Bia Hạ Long và những bước tăng trưởng vượt bậc
Sự khởi đầu của Công ty cổ phần Bia và nước giải khát Hạ Long bắt nguồn từ năm 1967 với tên gọi Nhà máy liên hợp thực phẩm Hồng Gai.
Ngày ấy nơi đây giữ một vai trò quan trọng trong việc sản xuất và phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân Hồng Gai.
Trải qua nhiều thay đổi, công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Bia & Nước giải khát Hạ Long vào tháng 02/2003 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
Con số này được duy trì suốt những năm qua cho đến khi công ty phát hành 90.000 cổ phiếu thưởng cho các vị trí chủ chốt trong công ty (ESOP) vào tháng 4 vừa qua và tăng vốn thêm 900 triệu đồng.
Quy mô khiêm tốn nhưng Công ty Cổ phần Bia & Nước giải khát Hạ Long lại duy trì được kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng nể trong nhiều năm.
Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2016-2021 đạt 29,5% với doanh thu và 26,1% với lợi nhuận sau thuế (Ảnh: CafeF).
Những con số đáng mơ ước đối với cả những doanh nghiệp niêm yết đầu ngành.
Kết quả có được sau nhiều năm tạo dựng chỗ đứng không chỉ tại Quảng Ninh mà còn đang trên đường khẳng định thương hiệu tại một số tỉnh phía Bắc.
Năm 2021 vừa qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và Nghị định 100, sản lượng tiêu thụ vẫn tăng 16,6% so với cùng kỳ, đạt 59,5 triệu lít bia.
Doanh thu và lợi nhuận đều lập kỷ lục kể từ khi hoạt động, lần lượt đạt 981 tỷ đồng và 81.8 tỷ đồng, tương ứng tăng 38% và 26% so với năm trước.
Chiến lược kinh doanh của Công ty Cổ phần Bia & Nước giải khát Hạ Long
Không chỉ tập trung vào sản phẩm bia hơi, bia tươi truyền thống, Công ty Cổ phần Bia & Nước giải khát Hạ Long đã đưa ra những sản phẩm cao cấp với nhận dạng trẻ trung, hiện đại hơn trong những năm gần đây.
Tháng 5/2016, công ty chuyển thành công ty đại chúng và bắt đầu quá trình cơ cấu lại tổ chức với việc tận dụng đội ngũ lãnh đạo trẻ và công nhân sản xuất giàu kinh nghiệm, nâng cao chất lượng và mở rộng đối tượng khách hàng của thương hiệu.
Tháng 6/2017, công ty đã nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường dòng sản phẩm mới Hạ Long Aroma với công thức sản xuất 100% đại mạnh cùng hương thơm đặc biệt tạo nên từ cánh hoa hops.
Hạ Long Aroma hướng tới phân khúc khách hàng trung cấp, một cơ hội và thử thách mà công ty đặt ra cho chính mình, vì đây là đối tượng hoàn toàn mới mẻ đối với các dòng sản phẩm khác cũng như mục tiêu thị trường của công ty từ trước đến nay.
Quy trình sản xuất Bia Hạ Long đều tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới.
Nguyên liệu malt và hoa houblon được tuyển chọn và nhập khẩu từ nước ngoài.
Ngày 15/6/2021, công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Hạ Long chính thức ra mắt sản phẩm mới mang tên Bia Rồng Việt.
Màn ra mắt ấn tượng đến từ bia Rồng Việt trong mùa hè với đột phá trong hương vị và một diện mạo đẳng cấp đã mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho người thưởng thức đúng như với thông điệp “Bản lĩnh Việt”.
Ngày 16/07/2021, Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Hạ Long đã ra mắt sản phẩm bia mới Hạ Long Sapphire với thông điệp “Vị êm huyền thoại”.
Hạ Long Sapphire lại tiếp tục là bộ sản phẩm mới đột phá cả về kiểu dáng bao bì lẫn công nghệ sản xuất của Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Hạ Long.
Công ty lọt vào Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2021, tháng 10/2021 (Nguồn: Vietnam Report).
Sản phẩm hướng tới giới trẻ, những ai đang thích tìm kiếm trải nghiệm thú vị để khẳng định cá tính của bản thân.
Những chiến dịch quảng bá lớn cùng sự cải thiện về mặt bao bì để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi và thị trường, Bia Hạ Long ngày càng được yêu thích và thị trường ngày càng được mở rộng.
Thị giá thuộc loại "đắt đỏ" nhất sàn chứng khoán
Nói đến cổ phiếu bia, nhà đầu tư có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm một cái tên khác ngoài 2 "ông lớn" Sabeco (mã SAB) và Habeco (mã BHN).
Sự chú ý đổ dồn bộ đôi này khiến nhiều người quên mất một cổ phiếu ít tên tuổi hơn là HLB của Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Hạ Long, đã âm thầm soán ngôi vị "đắt đỏ" nhất ngành.
Lên sàn UpCOM từ tháng 2/2017, thị giá HLB có thời điểm kém rất xa so với SAB – cái tên đắt nhất sàn chứng khoán thời điểm cuối năm 2017.
Thế nhưng, 2 gọng kìm COVID-19 và Nghị định 100 đã xóa nhòa khoảng cách giữa 2 cổ phiếu từ đầu năm 2020.
Bứt lên từ giữa năm ngoái, HLB tăng tốc nhanh chóng và có thời điểm đã chạm đến 345.000 đồng/cổ phiếu (phiên 7/2), đứng top 1 về thị giá trên cả 3 sàn.
Cổ phiếu này sau đó đã điều chỉnh xuống mức 260.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn chỉ xếp sau VCF.
Thị giá vượt xa SAB và BHN nhưng vốn hóa của HLB khiêm tốn hơn rất nhiều với khoảng 800 tỷ đồng do chỉ có hơn 3 triệu cổ phiếu lưu hành.
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong khi cổ phiếu không bị pha loãng trong nhiều năm đẩy lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của HLB lên cao ngất ngưởng.
Con số này năm 2021 lên đến 27.267 đồng, cao nhất ngành bia và cũng thuộc top trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.
Với mức lợi nhuận trên, P/E forward 2022 cũng chỉ ở mức 13,9 lần, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành.
Vì thế, không quá khi cho rằng HLB vẫn còn khá rẻ dù thị giá thuộc vào loại "đắt đỏ" nhất sàn chứng khoán.
Truyền thống cổ tức cao
Không chỉ kinh doanh tăng trưởng, thị giá cổ phiếu cao, HLB từng nổi tiếng với truyền thống chi trả cổ tức cao trong nhiều năm.
Giai đoạn 2014-2018, công ty không năm nào quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông trong đó đáng chú ý có năm 2016 với tỷ lệ 60%, năm 2017 với tỷ lệ 70% và đặc biệt là năm 2018 với tỷ lệ lên đến 200%.
Năm 2019, hoạt động cổ tức bị gián đoạn do HLB dành toàn bộ phần lợi nhuận còn lại sau khi trích thưởng để đầu tư nâng cấp và hoàn thiện nhà máy sản xuất bia Đông Mai công suất 50 triệu lít/năm.
HLB chia cổ tức trở lại cho cổ đông vào năm 2020 với tỷ lệ 20% bằng tiền và đã thanh toán vào cuối tháng 7 năm ngoái.
Với lợi nhuận kỷ lục năm 2021, HLB lại gây ấn tượng với kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 100%/vốn điều lệ. Thời gian chi trả dự kiến vào tháng 6/2022.
Theo CafeF, Bia Hạ Long