Tiếp cận cơ chế kinh doanh phát thải
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 đã đưa ra nguyên tắc “người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền”.
Chương trình kinh doanh phát thải carbon (ETS) của Việt Nam đã tạo ra một công cụ định giá thị trường.
Với công cụ này, các cơ sở sản xuất, địa phương và quốc gia tìm cách giảm mức phát thải, có thể mua các khoản tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải thực tế của từng nơi.
Cơ chế định giá này sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách và công cụ bổ sung như hệ thống kiểm kê khí thải quốc gia, hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh và cơ quan đăng ký quốc gia.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối năm 2021 chỉ ra bốn nguyên nhân mà Việt Nam cần phải thay đổi và cần thực hiện cơ chế ETS.
- Một, lượng khí thải tính theo GDP của Việt Nam tăng 48% từ năm 2000-2010.
- Hai, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
- Ba, cơ chế ETS được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải.
- Bốn, yếu tố thị trường, nếu Việt Nam không phát triển được thị trường carbon trong nước, không đạt được yêu cầu giảm phát thải carbon theo các tiêu chuẩn EU, đây sẽ là rào cản đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và nhiều thị trường khác.
Bên cạnh đó, hợp tác song phương của EU với các chương trình phát thải carbon quốc gia khác như của Trung Quốc có thể đặt các nhà xuất khẩu Việt Nam vào tình thế cạnh tranh bất lợi.
Xây dựng thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam
Các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế.
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã tham gia "Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về sử dụng rừng và sử dụng đất" tại COP 26.
Và "Đối tác của các nhà lãnh đạo về rừng và khí hậu" tại COP 27.
Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết, thách thức, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc huy động được nguồn lực tài chính ổn định, bền vững.
Chính vì vậy hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn tài chính bền vững cho ngành lâm nghiệp sẽ là giải pháp cần ưu tiên trong các chính sách biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Từ sau COP 26 và COP 27 có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam với mong muốn đầu tư vào thị trường carbon.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lo ngại việc chưa có hành lang pháp lý.
Doanh nghiệp cần một bên điều phối tốt từ phía cơ quan của Chính phủ để hướng dẫn vì thị trường carbon có rất nhiều ngành nghề.
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có hệ thống đăng ký về "quyền carbon" hay danh sách các cơ sở, dự án về carbon để các doanh nghiệp tìm đến".
Dự kiến 2028, Việt Nam sẽ có sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức
Từ nay đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam.
Đồng thời triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng…
Và đến năm 2028 sẽ chính thức tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon, đây là thông tin mới được đưa ra tại hội thảo "Thị trường carbon rừng: Kết quả sau COP27 và lộ trình xây dựng thị trường carbon rừng tại Việt Nam".
Tại hội thảo, phần lớn diễn giả phân tích thực trạng, xu hướng tương lai của thị trường carbon rừng, chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia về cách vận hành thị trường carbon rừng.
Từ đó, hội thảo đề xuất xây dựng lộ trình thị trường carbon rừng Việt Nam.
"Việt Nam có thể đi sau so với các quốc gia khác, nhưng nếu có hành lang pháp lý ổn định, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư và có cam kết chính trị để hướng tới thị phần đang khan hiếm trong thị trường, đó là thị trường phân khúc giá trị cao, thì Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng", bà Phạm Thu Thủy, Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu, Năng lượng tái tạo và Phát triển carbon thấp toàn cầu, Tổ chức Cifor - Icraf, đánh giá.
Diện tích rừng Việt Nam có 14,7 triệu ha, với độ che phủ rừng khoảng 42%, độ đa dạng sinh học cao, 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng.
Theo các chuyên gia, đây là lợi thế để Việt Nam bán được tín chỉ carbon rừng chất lượng cao.
Lời kết
Như vậy, sàn giao dịch tín chỉ Carbon đang là hướng đi mới nhằm tập hợp, thu hút dòng tài chính xanh cho đầu tư phát triển bền vững.
Nắm vững các quy định pháp luật, lộ trình triển khai, nguyên lý vận hành thị trường... là những điều kiện để doanh nghiệp Việt có thể tham gia hiệu quả vào thị trường carbon.