Kinh tế ban đêm là gì ?

Theo Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay, có khá nhiều định nghĩa về kinh tế ban đêm nhưng phổ biến nhất là:

“Kinh tế ban đêm chỉ tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm…”

Trên thế giới, loại hình kinh tế này đã được các nước đẩy mạnh và phát triển từ rất sớm, nhất là đối với những nước có thế mạnh về du lịch, để tối đa hóa nguồn thu.

Đánh giá về tiềm năng phát triển ở Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương cho biết, Việt Nam có nhiều thuận lợi với những ưu thế để phát triển kinh tế ban đêm, nhất là du lịch.

Một tuyến phố bên Hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Internet).
Một tuyến phố bên Hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Internet).

Trong 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 954.600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, xu hướng gia tăng khách du lịch đến châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục duy trì, khi đại dịch COVID-19 được khống chế.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy phát triển đô thị hóa.

Kinh tế ban đêm dự báo đang có nhiều tiềm năng tại Việt Nam (Ảnh: Internet).
Kinh tế ban đêm dự báo đang có nhiều tiềm năng tại Việt Nam (Ảnh: Internet).

Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới Việt Nam và mong muốn thiết lập và gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. 

Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tiếp cận các xu hướng, mô hình kinh tế mới, hiện đại như: kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử… 

Thêm vào đó, nhu cầu của người dân trở nên linh hoạt hơn và có thể gia tăng đối với kinh tế ban đêm.

Trước những thuận lợi để phát triển, hiện nay, loại hình kinh tế ban đêm đang được một số tỉnh, thành trong cả nước xác định là một giải pháp chiến lược và đưa vào trong Quy hoạch tổng thể của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những đề án kinh tế ban đêm ở các tỉnh - Quyết tâm “Thắp sáng” bằng chính sách khác biệt

Lâm Đồng vừa ban hành chính sách phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong đó có đề cập đến mô hình kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. 

Đây có thể coi là bước đột phá mới tạo nên sức hút mới đối với du khách trong và ngoài nước.

Chợ Đà Lạt đông đúc mỗi khi đêm về (Ảnh: Internet).
Chợ Đà Lạt đông đúc mỗi khi đêm về (Ảnh: Internet).
Cùng với Lâm Đồng, một trong những sản phẩm du lịch đêm tiêu biểu của Quảng Ninh phải kể đến Phố đêm du thuyền. 

Phố đêm du thuyền được bố trí dọc hai bên cầu cảng của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Tàu xuất phát tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, trong hành trình 4 tiếng trên vịnh, du khách được ngắm thành phố về đêm với các địa điểm du lịch nổi tiếng, như: vòng quay Mặt Trời, cầu Bãi Cháy, núi Bài Thơ…

Phố đêm du thuyền tuyệt đẹp tại Hạ Long (Ảnh: Internet).
Phố đêm du thuyền tuyệt đẹp tại Hạ Long (Ảnh: Internet).
Thành phố Cần Thơ cũng tạo nên sự khác biệt trong phát triển kinh tế ban đêm với những thành phố khác.

Cần Thơ chú trọng vào việc là khai thác giá trị văn hóa bản địa tạo nên nét khác biệt chỉ có miền Tây mới có như: văn hóa sông nước, đờn ca tài tử, lễ hội…

Bến Ninh Kiều về đêm (Ảnh: Internet).
Bến Ninh Kiều về đêm (Ảnh: Internet).
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là có hoạt động về đêm sôi động nhất cả nước với chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ và đặc biệt là phố đi bộ Bùi Viện luôn đông đúc.

Bên cạnh đó, thành phố năng động này cũng đã hình thành các khu phố kinh doanh về đêm tập trung vào ẩm thực, cà-phê, trình diễn nghệ thuật như: 

Phố Nguyễn Thượng Hiền, khu Phan Xích Long, phố người Hoa, khu đô thị Phú Mỹ Hưng… 

Phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn nhộn nhịp mỗi tối (Ảnh: Internet).
Phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn nhộn nhịp mỗi tối (Ảnh: Internet).
Hà Nội cũng đã hình thành những tuyến phố mang nét đặc trưng như: Tạ Hiện, phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, chợ đêm Đồng Xuân…

Phố Tạ Hiện hấp dẫn du khách khi màn đêm buông xuống (Ảnh: Internet).
Phố Tạ Hiện hấp dẫn du khách khi màn đêm buông xuống (Ảnh: Internet).

Tuy chỉ ở trên những bản thảo kế hoạch và còn đối mặt với nhiều thách thức khi vận dụng vào thực tế nhưng nền kinh tế này thực sự có giá trị lớn trong xã hội.

Vì vậy, không riêng các đô thị trung tâm như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nhiều địa phương trong cả nước đang hiện thực hóa quyết tâm bật dậy kinh tế ban đêm.

Đây là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tạo công ăn việc làm mới cho người lao động đồng thời góp phần duy trì ổn định xã hội.

Giá trị thực của kinh tế ban đêm - Tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển

Mục tiêu của các đề án, chính sách đẩy mạnh kinh tế ban đêm là:

- Kỳ vọng mang lại thêm nhiều nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế của các địa phương; 
- Giảm tỷ lệ thất nghiệp, gia tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho cư dân, thu hút khách du lịch, quảng bá bản sắc văn hóa địa phương;
- Tạo động lực phát triển văn hóa và khu vực dịch vụ trong và ngoài nước, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch;
- Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí mang tính sáng tạo hoạt động xuyên suốt, hiệu quả cả ngày lẫn đêm.
- Thu hút một lượng đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng tham gia, huy động tối đa các nguồn lực để gia tăng trải nghiệm, tính hấp dẫn cho ngành du lịch.

Kinh tế ban đêm sôi đông ở Phố đi bộ Bùi Viện (Ảnh: Internet).
Kinh tế ban đêm sôi đông ở Phố đi bộ Bùi Viện (Ảnh: Internet).

Tất cả sẽ góp phần đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và giúp sớm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Vừa qua, ngành du lịch đã xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm theo 5 mô hình hoạt động cơ bản để các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế có thể áp dụng triển khai:

- Mô hình dịch vụ hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật đêm; 
- Mô hình dịch vụ mua sắm, giải trí đêm; 
- Mô hình dịch vụ tham quan du lịch đêm; 
- Mô hình dịch vụ giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm;
- Cung cấp sản phẩm, dịch vụ ăn uống giới thiệu ẩm thực truyền thống Việt Nam và ẩm thực nổi tiếng thế giới…

Kinh tế ban đêm sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển (Ảnh: Internet).
Kinh tế ban đêm sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển (Ảnh: Internet).

Tất cả các hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. 

Phát triển kinh tế ban đêm - Phát triển du lịch là đòn bẩy gia tăng giá trị bất động sản

Kinh tế ban đêm là hướng phát triển tất yếu để đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh, đồng thời bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng hưởng lợi rất lớn từ mô hình này.

Lợi ích kinh tế khổng lồ đi kèm tiềm năng gia tăng giá trị bất động sản vượt trội. 

Kinh tế ban đêm được nhiều doanh nghiệp xác định chính là đòn bẩy để gia tăng giá trị bất động sản.

Khi kinh tế ban đêm phát triển, du lịch và bất động sản cũng tăng trưởng đáng kể (Ảnh: Internet).
Khi kinh tế ban đêm phát triển, du lịch và bất động sản cũng tăng trưởng đáng kể (Ảnh: Internet).
Theo đó, lĩnh vực du lịch được chú trọng đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, kéo dài ngày lưu trú, mức chi tiêu trung bình và sự hài lòng của du khách.

Khảo sát của Ernst & Young (E&Y) cho thấy, ngành công nghiệp về đêm đóng góp cho nước Anh khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. 

E&Y ước tính khu vực kinh tế ban đêm của London có thể mang về gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu năm 2030, cao hơn 15% so với hiện nay.

Gần với Việt Nam hơn, Thái Lan cũng dự báo việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo tính toán của Bộ Du lịch và Thể thao nước này - E&Y dẫn chứng.

Kinh tế về đêm ở Bangkok cực kỳ phát triển, đi kèm đó là những phát triển về du lịch (Ảnh: Internet).
Kinh tế về đêm ở Bangkok cực kỳ phát triển, đi kèm đó là những phát triển về du lịch (Ảnh: Internet).

Mô hình phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm của Thủ đô Hà Nội hay đường Nguyễn Huệ, phố Bùi Viện của Thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng.

Thành công của mô hình này được minh chứng bằng sự thăng hạng của bất động sản tại khu vực này (Ảnh: Internet).
Thành công của mô hình này được minh chứng bằng sự thăng hạng của bất động sản tại khu vực này (Ảnh: Internet).
Giá đất tại đường Nguyễn Huệ và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm nhiều năm qua không dưới một tỷ đồng cho mỗi mét vuông. 

Mức giá tại đường Bùi Viện cũng rục rịch xoay quanh mốc một tỷ đồng.

Kinh tế đêm đã thực sự trở thành đòn bẩy giúp gia tăng giá trị bất động sản.

Các chuyên gia nhận xét, chính sự thành công này đã thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh lập đề án quy hoạch 22 đường ở trung tâm thành phố đi bộ trong những năm tới, giúp hạn chế xe vào nội đô, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế đêm. 

Tương tự, trong kế hoạch phát triển giai đoạn tới, thành phố Hà Nội cũng sẽ phát triển mô hình kinh tế ban đêm và mở thêm các tuyến phố đi bộ.

Hà Nội cũng có nền kinh tế về đêm không hề kém cạnh (Ảnh: Internet).
Hà Nội cũng có nền kinh tế về đêm không hề kém cạnh (Ảnh: Internet).
Nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản tại những thành phố thu hút đông khách du lịch cũng nhận thấy tiềm năng này và chủ động đón đầu kinh tế ban đêm.

Tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, dự án Mũi Né Summerland được xem như dự án tiên phong hưởng ứng phát triển theo mô hình kinh tế đêm tại địa phương này. 

Về đêm, dự án Mũi Né Summerland cho phép cư dân có thể ngồi uống bia, nghe nhạc, tham gia lễ hội và hưởng gió biển (Ảnh: Mũi Né Summerland).
Về đêm, dự án Mũi Né Summerland cho phép cư dân có thể ngồi uống bia, nghe nhạc, tham gia lễ hội và hưởng gió biển (Ảnh: Mũi Né Summerland).
Bức tranh kinh tế đêm nhiều màu sắc sẽ giúp hai đầu tàu thu hút dòng vốn đầu tư khủng, nâng hạng các ngành thương mại - dịch vụ và tạo đà tăng trưởng bền vững cho bất động sản. 

Ngoài ra, chính doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch là người đang tạo ra “cuộc chơi” từ hệ sinh thái, tiện ích để đáp ứng nhu cầu khách hàng đến các lễ hội, sự kiện, thu hút tất cả các khách tới tham dự.

Kinh tế ban đêm - Đầy tiềm năng nhưng vẫn đối mặt với không ít thách thức

Theo nhiều du khách, sau nhiều năm phát triển du lịch, hoạt động ban ngày đa dạng hơn nhưng vào mỗi tối, các du khách đều phải lặp lại hành trình quen thuộc đi ăn, dạo bộ trên bờ biển và kết thúc tại một quán cà phê ven biển.

Vậy nên nhiều khách du lịch đã trải nghiệm hết có thể phải rất lâu sau họ mới muốn quay trở lại.

Phố ẩm thực Quy Nhơn chưa gây hứng thú cho khách du lịch (Ảnh: Internet).
Phố ẩm thực Quy Nhơn chưa gây hứng thú cho khách du lịch (Ảnh: Internet).
Đà Nẵng vốn được coi là điểm đến hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước cũng cần thêm nhiều sản phẩm hút du khách, nhất là nhu cầu giải trí về đêm.

Chị Đặng Thu Ngân, một du khách ở Hà Nội du lịch Đà Nẵng tháng 6 vừa qua, cho hay:

"Đi xem cầu Rồng phun lửa nhiều cũng chán trong khi tầm 10 giờ đêm đường phố Đà Nẵng đã bắt đầu vắng người, còn chợ đêm không có gì hấp dẫn, sáng có gì tối có nấy. Ít quán cà phê nào mở 24/24 còn các quán bar ồn ào lại không phải ai cũng phù hợp"

Chợ đêm Helio tại Đà Nẵng (Ảnh: Internet).
Chợ đêm Helio tại Đà Nẵng (Ảnh: Internet).
Không chỉ với khách du lịch trong nước, du khách quốc tế cũng cùng chung cảm nhận về du lịch đêm ở Việt Nam. 

Ông Amit Bhardwaj, một du khách người Ấn Độ đang có chuyến công vụ kết hợp đi du lịch tại Hà Nội gần 1 tháng cho biết:

“Nếu không ra Tạ Hiện thì lại lên các quán bar, pub… ngoài các chỗ này tôi không biết phải đi đâu để giải trí vào ban đêm cả. Tôi hay đùa với đồng nghiệp rằng chúng ta nên học cách ngủ sớm khi tới Việt Nam” 

Hà Nội về đêm vẫn còn chưa thực sự có nhiều hoạt động để hấp dẫn du khách (Ảnh: Internet).
Hà Nội về đêm vẫn còn chưa thực sự có nhiều hoạt động để hấp dẫn du khách (Ảnh: Internet).
Các loại hình, sản phẩm du lịch đêm diễn ra dưới đa dạng hình thức, song lại thiếu sản phẩm du lịch đủ sức thu hút du khách.

Lời kết

Việc tăng cường sản phẩm du lịch vào ban đêm sẽ khuyến khích du khách ở lại Việt Nam lâu hơn, kích thích nhu cầu tiêu dùng, chi tiêu nhiều hơn.

Từ đó, kinh tế ban đêm không những góp phần phát triển du lịch, bất động sản mà còn tăng trưởng kinh tế toàn quốc.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật về đêm mà còn bao gồm hàng loạt dịch vụ như dịch vụ vận tải, thương mại, những sản phẩm mang tính sáng tạo như biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh…

Các sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam cần sự mới mẻ, cởi mở hơn sao cho phù hợp với xu hướng thế giới những không làm đánh mất bản sắc văn hóa vùng miền. 

Tiềm năng của nền kinh tế ban đêm tại Việt Nam là vô cùng hấp dẫn, đây là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, mở rộng kinh doanh và phát triển kinh tế nước nhà.