Sự cuốn hút từ nét tao nhã, tinh tế nhưng không quá cầu kỳ, tạo nên một chất thơ đặc trưng từ tinh thần Parisian là những điều mà khó có cô nàng nào có thể chối từ.
Với mục tiêu hướng đến thế hệ Trendy, thời trang thủ công mang tinh thần Parisian của Leinné đã thành công chinh phục nhóm khách hàng đối tượng và mang đến cơ hội mở rộng thị trường hàng Việt ra thế giới.
Định nghĩa lại "thế hệ trendy"
Thế hệ Z là những người sinh từ thập niên 1990 đến những năm đầu của thập niên 2010, được tiếp cận Internet và các thiết bị điện tử, kỹ thuật số từ khi còn nhỏ.
Trong khi đó, thế hệ Millennials là nhóm người sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 - đầu thập niên 2000, nằm giữa thế hệ X và thế hệ Z.
Sự trưởng thành của thế hệ Millennials được đánh dấu bởi sự xâm nhập thời đại thông tin. Cả thế hệ Millennials và thế hệ Z đều có một điểm chung là họ rất cởi mở trong việc sử dụng mạng xã hội cũng như các thiết bị số.
Theo đó, có thể gọi “thế hệ trendy” là một mẫu số chung cho cả hai thế hệ Millennials và thế hệ Z, bởi họ đều có khả năng tiếp nhận thông tin cao từ mạng xã hội và các thiết bị số, quan tâm đến phong cách cá nhân cũng như trang phục của mình.
Đây cũng là nhóm khách hàng mà Leinné - thương hiệu thời trang bền vững của Việt Nam hướng đến. Chị Hải Minh, Founder của Leinné cho biết:
“Đa số Millennials hiện đang là khách hàng của Leinné. Tuy nhiên trong vài năm nữa, GenZ sẽ là đối tượng khách hàng không nhỏ của Leinné”.
Tuy nhiên, Founder của Leinné cũng cho rằng không thể so sánh độ “trendy” giữa hai nhóm khách hàng thuộc thế hệ Millennials và thế hệ Z, vì thương hiệu không quan trọng tỉ trọng khách hàng theo độ tuổi.
Đại diện Leinné chia sẻ thêm:
“Một bạn sinh viên bước vào cửa hàng cũng có thể mua những thứ nhỏ xinh vừa túi tiền và mơ ước, có động lực sở hữu những thiết kế sang trọng hơn khi đi làm sau này”.
Thời trang thủ công chinh phục nhóm khách hàng yêu thời trang
Thương hiệu chinh phục các tín đồ thời trang của thế hệ trendy bằng những thiết kế hài hoà giữa vẻ đẹp và sự bền vững - hai yếu tố quan trọng mà đối tượng này hướng đến.
Chị Hải Minh chia sẻ:
“Bản thân sản phẩm thủ công như một chiếc áo len đan tay bởi bà hay mẹ, hay chiếc làn cói được làm bằng tay bày bán ở chợ không phải là sản phẩm thời trang tạo ước muốn được sở hữu mãnh liệt cho người mua hàng trẻ”.
Theo chị, thẩm mỹ người Việt không chỉ chịu tác động không chỉ bởi văn hoá truyền thống mà còn bởi những tinh tuý của văn hoá toàn cầu:
“Vì vậy Leinné truyền tải điều này vào chất thơ trong câu chuyện thương hiệu, những thiết kế mang điểm chạm cân bằng giữa vẻ đẹp, sự bền vững, và sự trau chuốt thủ công đến các bạn trẻ”.
Bên cạnh đó, những thiết kế của Leinné còn là giao điểm của những giá trị truyền thống và hiện đại. Để làm được điều này, thương hiệu đã phải:
“Nghiên cứu kỹ để kết hợp xu hướng, tính ứng dụng cũng như câu chuyện đằng sau thiết kế để tạo ra điểm chạm cân bằng theo tinh thần hiện đại và sự tỉ mỉ, khéo léo đến từ kinh nghiệm của xưởng thủ công”.
Theo một báo cáo từ năm 2015 của Nielsen, có 73% người thuộc thế hệ Millennials sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm bền vững.
Còn với thế hệ Z, báo cáo của Forbes năm 2019 cho biết có 62% người thuộc thế hệ Z yêu thích những thương hiệu bền vững.
Có thể thấy, thời trang bền vững là một xu hướng phát triển mạnh mẽ đối với thế hệ trendy, cũng là xu thế chung của các thương hiệu thời trang.
Nói về điểm mạnh của thời trang thủ công so với thời trang bền vững, chị Hải Minh cho biết:
“Đó là yếu tố con người: sự khéo léo từ đôi tay của họ, cùng mô hình sản xuất chậm hơn so với các mô hình sản xuất công nghiệp khác”.
Vì thế, theo đại diện Leinné, mô hình marketing thông thường chú trọng số lượng sẽ khó có thể áp dụng đối với việc xây dựng thương hiệu thủ công.
Chị Hải Minh nhận định rằng:
“Cần tìm ra điểm chạm cân bằng để tạo nên câu chuyện, ước mơ, đề cao sự sáng tạo cũng như đôi tay con người, đồng thời thổi tinh thần hiện đại vào những thiết kế cũng như các tương tác với khách hàng”.
Đưa tinh thần Parisian vào hàng Việt
Về tinh thần thiết kế, ý tưởng của Leinné bắt nguồn từ Paris nên những sản phẩm của thương hiệu cũng mang tinh thần Parisian. Chị Hải Minh cũng chia sẻ về tinh thần ấy rằng:
“Thiết kế đóng vai trò vô cùng quan trọng, đội ngũ Leinné cần tìm hiểu kỹ để kết hợp xu hướng, tính ứng dụng cũng như câu chuyện đằng sau thiết kế để tạo ra điểm chạm cân bằng theo tinh thần Parisian”.
Các thiết kế mang tinh thần Parisian với sự thời thượng, đơn giản, dễ phối hợp với nhiều style hay xu hướng khác nhau. Nhờ đó, mỗi người đều có thể tìm thấy những thiết kế phù hợp với cá tính của mình.
Về tiềm năng đưa sản phẩm Việt ra thị trường Pháp, Founder Hải Minh cho rằng:
“Thời trang Việt Nam cũng có thể có nhiều cơ hội nếu đi đúng hướng.”
Thời trang Pháp từng có làn sóng Nhật Bản vào những năm 70s với các thương hiệu Kenzo, Yohji Yamamoto, Comme des garçon, Sacai,...
“Thị trường Pháp khá mở đối với những thiết kế thủ công độc đáo và mới lạ. Như họ rất thích những thương hiệu quần áo nhuộm và làm thủ công của người Nhật”.
- Chị Hải Minh nói thêm.
Theo đó, với phong cách “nàng thơ” đậm chất Parisian của Leinné, việc “tiến quân” vào thị trường Pháp không phải là điều quá viển vông.
Sự tỉ mỉ và tính bền vững trong các sản phẩm thủ công, đi kèm cùng tinh thần Parisian trong các thiết kế thời thượng, đơn giản và dễ phối hợp sẽ là những yếu tố quan trọng để Leinné chinh phục những tín đồ thời trang của thế hệ trendy.
Quỳnh Hoa - Trends Việt Nam