Năm lên ngôi của thực phẩm protein có nguồn gốc từ thực vật
Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong bối cảnh các sản phẩm protein có nguồn gốc từ thực vật đã được cải thiện và giá thành đã giảm xuống so với thời kỳ đầu ra mắt, nhu cầu sử dụng sản phẩm thịt từ thực vật đã được thúc đẩy do những mối quan tâm về môi trường.
Việc chăn nuôi động vật làm thực phẩm gây ra tới 14,5% lượng khí thải nhà kính liên quan các hoạt động của con người. Do đó là mọi người đang dần quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Xu hướng thay thế thịt động vật đã trở nên ngày càng phổ biến trong các hộ gia đình ở Mỹ, một phần là nhờ các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như Beyond Meat và Impossible Food ngày càng có chất lượng sát hơn với kết cấu và hương vị của thịt bò hoặc thịt lợn.
Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Research and Markets cho biết thị trường thịt từ thực vật trên toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 35 tỷ USD vào năm 2027, tăng từ mức 13,5 tỷ USD của năm 2020 và không chỉ bó gọn trong lãnh thổ nước Mỹ.
Ông David Bchiri - Chủ tịch công ty tư vấn Fabernovel của Mỹ cho biết: “Năm 2022 sẽ là năm lên ngôi của thực phẩm protein có nguồn gốc thực vật. Các sản phẩm này hiện đã ở thời kỳ chín muồi và có chất lượng tốt. Do đó, chúng sẽ trở thành xu hướng chủ đạo."
Giai đoạn Web 3.0 và sự phát triển của tiền điện tử
Giai đoạn đầu tiên của Internet là sự ra đời của các trang web và blog, cho phép sự xuất hiện của các công ty như Yahoo, eBay hay Amazon.
Giai đoạn tiếp theo là Web 2.0, được định hình với các mạng xã hội và nội dung do người dùng tạo ra trên các trang như Facebook và YouTube.
Những nền tảng này "thu lợi nhuận và kiểm soát lợi nhuận, đồng thời cho phép bạn hoạt động trên nền tảng của họ" - ông Benedict Evans, một chuyên gia phân tích nổi tiếng về Thung lũng Silicon đã tổng kết sơ lược như vậy.
Theo đánh giá của ông Evans “Trong giai đoạn này, người dùng, nhà sáng tạo và nhà phát triển sẽ có cổ phần và đưa ra các quyết định dựa trên phiếu bầu" trong một nền tảng hoạt động theo hướng cùng hợp tác. Dự đoán sự xuất hiện của giai đoạn Web 3.0.
Một bước đi mang tính cách mạng như vậy có thể được thực hiện nhờ công nghệ blockchain, nơi các chương trình máy tính chạy trên mạng của hàng nghìn hoặc hàng triệu máy tính.
Cho đến nay, blockchain đã tạo điều kiện cho sự gia tăng của các loại tiền điện tử như bitcoin và gần đây là các tác phẩm kỹ thuật số độc đáo như những hình vẽ hoặc hình ảnh động được gọi là NFT.
Giám đốc công ty tư vấn Fabernovel - ông Bchiri cho biết: “Chúng ta nói nhiều về tài chính phi tập trung, nhưng tôi nghĩ rằng vào năm 2022, chúng ta sẽ thấy nhiều trường hợp sử dụng địa phương hóa hơn trong cuộc sống hằng ngày.”
Trong bối cảnh các loại tiền kỹ thuật số có biến động mạnh như bitcoin đã đạt giá trị cao kỷ lục vào năm 2021, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức đã tham gia thị trường tiền điện tử này, trong đó các thành phố của Mỹ như Miami và New York đều đã ra mắt đồng tiền số của riêng mình.
Cách thức tấn công bằng mã độc đột ngột tăng cao
Theo giới chuyên gia, sự gia tăng đột biến về số lượng các vụ tấn công bằng mã độc (ransomware) và số vụ rò rỉ dữ liệu ở mức cao kỷ lục trong năm 2021 dường như sẽ tiếp tục đà tăng trong năm tới.
Những đối tượng tấn công bằng mã độc để tống tiền sẽ đột nhập hệ thống mạng Internet của nạn nhân để mã hóa dữ liệu, sau đó yêu cầu nạn nhân trả một khoản tiền chuộc, thường là tiền điện tử để lấy lại các dữ liệu đã bị chúng đánh cắp.
Có nhiều yếu tố khiến vấn nạn này trở nên lan rộng hơn, trong đó bao gồm giá trị bùng nổ của tiền điện tử, mức độ sẵn sàng chi trả của nạn nhân và khó khăn mà các nhà chức trách gặp phải trong việc truy bắt những đối tượng tấn công.
Trong báo cáo hồi cuối tháng 10 vừa qua, công ty bảo mật mạng SonicWall nêu rõ: "Với 495 triệu vụ tấn công bằng mã độc được công ty thống kê tính tới thời điểm này trong năm nay, năm 2021 sẽ là năm tốn kém và nguy hiểm nhất được ghi nhận."
Còn bà Sandra Joyce - Phó Chủ tịch điều hành kiêm Trưởng bộ phận tình báo toàn cầu của công ty an ninh mạng Mandiant thì cho rằng: "Khi tôi nghĩ về năm 2022, điều đầu tiên trong đầu không chỉ với tôi mà cả các đồng nghiệp của tôi cũng vậy, đó là sự tiếp diễn của các vụ tấn công bằng mã độc. Đơn giản bởi vì các phi vụ này có hấp lực rất lớn."
Năm 2022 được dự báo là năm các “đại gia” công nghệ sẽ bị khép vào khuôn khổ.
Thật khó để dự báo rằng liệu năm 2022 có phải là năm các “đại gia” công nghệ rốt cuộc cũng sẽ bị khép vào khuôn khổ với những quy tắc mới và quan trọng hay không.
Tuy nhiên, một loạt các mối đe dọa về quy định và pháp lý được đưa ra trong năm 2021 chắc hẳn sẽ gây "những cuộc chiến lớn" trong năm 2022.
Cụ thể tại Mỹ, vụ kiện chống độc quyền của Ủy ban Thương mại liên bang nhằm vào Facebook là một mối đe dọa thực sự đối với "gã khổng lồ" truyền thông xã hội này, mặc dù một tòa án đã từng bác bỏ vụ kiện này.
Tiếp tục có thêm nhiều vụ kiện tương tự và một cuộc điều tra liên bang, thậm chí một đạo luật mới có thể sẽ được ban hành, sau những lời tố cáo về việc các giám đốc điều hành Facebook nhận thức rõ về việc những nội dung trên mạng xã hội và các ứng dụng liên quan của họ có thể gây hại cho người dùng, nhưng vẫn cố tình phớt lờ vì mục tiêu lợi nhuận.
Một số nhà phê bình cũng cho rằng những nỗ lực của Facebook trong việc đổi tên công ty mẹ thành Meta và hiện thực hóa metaverse là nhằm "lái dư luận" là nỗ lực thay đổi chủ đề sau nhiều năm bị chỉ trích.
Trong năm 2021, Apple đã "né đạn" thành công sau khi một tòa án liên bang Mỹ ra phán quyết rằng Epic Games - nhà sản xuất tựa game "Fornite" - đã không thể chứng minh về cáo buộc cho rằng hãng sản xuất điện thoại iPhone đang nắm thế độc quyền một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên, tòa án trên cũng yêu cầu Apple nới lỏng kiểm soát đối với cửa hàng ứng dụng App Store.
Các quy định kiểm soát thị trường kỹ thuật số có thể sẽ sớm được ban hành tại Liên minh châu u (EU), trong bối cảnh khối này đang thúc đẩy thông qua các đạo luật mới liên quan, trong đó bao gồm đạo luật Thị trường kỹ thuật số và đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số.
Đạo luật Thị trường kỹ thuật số liệt kê những điều nên làm và không nên làm đối với các “gã khổng lồ” công nghệ, trong khi đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số yêu cầu các công ty phải tăng cường giám sát nội dung trên các nền tảng của họ.