Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn 400 triệu người đang sử dụng dịch vụ phát trực tuyến video OTT, 69% xem video trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần.
Sự tiện ích, dễ dàng sử dụng đang giúp OTT ngày một phổ biến
OTT được dự báo sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai bởi nền tảng này giúp người dùng dễ dàng xem trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, TV thông minh hay máy tính bảng.
OTT loại bỏ hoàn toàn những bất cập trước đây như phải ngồi một chỗ trước TV hay sóng truyền hình dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Nền tảng này cũng cho phép người dùng đăng nhập và mua gói linh hoạt.
Người dùng có thể đăng ký tài khoản ngay lập tức thông qua số điện thoại hay tài khoản email, mạng xã hội.
Các gói dịch vụ cũng được thanh toán bằng hình thức trực tuyến qua thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hay qua tin nhắn điện thoại.
Một lý do nữa khiến OTT ngày càng phổ biến là nội dung phong phú.
Nền tảng này sở hữu nội dung khác biệt, đa dạng so với truyền hình truyền thống với kho tài nguyên khổng lồ từ Internet.
Người dùng cũng có thể xem lại, tua đi theo sở thích cá nhân.
Kết quả cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Milieu Insights, trụ sở tại Singapore cho biết 3 thị trường có tỉ lệ người xem OTT hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Singapore (91%), Australia (81%) và Indonesia (76%).
Ở Indonesia, tỷ lệ xem OTT đang tăng đột biến, 79% người xem trong độ tuổi 18-34.
Người dùng ở các quốc gia như Philippines, Indonesia và Australia dành ít nhất 2 giờ mỗi ngày để xem các nội dung trên nền tảng.
Tính năng hấp dẫn của nền tảng OTT
Về cơ bản, OTT (Over The Top) là giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet.
Lĩnh vực được ứng dụng nhiều nhất đó là cung cấp các nội dung về truyền hình qua các giao thức internet và nhiều Video theo yêu cầu (VOD) tới người dùng cuối cùng.
Bất kỳ chủ tài khoản nào cũng có thể tận hưởng trải nghiệm nội dung có giá trị qua ứng dụng OTT tương tự mà nhiều khi không phải mất phí hoặc chỉ phải trả phí rất thấp.
Nhiều năm trước để xem truyền hình cáp cần có một bộ giải mã truyền hình. Ngày nay chúng ta có thể xem nội dung OTT từ rất nhiều các thiết bị.
Các thiết bị có thể sử dụng những ứng dụng OTT như máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh, TV thông minh, máy tính bảng, máy chơi game, một số OTT Player thông dụng (Roku, Dune, Apple TV,…).
Các nội dung của OTT chủ yếu tập trung trong lĩnh vực truyền hình được phát triển từ bên thứ ba như Hulu, Netflix, HBO, MyTV, HDO, HayhayTv, Zing TV (xem phim trực tuyến), Facebook, Twitter (mạng xã hội), Zalo, Viber, Skype…
Các nội dung này được chuyển tải đến một thiết bị người dùng cuối và các nhà cung cấp dịch vụ Internet chỉ chịu trách nhiệm vận chuyển các gói tín hiệu.
Lợi ích của truyền hình internet OTT là gì?
Với cách thức hoạt động như trên, truyền hình OTT mang lại nhiều lợi ích cho người dùng như:
Đa dạng chương trình để lựa chọn:
Truyền hình OTT cung cấp nhiều nội dung từ bên thứ ba để người dùng lựa chọn như: video, âm thanh, tin nhắn, VOIP.
Xem nội dung chất lượng cao với chi phí thấp:
Người dùng có thể xem phim, nghe nhạc, giải trí…qua nhiều nền tảng khác nhau.
Sử dụng được trên nhiều thiết bị:
Người dùng có thể sử dụng đủ mọi thiết bị ở bất kì đâu, miễn là được kết nối internet và đã tải ứng dụng.
Cụ thể là: thiết bị di động, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính, Smart TV, máy chơi game và một số OTT Player thông dụng.
Nhiều đơn vị cung cấp nội dung OTT ra đời tại Việt Nam
Cũng theo khảo sát của Milieu Insights, số lượng người xem OTT qua TV thông minh đang có xu hướng tăng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ước tính, có khoảng 20% người dùng đang xem các nội dung trực tuyến qua TV thông minh.
Nắm bắt xu thế đó, tại Việt Nam, nhiều đơn vị cung cấp nội dung OTT ra đời.
Từ năm 2016 đến nay, lần lượt các ứng dụng OTT truyền hình đã ra đời như:
MyK+ NOW, SCTV VOD, VTVcab ON, VTC Now, FPT Play, TV360,... và nhiều nhà cung cấp đã bắt đầu thu phí với mức dao động từ 20.000 - 125.000 đồng tùy gói cước.