Nông nghiệp công nghệ cao là gì?
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất.
Lĩnh vực này áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Công nghệ cao được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao bao gồm:
Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến…), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao…; các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ…
Các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).
Khoa học và công nghệ thực sự là một trong các giải pháp quan trọng.
Nó đã đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Muôn màu khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao hiện đang là một trong những lĩnh vực khởi nghiệp có tỉ lệ thành công khá cao.
Do đó, rất nhiều bạn trẻ đã chọn lĩnh vực này để bắt đầu kinh doanh.
9X khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thu về 18 tỷ/năm
Ngay từ khi chuyển hướng làm nông nghiệp công nghệ cao, Trâm tính toán đầu tư hết tiền tỉ, rau quả chỉ cho lợi nhuận vài nghìn đồng 1kg nên phải chọn cây trồng cho năng suất và giá trị kinh tế cao như dưa chuột baby, ớt chuông, cà chua cherry, các loại rau thuỷ canh…
Chỉ vào khu nhà lưới áp dụng quy trình công nghệ cao, Trâm cho hay, nhiều công đoạn áp dụng cơ giới hoá để giảm sức lao động, như sử dụng máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt...
Đặc biệt, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ thủy canh Israel được áp dụng.
Phân bón cũng được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Nhờ đó, cây phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc.
Sản phẩm thu hoạch chất lượng luôn đảm bảo, mẫu mã đồng đều, năng suất cao hơn nhiều so với cách trồng truyền thống.
“Ban đầu cũng thất bại nhiều, sau đó tôi dần hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc. Bây giờ mọi thứ đều ổn, cây trồng cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. Các sản phẩm tương đối đắt hàng, trong đó sản phẩm dưa chuột baby thường xuyên cháy hàng”.
Khởi nghiệp với “máy” trồng rau trong nhà
Trong hệ sinh thái Rau3S của mình, Kim Lê đang thực hiện mô hình kệ rau thông minh trong nhà với hệ thống tưới phun tự động.
Trong hành trình thi công hệ thống rau sạch tại nhà, không phải gia đình nào cũng đủ sức duy trì “vườn rau” gia đình dù đã có hệ thống tưới phun tự động.
Bởi rau còn phụ thuộc các yếu tố khác như: Ánh sáng, dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác…
Đa phần các gia đình thành thị luôn gặp vấn đề khó khăn trong việc chăm sóc và bảo dưỡng “vườn rau” của gia đình mình.
Chính vì thế, Rau3S đã tiếp tục phát triển thêm một giải pháp để nâng cao giá trị rau sạch đến bàn ăn mọi gia đình thông qua sản phẩm “Kệ rau thông minh trong nhà”.
Theo Kim Lê, ngoài đam mê thì đây là dự án mang ý nghĩa cộng đồng.
Mình luôn mong muốn người nông dân định hướng tốt trong việc tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn và người tiêu dùng được bảo vệ sức khỏe
Được biết, “kệ rau thông minh trong nhà” với cấu trúc chuẩn ngang 1,2m cao 1,8m và sâu 40cm.
Thiết bị này với các mô-đun tháo ráp có thể tăng diện tích kệ theo diện tích nhà, linh động trong từng không gian nội thất của khách hàng.
Ưu điểm nhất của mô hình này là nguồn ánh sáng, nước và dinh dưỡng (chuẩn USDA) đều được canh tự động trực tiếp hoặc thông qua hệ thống tự động đã được cài đặt sẵn.
Trồng dâu tây bằng công nghệ IoT ở Đà Lạt
Với cách trồng dâu tây bằng công nghệ IoT của mình, anh Trần Đức Nam đã có thể chăm sóc vườn dâu tây 2ha của gia đình mình mà không cần có mặt ở vườn, chẳng cần cầm đến chiếc điện thoại như những mô hình khác.
Hiện nay, khu vườn trồng dâu tây bằng công nghệ IoT ở Đà Lạt của anh Nam có diện tích 2ha.
Mỗi khu vực vườn của anh sẽ được lắp các hệ thống cảm biến.
Thông qua hệ thống cảm biến này, các thông số về độ ẩm, nhiệt độ, lượng nước, phân bón cung cấp cho cây dâu tây sẽ được truyền về hệ thống máy chủ.
Sau đó máy chủ tự tính toán, điều chỉnh, xử lý.
Anh Nam đã nghiên cứu, lên ý tưởng về việc viết 1 phần mềm chăm sóc dâu tây hoàn toàn tự động.
Sau đó, anh Trần Đức Nam đã thuê 1 đơn vị lập trình, viết App điện tử trên điện thoại để phù hợp với cây dâu tây và hoàn thiện cho anh hệ thống trên.
Chủ vườn dâu tây Nam Anh cho biết, để dâu tây phát triển tốt nhất thì phải xây dựng hệ thống nhà kính công nghệ cao.
Phần mặt đất được lót bạt hoặc tráng xi măng nhằm hạn chế tối đa côn trùng gây hại xâm nhập tác động vào dâu.
Lời kết
Việc áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, trong đó có sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà màng trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả, nhằm giải quyết tốt bài toán năng suất, chất lượng, cũng như tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản.