Với điện toán đám mây (cloud), mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các "dịch vụ".
Điều này cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó "trên đám mây" mà không cần phải có các kiến thức công nghệ quá chuyên sâu, cũng như không cần phải đầu tư để xây dựng các cơ sở hạ tầng vật lý.
Với cách giải thích này, Viettel IDC đã biến một khái niệm "nặng nề" trở nên gần gũi với cuộc sống hơn.
Đây là một trong những hành động tiếp nối hành trình tiên phong trong các dịch vụ về trung tâm dữ liệu (TTDL) và điện toán đám mây của doanh nghiệp này, nhằm xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin cho công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.
Những lần đầu tiên của Viettel trên thị trường dữ liệu và điện toán đám mây
Ngày 6-3-2008, Tập đoàn Viettel thành lập Viettel IDC và đầu tư để trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ TTDL đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Thời gian sau đó, thương hiệu này đã xây dựng 2 trung tâm dữ liệu tiên phong theo tiêu chuẩn Rated 3 - TIA 942 tại Việt Nam - mốc son đánh dấu việc thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ TTDL tốt nhất đến khách hàng, cùng với TTDL tại Bình Dương - là một trong những TTDL lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, Viettel IDC có 5 TTDL, hàng đầu về quy mô và hiện đại. Năm 2013, khi chính thức cung cấp dịch vụ Public Cloud, thương hiệu này một lần nữa đi tiên phong.
Thời đó, các dịch vụ đám mây cơ bản như dịch vụ máy chủ ảo giá rẻ (Cloud VPS) - phân vùng một máy chủ vật lý thành nhiều máy chủ ảo khác nhau - được cung cấp tại Việt Nam nhưng dịch vụ không ổn định, không an toàn và bị giới hạn tài nguyên.
Để giải quyết vấn đề, Viettel IDC là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng, cung cấp dịch vụ máy chủ ảo Cloud Server sử dụng giải pháp phần mềm của VMWare - một nhà cung cấp giải pháp công nghệ đám mây nổi tiếng thế giới cho khách hàng Việt, với mức đầu tư lên tới hàng trăm nghìn USD.
Những năm sau, thương hiệu tiếp tục phát triển hệ sinh thái dịch vụ Cloud của mình, đáp ứng thêm nhiều tiêu chuẩn/chứng chỉ quốc tế về an toàn thông tin và Cloud như:
- Chứng nhận về bảo mật an toàn thông tin (ISO 27017)
- Quản lý an toàn thông tin (ISO 27001)
- Bảo mật dữ liệu thẻ (PCI DSS)…
Điều này đã nâng chất lượng các dịch vụ đám mây "make in Vietnam" lên tầm cao mới.
Hiện nay, giải pháp Viettel Cloud của đơn vị này là một trong 5 nền tảng đám mây đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.
Giống như những gì mà Viettel đã làm trong cuộc bình dân hóa cước điện thoại di động, sự tiên phong của doanh nghiệp đã khiến các nhà cung cấp khác cũng phải thay đổi, bước vào chặng đường cung cấp những dịch vụ đám mây chất lượng quốc tế với mức giá Việt Nam và góp phần làm thị trường Cloud tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Cú đột phá của bán hàng tự động
Không dừng lại ở đó, đây là đơn vị đột phá thị trường Cloud nhờ hệ thống bán hàng tự động Automation.
Thay vì phải mất 5-10 ngày được cấp phát tài nguyên, hệ thống Automation phục vụ khách hàng trong việc mua, dùng thử, thanh toán dịch vụ, cho phép sử dụng hệ thống 24/7, Viettel IDC đã rút ngắn thời gian còn 5 - 10 phút/đơn hàng.
Tự động hóa việc cung cấp dịch vụ đã giúp tăng 100% số lượng đơn hàng Cloud hằng năm cho doanh nghiệp. Năm 2018 doanh nghiệp này ghi nhận 11.000 đơn hàng qua Automation với 67 tỉ đồng doanh thu. Năm 2019 con số là 80 tỉ đồng với 13.200 đơn hàng.
Song song với việc đa dạng hóa hệ sinh thái dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, tiệm cận với công nghệ trên thế giới, Viettel IDC cũng truyền thông phủ rộng đến tất cả các đối tượng: khách hàng tiềm năng, khách hàng cá nhân, khách hàng quốc tế, sinh viên… Điển hình là fanpage với chuyên mục "Bạn có biết" hay talkshow về công nghệ trực tuyến.
Viettel IDC tiên phong giải quyết các vấn đề của thời đại số
Trong báo cáo mới đây của Accenture - một trong các công ty tư vấn công nghệ lớn nhất thế giới, để đối phó với đại dịch COVID-19, các công ty trên toàn cầu không ngần ngại đổ tiền vào hoạt động chuyển đổi số để bảo toàn cho hoạt động kinh doanh liên tục trong và sau đại dịch.
Theo đó, chi phí cho công nghệ đám mây trong quý 1-2020 đã tăng gấp 3 lần năm 2019 và tại thời điểm tháng 11-2020, 70% công ty đang sử dụng đám mây trên toàn cầu có kế hoạch tăng chi tiêu to công nghệ này để khắc phục các gián đoạn trong hoạt động kinh doanh do COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, kể cả sau khi COVID-19 đã đi qua, dữ liệu và "kho" chứa dữ liệu vô hạn vẫn luôn là tài nguyên cực kỳ quan trọng cho sự phát triển không ngừng của kinh tế, xã hội ngày nay, đặc biệt là tại Việt Nam - nơi mà chuyển đổi số được đặt mục tiêu là nhiệm vụ tầm quốc gia.
Trong năm 2021, đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ.
Với vị thế là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu tại Việt Nam, đây sẽ là tên tuổi tiếp tục tiên phong sáng tạo ra các giải pháp mới, đóng vai trò là một trong 4 doanh nghiệp nòng cốt, làm chủ công nghệ, sẵn sàng hạ tầng điện toán đám mây "Make in Vietnam" cho chuyển đổi số.
Theo Tuổi trẻ