí nhớ của con người.

Những sóng này giúp chuyển những thông tin học được từ hồi hải mã đến vùng vỏ não tân sinh và tại đây trí nhớ dài hạn được lưu trữ.

Sóng nhọn trên chỉ thường xuất hiện trong những giấc ngủ sâu.

Ngủ không đủ giấc gây thiếu tập trung, ảnh hưởng tinh thần và trí óc không được minh mẫn.
Ngủ không đủ giấc gây thiếu tập trung, ảnh hưởng tinh thần và trí óc không được minh mẫn.

Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Nature Medicine vào năm 2017 phát hiện ra rằng, thiếu ngủ làm gián đoạn khả năng giao tiếp với nhau của các tế bào não.

Từ đó dẫn đến suy giảm tinh thần tạm thời gây ảnh hưởng đến trí nhớ và nhận thức thị giác.

Ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình lưu trữ thông tin và củng cố trí nhớ tại vỏ não.

Đây chính là lý do khiến thông tin bị ngưng trệ dẫn đến suy giảm trí nhớ, bệnh mất trí nhớ ở người trẻ.

Nếu tình trạng thiếu ngủ diễn ra thường xuyên và kéo dài sẽ khiến con người mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo và ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ thông tin.

Làm tăng tốc độ lão hóa da

Hầu hết mọi người đều có biểu hiện da tái nhợt và mắt sưng húp sau vài đêm thiếu ngủ.

Nếu bị thiếu ngủ kéo dài, da trở nên sạm, xuất hiện nếp nhăn và thâm quầng quanh mắt.

Khi không ngủ đủ giấc, quá nhiều cortisol được tạo ra làm phá hủy collagen.

Vì thế, thiếu ngủ gây ảnh hưởng đến da của chúng ta.

Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm khiến hormone căng thẳng Cortisol được sản xuất ra với một lượng lớn làm phá hủy collagen có trong các tế bào da.
Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm khiến hormone căng thẳng Cortisol được sản xuất ra với một lượng lớn làm phá hủy collagen có trong các tế bào da.

Các nhà khoa học đã tìm thấy sự khác biệt qua các thí nghiệm thống kê như ngủ ít, thiếu ngủ đi cùng với sự gia tăng các dấu hiệu lão hóa da.

Họ phát hiện ra rằng chất lượng giấc ngủ tốt và ngủ đủ phục hồi da lão hóa hiệu quả.

Ví dụ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mức độ đỏ da của người thiếu ngủ/ngủ ít cao hơn người ngủ đủ.

Tình trạng viêm da xảy ra ở người thiếu ngủ cũng nhanh chóng, khả năng giữ ẩm kém.

Những người ngủ đủ, chất lượng giấc ngủ tốt có khả năng phục hồi tổn thương trên da nhanh hơn 30%.

Nghiên cứu thực hiện với 60 phụ nữ tiền mãn kinh trong độ tuổi từ 30 đến 49, trong đó một nửa là những người thường xuyên thiếu ngủ.

Ngủ không đủ giấc gây tăng cân, nhão cơ

Nghiên cứu mới của Trường Y khoa Tây Bắc Feinberg (Chicago, Mỹ) cho thấy việc thiếu ngủ, sẽ khiến cơ thể lập tức tăng khả năng lưu trữ mỡ thừa còn các cơ bắp nhanh chóng bị nhão ra ít nhiều.

Một nhóm nghiên cứu đã sử dụng nhiều máy móc, phương tiện để đo đạc, theo dõi chi tiết các thay đổi trong cơ thể 15 thanh niên khỏe mạnh.

Họ được ngủ trong một phòng ngủ êm ái và yên tĩnh trong vòng 8,5 giờ trong đêm đầu tiên.

Đến đêm thứ hai, một số người vẫn được ngủ một đêm ngon giấc, một số khác phải thức trắng.

Thiếu ngủ làm cơ thể con người dễ tích lũy chất béo.
Thiếu ngủ làm cơ thể con người dễ tích lũy chất béo.

Vài tuần sau, thí nghiệm được lặp lại, chỉ có điều đến đêm thứ hai nhóm phải thức trắng lần trước và nhóm được ngủ sẽ đổi chỗ cho nhau.

Trong tất cả các lần thí nghiệm, các chỉ số đều cho thấy sự thay đổi rõ rệt và đáng ngạc nhiên ở nhóm mất ngủ: một đêm duy nhất ấy đủ gây những thay đổi trên DNA và mức protein trong cơ thể họ.

Chính những thay đổi này khiến các quá trình trong cơ thể họ bị đảo lộn.

Cho dù vẫn giữ chế độ ăn thường lệ, cơ thể những người mất ngủ bỗng tăng mức tích lũy chất béo.

Ngoài ra, các mô cơ của họ còn có dấu hiệu bị hủy bớt đi ở một mức mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Nhưng về lâu dài, nhiều đêm mất ngủ cộng dồn lại sẽ khiến cơ bắp nhão đi trông thấy và các bài tập tăng cơ kém hiệu quả.

Ảnh hưởng tới hệ tim mạch

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, ngủ thất thường có liên quan đến một loạt các nguy cơ về tim mạch, bao gồm béo phì, huyết áp cao, tiểu đường và bệnh động mạch vành.

Nếu thời gian ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm thì đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra thiếu ngủ gây ảnh hưởng xấu tới hệ tim mạch của cơ thể.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra thiếu ngủ gây ảnh hưởng xấu tới hệ tim mạch của cơ thể.

Một đánh giá được thực hiện gồm 15 nghiên cứu đánh giá tác động của thời gian ngủ đối với các biến cố tim mạch.

Tổng cộng có 474.684 người tham gia, gồm cả nam và nữ, và được theo dõi tình trạng sức khỏe trong 6,9 - 25 năm.

Trong khoảng thời gian này, có tổng cộng 16,067 trường hợp gặp biến cố tim mạch.

4.169 trường hợp bị bệnh tim mạch vành, 3.478 trường hợp đột quỵ và 8.420 trường hợp bị các bệnh tim mạch tổng thể khác.

Nghiên cứu này nhằm xác định mối quan hệ giữa thời gian ngủ ngắn hoặc dài với bệnh tim mạch vành, đột quỵ và bệnh tim mạch tổng thể.

Các vấn đề về giấc ngủ làm giảm chất lượng cuộc sống.
Các vấn đề về giấc ngủ làm giảm chất lượng cuộc sống.

Trong phân tích, những người tham gia ngủ ít hơn 5-6 giờ có nguy cơ tử vong và phát triển bệnh do bệnh tim mạch vành tăng lên.

Nguy cơ này tăng lên khoảng 48% đối với những người ngủ ngắn và 38% đối với những người ngủ nhiều hơn 8- 9 giờ.

Về mối quan hệ giữa đột quỵ và thời gian ngủ, người ta thấy rằng những người ngủ ngắn (<5-6 giờ) có nguy cơ đột quỵ tăng 15%.

Mối liên hệ giữa nguy cơ bệnh tim mạch và thời gian ngủ cũng được đánh giá.

Tuy nhiên, không có mối liên hệ đáng kể nào được tìm thấy giữa thời gian ngủ ngắn và tổng số bệnh tim mạch.

Giấc ngủ đóng một vai trò rất cần thiết trong việc giữ cho con người khỏe mạnh và quan trọng đối với chức năng não đầy đủ.

Nắm bắt được mối liên hệ giữa giấc ngủ và tác động tới cơ thể giúp chúng ta điều chỉnh, thay đổi thói quen sinh hoạt, để có giấc ngủ chất lượng, đảm bảo sức khỏe.