Điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện sạch tại các lĩnh vực sản xuất và đời sống nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính với mục tiêu đạt zero vào năm 2050 tại Việt Nam.
Điện gió ngoài khơi là một hình thức phát điện khai thác sức gió ngoài biển, biến thành điện năng và cung cấp cho mạng lưới truyền tải điện trên bờ.
Ý nghĩa của Xu hướng điện gió ngoài khơi
- Điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng có chi phí xây dựng rẻ hơn so với các loại năng lượng khác như than, hạt nhân và khí đốt.
- Tốc độ gió trên đại dương thường ổn định và mạnh hơn trên đất liền, nên ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn so với năng lượng gió trên bờ.
- Điện gió ngoài khơi được coi là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải chất ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch và khí nhà kính.
- Phát triển điện gió ngoài khơi sẽ hữu dụng hơn vì dự án sẽ không bị vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, sẽ giảm thiểu được độ ồn và tần số rung tác động đến thói quen sinh trưởng của động -thực vật.
- Các trang trại gió ngoài khơi cũng có ít tác động trực quan và tiếng ồn hơn, và sẽ ít ảnh hưởng tới những chủ thể sử dụng biển hiện tại, chẳng hạn trong lĩnh vực quân sự, vận tải biển, đánh cá và du lịch.
Case Study tiêu biểu - Dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan
Việt Nam tham gia Dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc)
Nhà thầu Yushan Energy, công ty con của hãng Enterprize Energy và nhà sản xuất điện độc lập Canada Northland Power đã chọn một công ty của Việt Nam để xây dựng hai trạm biến áp ngoài khơi cho các dự án điện gió Hai Long Offshore Wind Power 2 và 3 (Dự án điện gió Hải Long).
Các địa điểm này sẽ cung cấp hơn 1 GW năng lượng gió sau khi được vận hành vào năm 2025 - 2026.
Dự án điện gió Hải Long nằm ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc) cách bờ khoảng 50 km, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt 5,5 GW điện gió ngoài khơi và đảm bảo vị trí hàng đầu cho Đài Loan (Trung Quốc) về sản xuất điện gió tại khu vực Đông Á.
Liên danh Việt Nam do Semco Maritime và Công ty TNHH 1 TV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đứng đầu sẽ cung cấp thiết kế, kỹ thuật, mua sắm, xây dựng và chạy thử 2 trạm biến áp ngoài khơi.
Vỏ bọc trạm biến áp sẽ được sản xuất tại nhà máy của PTSC M&C tại Vũng Tàu - trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của Việt Nam hiện nay.
Cẩm nang ứng dụng Xu hướng
- Phần lớn các dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi quy mô lớn đang được lắp đặt với các tua bin trục ngang, nhưng tua bin gió trục đứng đã được đề xuất sử dụng cho các công trình ngoài khơi.
- Điện gió ngoài khơi có mức độ phức tạp cao, thời gian xây dựng và phát triển lâu hơn, cùng với đó là chi phí đầu tư cũng lớn hơn so với các trang trại gió trên bờ. Do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị một lộ trình phù hợp cho sự phát triển của ngành đặc thù này.
- Thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, đòi hỏi phải nâng cấp hệ thống hiện có và khả năng truyền tải sản lượng điện năng lớn trên khắp cả nước.
- Các trang trại gió ngoài khơi cần được xây dựng trong các vùng nước nơi có tốc độ gió cao hơn.