Sau 2 tuần khai mạc, triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo đã thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác và giao dịch.
Trong đó, các doanh nghiệp Lộc Trời, BWG Mai Châu, Deluxnuts, Trung Hải và BambooVina với những sản phẩm nông nghiệp như gạo, tre, các loại hạt và trái cây sấy, thiết bị khoa học kỹ thuật,... là những cái tên nổi bật nhất trong triển lãm.
Triển lãm thực tế ảo của diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp.
Triển lãm thực tế ảo (Virtual Exhibition) nằm trong khuôn khổ của diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam. Đây là một diễn đàn quy mô lớn được tổ chức bởi VnExpress và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), hướng đến việc thảo luận các vấn đề quan trọng trong chiến lược nông nghiệp Việt Nam.
Đây là triển lãm thực tế ảo chuyển đổi số Nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, khai mạc từ ngày 28/06/2021 và dự kết kết thúc vào ngày 28/08/2021. Nền tảng thực tế ảo do đơn vị Tourzy cung cấp, với cách thiết kế và bày trí gian hàng hiện đại, nhiều tiện ích.
Khách tham quan có thể tìm hiểu về doanh nghiệp thông qua lời giới thiệu tổng quan, link website hoặc web VR, hình ảnh, video,... Bên cạnh đó, triển lãm cũng hỗ trợ thương mại hoá và kết nối đầu tư cho doanh nghiệp với khách hàng thông qua kênh chat của nền tảng hoặc email.
Lộc Trời, BWG Mai Châu, Deluxnuts, Trung Hải và BambooVina là 5 doanh nghiệp sở hữu gian hàng được tương tác nhiều nhất trong triển lãm thực tế ảo.
Dẫn đầu lượt khách tham quan và tương tác trên triển lãm hiện nay là gian hàng của Tập đoàn Lộc Trời với gạo Thiên Vương được tạo ra từ giống lúa LT28 (Lộc Trời 28) nổi tiếng thế giới.
Đây cũng là đơn vị sản xuất lúa gạo đạt 100 điểm SRP (Rice Sustainable Platform - Bộ 46 tiêu chí sản xuất lúa gạo bền vững theo chuẩn quốc tế) duy nhất trên thế giới.
Đến với triển lãm thực tế ảo, tập đoàn Lộc Trời mang đến các sản phẩm lúa gạo, cà phê, hạt giống và các dịch vụ nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ,...
Đứng thứ hai về lượt tương tác là gian hàng Tre công nghiệp BWG của Công ty cổ phần BWG Mai Châu.
Mục đích của doanh nghiệp khi tham gia triển lãm thực tế ảo tìm kiếm những đối tác tiềm năng nhằm phát triển và phổ biến các sản phẩm làm từ tre vừa đẹp, vừa tiện lợi và thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm tre BWG được quan tâm là các phôi tre ép công nghiệp (ván tre ép), đồ gia dụng (đĩa, khay, thớt làm từ tre), nội thất (bàn, ghế, kệ bằng tre),... Đây đều là các sản phẩm thân thiện với môi trường và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn châu Âu.
Tiếp đến là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Deluxnuts với gian hàng Hạt, trái cây sấy và cà phê. Deluxnuts hướng đến việc phát triển ngành chế biến và xuất khẩu nông sản với mục tiêu phổ biến đến từng người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế những sản phẩm nông sản Việt.
Các sản phẩm được khách hàng tham gia triển lãm chú ý của doanh nghiệp là các loại hạt như đậu phộng và hạt điều. Đặc biệt, cà phê rang mộc chế biến thủ công và không chất phụ gia của Deluxnuts được thu hoạch từ trang trại Cầu Đất tại cao nguyên Lâm Đồng.
Với sản phẩm này, khách hàng có thể được nhân viên hỗ trợ phối trộn và pha chế cà phê theo ý thích để có được trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Trong số những gian hàng nông sản, gian hàng Thiết bị Khoa học Kỹ thuật của Công ty Trung Hải lại rất nổi bật.
Công ty Trung Hải tham gia triển lãm với các sản phẩm công nghệ phục vụ nông nghiệp như máy kiểm tra chất lượng quả, thiết bị và hệ thống đo lường môi trường, thiết bị kiểm tra và phân tích tình trạng sức khỏe cây trồng,...
Cũng như BWG, BambooVina cũng mang đến triển lãm gian hàng Tre ép thanh với các sản phẩm bằng tre như tấm panel tre, tấm tre ghép mỏng, tre ghép khối,...
Đặc biệt, doanh nghiệp cũng sản xuất đồ nội thất bằng tre hướng đến nhiều đối tượng như nội thất văn phòng, nội thất gia đình và thậm chí là các sản phẩm trang trí nhà hàng, khách sạn,...
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt trong thời điểm kinh tế khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Sau khi kết thúc triển lãm, doanh nghiệp có thể xem lại báo cáo thống kê chuyên sâu về khách hàng và sản phẩm, từ đó đề ra những phương án kinh doanh và tiếp thị để tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục trưng bày sản phẩm trong thời hạn 2 tháng kể từ khi chính thức lên kệ. Nếu muốn tiếp tục duy trì gian hàng trên diễn đàn, doanh nghiệp chỉ cần đóng phí duy trì 500.000 VNĐ mỗi tháng.
Với sự tham gia sôi nổi của các doanh nghiệp và lượng tương tác khả quan đến từ các khách hàng tham quan, triển lãm đã phần nào thúc đẩy doanh số bán hàng của các doanh nghiệp trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh.
Theo VnExpress.