Thời trang cao cấp là một lĩnh vực quen thuộc với những nhà mốt xa xỉ đã tồn tại hàng chục năm. Những thương hiệu quốc tế nổi tiếng này đều hoạt động theo một hệ thống cùng quỹ thời gian rất khắt khe và tỉ mỉ.
Tuần lễ thời trang - Khuôn khổ quen thuộc của các nhà mốt cao cấp
Để đúng với tinh thần “xa xỉ”, những sản phẩm thời trang của các nhà mốt cao cấp không được thiết kế cho số đông và cũng hiếm khi có sẵn trong cửa hàng hay những phòng trưng bày sản phẩm.
Thay vào đó, từ lâu các nhà mốt cao cấp đã quen với việc ra mắt BST của mình trong khuôn khổ tuần lễ thời trang cùng 4 kinh đô thời trang hàng đầu thế giới.
Thời trang được chia làm những mùa chính để đáp ứng những yêu cầu khắt khe về việc ra mắt sản phẩm: xuân hè, thu đông, resort và pre-fall. Điều tất nhiên là mùa trong thời trang luôn đi trước khí hậu thực tế một quãng thời gian rất dài.
Chẳng hạn, tuần lễ thời trang xuân hè sẽ diễn ra khi thời tiết chuyển lạnh. Theo đó, nhà mốt sẽ có tối đa 6 tháng để chuẩn bị nhận đơn hàng, sản xuất và phân phối sản phẩm,... trước khi khí hậu “xuân hè” thật sự cập bến.
Việc các thương hiệu thời trang cao cấp ra mắt sản phẩm dựa trên tuần lễ thời trang và các mùa mốt là điều rất quen thuộc.
Trên thực tế, sự kiện “fashion week” (tuần lễ thời trang) được xem là một trong những bữa tiệc thời trang nhộn nhịp nhất, quy tụ những “buyer” hàng đầu, những biên tập viên thời trang cũng như hàng loạt nhân vật có tiếng trong ngành.
Được mang bộ sưu tập (BST) của mình đến tuần lễ thời trang là ước mơ không nhỏ của rất nhiều nhà thiết kế (NTK). Tuy nhiên, về lâu dài, sự kiện tuần lễ thời trang cũng có những dấu hiệu “mắc kẹt” trong chính hệ thống của mình.
Thời trang thế giới dần thoát khỏi hệ thống Tuần lễ thời trang
Hiện nay, người mua thuộc thế hệ Z thường ưa chuộng mạng xã hội cũng như các công cụ mua sắm trực tuyến. Họ cũng rất thích thú với sự đông đúc của các thương hiệu thời trang muôn màu muôn vẻ.
Do đó, rất nhiều NTK lo sợ rằng việc để khách hàng chờ đợi nửa năm để nhận được sản phẩm là bước đi không hiệu quả trong kinh doanh.
Những “gã khổng lồ” trong giới thời trang như Chanel, Louis Vuitton hay Saint Laurent đều đang bán cho người tiêu dùng sản phẩm thời trang đi kèm với cái tên thương hiệu xa xỉ. Đây được xem là yếu tố then chốt giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên, loạt nhãn hàng cao cấp cũng gặp vấn đề với mùa thời trang và rất nhiều thương hiệu lớn đã chọn cách tách mình ra khỏi hệ thống “fashion week” để ra mắt, quảng bá BST theo lịch trình riêng.
Những cái tên tiêu biểu từ lâu đã vắng mặt trong sự kiện tuần lễ thời trang thông thường có thể kể đến là Bottega Veneta hay Ralph Lauren. Ngay cả Gucci cũng đã hoàn toàn từ bỏ những BST ra mắt theo mùa.
Cùng với việc tự tổ chức sự kiện ra mắt BST mới, rất nhiều thương hiệu đã và đang theo đuổi trào lưu “see now, buy now”.
Theo đó, mọi sản phẩm có mặt trên sàn diễn đều sẽ được bán qua website thương hiệu ngay khi show diễn kết thúc. Đây là cách thức hoạt động mà Jacquemus đã thực hiện với BST mùa thu 2021 xuất xưởng vào tháng 7/2021.
Thời trang thế giới đang dần có dấu hiệu chậm lại và “nuông chiều” hệ thống người mua lẻ với việc phát triển xoay quanh những lịch trình dồn dập và bận rộn như thế.
Hệ sinh thái thời trang nội địa tại Việt Nam
Trong khi đó, là một thị trường non nớt còn đang phát triển với khả năng tham dự “fashion week” không cao, từ lâu thời trang nội địa Việt đã hoạt động với một hệ sinh thái riêng biệt, tách biệt hẳn với lịch trình thông thường.
Cách thức hoạt động riêng này cũng không khác biệt quá lớn so với những gì thế giới đang hướng đến. Đó là tự đặt ra lịch trình cho BST và hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của khách hàng - dù là khách nội địa hay quốc tế.
Vào tháng 5 năm nay, Subtle Studios tung ra những hình ảnh đầu tiên cho BST pre-fall 2021 của mình và ngay lập tức nhận các đơn đặt hàng trước từ hệ thống người mua sỉ quốc tế cũng như khách hàng mua lẻ nội địa.
Tính đến thời điểm hiện tại, khi khí hậu mùa thu bắt đầu, Subtle Studios đã có một lượng sản phẩm nhất định với những đơn hàng đã hoàn thiện dành cho khách đặt trước.
Bên cạnh đó, quá trình ra mắt một BST hoàn chỉnh cần nhiều sự đầu tư cả về thời gian lẫn chi phí. Vì thế, rất nhiều thương hiệu nội địa đã chọn cách chia nhỏ BST của mình để ra mắt theo dạng các “Drop”.
Việc ra mắt các sản phẩm nhỏ lẻ là cách để thương hiệu giữ chân khách hàng, cũng như chia đều doanh thu cho các thời điểm trong năm mà không phải chịu gánh nặng của cả một BST lớn.
Aeie Studios đã có tới 2 “Drop” cho BST “Unusual Usual”, được giới thiệu thông qua “Drop 1” lần đầu tiên vào đầu năm nay.
Đến thời điểm hiện tại, thương hiệu vẫn đang tiếp tục chuẩn bị cho “Drop 3”. Đây cũng là lần ra mắt sản phẩm mới cuối cùng cho BST dài hơi này.
Thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới Gucci cũng đã áp dụng thức thêm sản phẩm mới vào những BST có sẵn, nhằm khơi gợi sự tò mò và mời gọi khách hàng đến với cửa hàng, trang Instagram thương hiệu.
Không như những quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Châu u với mùa lạnh rõ rệt, Việt Nam là đất nước với thời tiết gần như nóng quanh năm ở các thành phố trung tâm.
Nhờ vậy, thương hiệu nội địa giảm tải được phân nửa lượng sản phẩm cần phải cung cấp nhờ lợi thế có sẵn về khí hậu.
Các thương hiệu nội địa như Dear José, Libé, Làminapparel hay The Blue T-Shirt sẽ bán những item năng động, nữ tính và phù hợp với mùa hè quanh năm. Kèm với đó là ra mắt và “re-stock” sản phẩm liên tục.
Đa số các thương hiệu nội địa đều có cách ra mắt BST mới cũng như quảng cáo sản phẩm của riêng mình. Thậm chí ngay trong đại dịch, rất nhiều cái tên đang nổi chọn cách “tạm rút lui” khỏi thời trang để trở lại vào một thời điểm thích hợp.
Theo đó, hệ sinh thái cũng như cách hoạt động của các thương hiệu nội địa thường dựa vào nền tảng điều kiện kinh doanh. Các thương hiệu sẵn sàng cung cấp cho khách hàng những sản phẩm cần thiết khi có nhu cầu.
Có thể thấy, để duy trì một thương hiệu trong phạm vi nội địa, việc tự xây dựng “thói quen sống” cho thương hiệu của mình là giải pháp đúng đắn.
Theo Lofficiel