Vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc đã lung lay khi liên tục chịu ảnh hưởng từ tình trạng thiếu hụt nguồn nhân công, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và mới đây là dịch Covid-19.
Sự bất ổn này khiến nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển dịch hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đơn cử, tỷ trọng sản xuất của Foxconn (đối tác sản xuất lớn của Apple, Dell và Nintendo) bên ngoài Trung Quốc năm 2020 là 30% trong khi con số ghi nhận vào tháng 6/2019 đạt mức 25%.
Mặt khác, để đối phó sự gián đoạn chuỗi cung ứng xuất phát từ đại dịch và những vấn đề tại Trung Quốc, một số tổ chức thương mại và chính phủ các nước cũng có động thái tương tự.
Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.
Chính phủ Nhật Bản công bố quỹ trị giá 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất Nhật Bản quay trở lại nước này hoặc chuyển dây chuyền sang Đông Nam Á nếu họ rời khỏi Trung Quốc.
Các diễn biến trên đã dấy lên làn sóng tìm kiếm các “công xưởng mới” và Đông Nam Á được xướng tên như một vùng đất hứa.
Sản xuất dịch chuyển sang Đông Nam Á
Đông Nam Á có những lợi thế đặc thù về sản xuất mà ít có khu vực nào trên thế giới có được.
Ngoài những lợi thế sẵn có như vị trí chiến lược với kinh tế (nhất là yếu tố cận thị trường Trung Quốc), giá nhân công cạnh tranh… thì quyền lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA, AFTA), trình độ sản xuất và tư duy công nghệ liên tục phát triển nhờ chính sách đầu tư phù hợp đã giúp nhiều nước Đông Nam Á lọt “mắt xanh" của nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những lợi thế này vẫn có sự phân hoá. Một số nước được đánh giá cao hơn khi cân nhắc trở thành “công xưởng mới” nhờ mức độ ổn định về chính trị và trên hết, là khả năng kiểm soát tốt đại dịch toàn cầu đang diễn ra hiện nay. Đây đều là những lợi thế đặc thù của Thái Lan và Việt Nam.
Trong đó, nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng của Thái Lan đều phát triển hơn so với mặt bằng chung khu vực Đông Nam Á và đi trước so với các nước khu vực (trước 30 - 40 năm so với Việt Nam).
Thậm chí, Thái Lan đã được coi như một công xưởng gia công và sản xuất đồ điện tử cho nhiều nhãn hàng lớn (tại Nhật) để phục vụ cả thị trường Đông Nam Á. Nhận định này không khó để khẳng định khi các sản phẩm “made in Thailand" thường có thời gian sử dụng cao và được người tiêu dùng tại nhiều thị trường tin chọn, trong đó có Việt Nam.
Đơn cử ở sản phẩm điều hoà, ông Trần Văn Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hikawa Việt Nam – chủ thương hiệu điều hòa HIKAWA được sản xuất và lắp ráp tại Thái Lan, cho biết, Đức và Nhật Bản luôn được nhắc đến đầu tiên khi nói về công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, hàng điện tử, điện lạnh.
"Tuy nhiên, từ nhiều năm qua Thái Lan đã được các hãng sản xuất công nghiệp lớn như Toyota, Honda, Daikin, Misubitshi,.. lựa chọn là nơi sản xuất hàng hóa của họ phục vụ thị trường Đông Nam Á và xuất khẩu ra thế giới”, ông Tuyển nói.
Theo ông Tuyển, nhiều sản phẩm của các thương hiệu sản xuất tại Thái Lan như xe máy Honda, ô tô Toyota xuất Thái Lan, máy lạnh Daikin, quạt điện JIPLAI vào Việt Nam từ hơn 20 năm trước đã chứng minh độ bền và chất lượng nên luôn được ưa chuộng tại thị trường nước ta.
Bản thân Hikawa khi bước chân vào thị trường sản xuất máy điều hòa, sau thời gian dài nghiên cứu thị trường cũng đã quyết định chọn Thái Lan là nơi để phát triển sản phẩm và tập trung đầu tư thương hiệu máy lạnh chất lượng cao cho phân khúc tầm trung.
Ông Tuyển giải thích thêm trên quan điểm về chất lượng và khả năng tối ưu hiệu quả kinh doanh.
Thứ nhất, tiêu chuẩn và quy trình trong sản xuất của nước bạn khá nghiêm ngặt, hoàn toàn có thể cạnh tranh với việc sản xuất sản phẩm tương tự có xuất xứ tại các nước phát triển; trong khi đó, chi phí sản xuất lại rất phù hợp để cấu thành giá cả đáp ứng nhu cầu của đa số người dân Việt Nam.
Thứ hai, Hikawa chọn Thái Lan vì được hưởng lợi về thuế nhập khẩu do Việt Nam và Thái Lan đều tham gia vào AFTA - một quyền lợi rất đáng cân nhắc giữa lúc chi phí logistic đang tăng khá cao.
Ngoài ra với người tiêu dùng, họ quan tâm sự gần gũi của sản phẩm với bản thân vì những sản phẩm điều hòa Thái Lan rất phù hợp đối với khí hậu tại Việt Nam do hai nước có nét tương đồng về khí hậu, đó chính là điểm cộng trong việc tối ưu kết quả kinh doanh.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình từ các đơn vị nhập khẩu và phân phối. Đơn cử, đại diện Công ty CP Cơ điện lạnh Tân Phát với mười năm kinh nghiệm kinh doanh điều hòa, máy lạnh cho biết, các sản phẩm điện lạnh của Thái Lan hoặc được sản xuất tại Thái Lan đều có giá thành rất cạnh tranh mà chất lượng lại đảm bảo.
Điều này sẽ giúp các công ty phân phối như Tân Phát mở rộng được tệp khách hàng, từ cá nhân, doanh nghiệp cho đến các dự án xây dựng quy mô lớn.
“Khách hàng và cả chúng tôi nay đã có thêm những lựa chọn, thay vì giới hạn ở các thương hiệu Nhật, Hàn, Trung Quốc… như trước kia. Trên quan điểm kinh doanh, tôi tin việc chọn lựa sản phẩm 'made in Thailand' sẽ là xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới ở Việt Nam", ông Tuyển nhấn mạnh.
Việt Nam tìm đường thoát phận gia công
Nếu Thái Lan đang trở thành điểm sáng về sản xuất điện tử, đồ gia dụng thì Việt Nam lại cho thấy những tiềm năng lớn về phát triển công nghệ phụ trợ. Đây được xem là hệ quả từ các chính sách mở cửa đầu tư và mục tiêu hoàn thành kế hoạch công nghiệp hoá vào 2030 của Việt Nam nhiều năm nay.
Tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến ThacoPart - “đề án” được chính phủ "đặt hàng" cho tập đoàn Thaco đến nay đã có các kết quả tích cực nhất định.
Thaco Parts là mảng cung ứng linh kiện OEM của Thaco đã đầu tư sản xuất và cung cấp các linh kiện nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam của các hãng như Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), Mitsubishi Fuso (Nhật Bản).
Ngoài ra, đối với nhiều “ông lớn" khác tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Nga, Thaco Parts còn là nhà cung cấp OEM (cấp 1 và cấp 2), nhà xuất khẩu các sản phẩm phụ kiện, linh kiện công nghiệp (ngành vận tải, cơ khí nông nghiệp…).
Theo báo cáo doanh nghiệp, doanh thu xuất khẩu linh kiện năm 2019 đạt 15 triệu USD, năm 2020 dự kiến đạt 21 triệu USD.
Theo TheLEADER