Từ phương thức sống sót mới của thị trường nghệ thuật

Mua các tác phẩm nghệ thuật online đã và đang ngày càng trở thành xu hướng và phương thức của nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật. 

Nghệ thuật ngày càng tiếp cận gần hơn tới đời sống hàng ngày đồng nghĩa với việc càng có nhiều người quan tâm đến những tác phẩm nghệ thuật và có mong muốn sở hữu nghệ thuật hơn. 

Dù mua bán tranh online đã xuất hiện từ lâu, nhưng những hình thức mua bán tranh hay tác phẩm nghệ thuật nói chung có cuộc chuyển giao lớn hơn cả khi thế giới đối mặt với những biến động lớn.

null

Đặc biệt là đại dịch kéo dài khiến cho những phiên đấu giá không thể diễn ra trực tiếp và phòng tranh cũng phải loay hoay tồn tại khi không thể mở cửa đón khách và giới thiệu những tác phẩm mới thông qua triển lãm.

Để sống sót, tất nhiên phòng tranh, triển lãm và thậm chí nghệ sĩ phải tìm đến những cách gián tiếp để đến được với người sưu tầm, một trong những cách như vậy tất nhiên phải kể đến nền tảng online. 

Con số báo cáo từ Christie’s, Heritage Auction và Sothby cho thấy, 19% tổng doanh thu thị trường nghệ thuật đến từ những giao dịch online (720 triệu USD), trong đó, Christie chứng kiến giao dịch online tăng 84%, Heritage Auction có 41% doanh thu từ giao dịch online, tăng 1.3% so với 2015 nhờ vào việc ngày càng mở rộng nền tảng online của mình. 

Chưa từng có tiền lệ trước đó khi hàng loạt bảo tàng và phòng tranh đưa không gian của mình lên mạng internet, thậm chí là mạng xã hội, những tác phẩm vốn trước nay ẩn mình trên bức tường ba lớp kính ở viện bảo tàng cũng trở thành những post kèm thông tin chi tiết của tác phẩm trên các tài khoản Instagram.

Những tour xem triển lãm bỗng chuyển đổi thành phiên bản virtual đưa người xem đến từng ngóc ngách triển lãm chỉ bằng chiếc máy tính trước mặt, những phiên đấu giá vẫn sôi động, dù thay vì ngồi trong một gian phòng xa hoa, họ có thể ung dung ngồi nhà xem những buổi đấu giá livestream…

Phương thức thích nghi để sinh tồn này tất nhiên không chỉ mang lại lợi ích cho thị trường nghệ thuật, mà còn cả những nhà sưu tầm khi rút ngắn những khoảng cách về mặt địa lý và thậm chí loại tiền tệ họ sử dụng để sưu tầm tranh. 

Những tác phẩm nghệ thuật chỉ được tìm thấy trên nền tảng online

Phần lớn những nhà sưu tầm nghệ thuật tìm đến mua tranh online vì những lý do cơ bản, dễ hiểu như việc họ không thể đến một phiên chợ nghệ thuật hay phòng tranh để trực tiếp mua tranh, bởi không phải bất cứ tác phẩm yêu thích nào của họ hay hội chợ nghệ thuật nào đáng đến cũng thuận tiện cho việc di chuyển. 

Một trong những lợi ích lớn nhất của việc mua tranh online là họ có thời gian và cơ hội để nghiên cứu kỹ hơn tất cả những tác phẩm trước khi đưa ra quyết định có nên mua hay không và mua tác phẩm nào. 

Thử tưởng tượng nếu nhà sưu tầm chỉ có thể mua tranh trực tiếp ở những phòng tranh họ biết và thường xuyên giao dịch trước đó, số lượng tác phẩm hay sự đa dạng của các tác phẩm sẽ chỉ đến mức giới hạn nhất định, trong khi trên thực tế, họ đã mất đi cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm của phạm vi nghệ sĩ đông đảo hơn ở những ngóc ngách khác nhau trên trái đất. 

Với họ, nền tảng online chính là chìa khoá đúng lúc và đúng chỗ để giải quyết vấn đề lớn này.

Những nền tảng online cũng là công cụ hoàn hảo cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết và nhanh chóng về những nghệ sĩ, những tác phẩm trước đó và thậm chí giá trị của tác phẩm dựa vào đánh giá khách quan của giới phê bình…

null

Tất cả đều có thể kiến tạo động lực lớn khiến nhà sưu tầm muốn sở hữu tác phẩm của nghệ sĩ dù đó có thể là cái tên xa lạ, một nghệ sĩ mới nổi (đồng nghĩa với giá tác phẩm sẽ rẻ hơn). 

Trong khi những nhà sưu tầm cũng có thể có được những thông tin này ở những hội chợ nghệ thuật, rõ ràng việc không phải chịu áp lực thời gian từ người môi giới để quyết định mua tác phẩm trong thời gian ngắn mang đến cho họ cảm giác mình đưa ra sự đầu tư đúng đắn và phù hợp với điều kiện cũng như nhu cầu sưu tầm của bản thân hơn.

Hiểu được động lực này, các phòng tranh ngày càng tập trung vào chiến lược digital của mình.

Báo cáo được thực hiện bởi nhà kinh tế học nghệ thuật Clare McAndrew sau khi khảo sát 795 phòng tranh nghệ thuật đương đại cho thấy: 72% những phòng tranh này đầu tư nhiều hơn vào nội dung online qua website và những kênh online khác, 69% tăng cường các hoạt động mạng xã hội để chủ động tương tác với nhà sưu tầm. 

null

Những không gian gallery nhỏ đặc biệt phù hợp với hình thức phòng tranh online, và có đến 87% người sưu tầm thăm những phòng tranh online này, trong đó 41% với mục đích mua rõ ràng.

Một thế giới nghệ thuật thư giãn hơn cho những nhà sưu tầm trẻ

Nói về hứng thú sưu tầm nghệ thuật của thế hệ millenial thì cũng như nói về câu chuyện muôn thuở: con gà có trước hay quả trứng có trước. 

Liệu sự phát triển của hình thức mua bán nghệ thuật online có phải động lực trực tiếp dẫn đến số người sưu tầm trẻ tuổi tăng lên, hay ngược lại? 

Chỉ biết rằng millennial đang ngày càng hứng thú với việc mua tác phẩm nghệ thuật thay vì chỉ chiêm ngưỡng chúng hơn bao giờ hết. 

Trong một báo cáo của Basel Art Fair, 70% millennial được phỏng vấn cho rằng đại dịch khiến họ có hứng thú sưu tầm nghệ thuật hơn, 60% cho biết họ cảm thấy lạc quan với thị trường nghệ thuật và sẵn sàng bỏ tiền cho những tác phẩm nghệ thuật hơn cả.

Những nhà sưu tầm nghệ thuật online không ngần ngại chỉ ra lợi ích về giá cả khi mua tác phẩm trên mạng. 

Với những nhà sưu tầm nhiều kinh nghiệm, việc so sánh giá cả cũng là bước quan trọng trong quá trình đánh giá sự đầu tư của họ với tác phẩm. 

Những nhà sưu tầm này thường hứng thú hơn cả với tốc độ của những giao dịch mua bán nghệ thuật online: từ việc phản hồi từ đơn vị trung gian cho đến giao dịch và vận chuyển, đặc biệt là ở những cuộc đấu giá online với các tác phẩm có định giá cao.  

Nền tảng mạng internet cho phép người mua tiếp cận nhiều phòng tranh cùng lúc, nhiều website mua bán nghệ thuật để tìm ra một mức giá hợp lý nhất.

Nhất là với những nhà sưu tầm mới không có nhiều kinh nghiệm hay khả năng tài chính eo hẹp hơn. 

Sở dĩ việc mua bán tranh online thúc đẩy con số nhà sưu tầm mới trẻ hơn, cũng bởi đây là những người vốn có thói quen mua bán giao dịch nhiều mặt hàng trên mạng trước đó. 

Thế hệ nhà sưu tầm trẻ tuổi này tìm đến hình thức online như một thói quen, vừa đảm bảo tránh khỏi tiếng tăm “đáng sợ” của thế giới nghệ thuật phức tạp, nhiều biến động và ngày càng đa dạng trong xu hướng nghệ thuật cũng như hình thức của tác phẩm. 

Với những nhà sưu tầm trẻ có ít kinh nghiệm, bước thử mua tác phẩm trên nền tảng online cho họ thêm thời gian và để nghiên cứu về nghệ thuật mà không gặp phải những áp lực mang tên “chuyên nghiệp” từ phía những phòng tranh hay phiên đấu giá.

Theo L'Officiel